Đánh giá trước kết quả kinh doanh quý 4-2022 ngành chứng khoán

Lượt xem: 921 | Ngày đăng: 10/01/2023 | Báo cáo phân tích Blog

Sau khi phân tích tình hình kết quả kinh doanh quý 4 của ngành phân bón chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích đến ngành tiếp theo cũng được chú ý trong đợt hồi vừa rồi của thị trường đó là ngành chứng khoán. Ngành có ảnh hưởng lớn từ diễn biến của thị trường chung.

Đầu tiên phân tích một chút qua về hành động giá của ngành chứng khoán trong thời gian vừa qua cũng như tính chất của ngành này. Chúng ta đều biết rằng ngành chứng khoán phụ thuộc khá nhiều vào trạng thái của thị trường chung, cụ thể khi nền kinh tế có nhiều kỳ vọng tốt, thị trường sẽ có nhiều kỳ vọng giúp thị trường chung tăng giá và kỳ vọng ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Ngược lại nếu kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến thị trường giảm sẽ khiến các công ty chứng khoán kinh doanh kém trở lại rất nhanh do tự doanh kém, lãi cho vay, chi phí môi giới giảm sút khiến giá chứng khoán giảm. Điều này vô hình chung khiến cho ngành chứng khoán như là một bức tranh vĩ mô của cả thị trường thu nhỏ lại trong một ngành. Do vậy những biến động vĩ mô sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành chứng khoán vì nó ảnh hưởng tới tương lai của thị trường chung.

Trong 2-3 năm vừa qua vĩ mô có rất nhiều sự thay đổi liên tục do dịch bệnh và các chính sách từ FED. Điều này cũng khiến cho ngành chứng khoán có sự tăng giảm đều rất mạnh theo các diễn biến của vĩ mô và với việc phân tích, nhìn nhận được vĩ mô theo chúng tôi sẽ ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích cụ thể từng phần để giúp quý nhà đầu tư có thêm góc nhìn về ngành này.

I. Dự đoán kết quả kinh doanh quý 4-2022

Đây là phần đầu tiên và có lẽ là cũng khá dễ dự đoán khi mà quý 4 đã qua đi và đang chờ kết quả kinh doanh được công bố. Vì vậy phần nào bức tranh kết quả kinh doanh đã được hé lộ.

Trước tiên là diễn biến thị trường chứng khoán, tức thị trường chung trong quý 4-2022. Trong quý 4 Vnindex đã có cú sụt giảm sâu nhất cả năm về dưới 900 điểm trước khi phục hồi trở lại vùng trên 1,000 điểm như hiện nay. (Hình 1)

Nguyên nhân thì chúng ta đều biết là do tình hình vĩ mô vẫn đang khá nhiều khó khăn như lạm phát, lãi suất tăng. Nhưng nguyên nhân lớn nhất tại Việt Nam đó là dòng tiền về cuối năm bị thiếu trầm trọng do kênh trái phiếu bị tắc, nhiều khoản đến đáo hạn phải xử lý khiến thị trường bị bán giải chấp nhiều gây ra sụt giảm mạnh. Thanh khoản thị trường giao dịch ở mức thấp quanh 10-13k tỷ đồng. Với những diễn biến trên của thị trường chung khiến cho đa phần các nhà đầu tư cá nhân và cả tổ chức trong quý 4 đều gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư, trong đó có các bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán. Và với thanh khoản của thị trường chung ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ và chỉ ở mức trung bình khoảng 10-13K tỷ đồng (Hình 2) thì một điều gần như chắc chắn là phí môi giới của các công ty chứng khoán cũng sẽ giảm khá nhiều nếu so với cùng kỳ quý 4-2021 (thanh khoản thị trường duy trì trong khoảng 20-25K tỷ đồng). (Hình 2)

Về mảng mang lại doanh thu lớn còn lại cho các công ty chứng khoán là mảng cho vay sẽ liên quan đến quy mô cho vay margin trên thị trường. Như hình dưới đây chúng ta có thể thấy  trong nửa cuối năm 2022 khi thị trường giảm giá mạnh thì quy mô cho vay margin trên toàn thị trường cũng có xu hướng giảm xuống. Điều này sẽ khiến doanh thu mảng cho vay của các công ty chứng khoán cũng không thể tăng trưởng được nếu so với cùng kỳ 2021. Như vậy phần nào chúng ta cũng có thể mường tượng ra mảng tự doanh, mảng phí môi giới và cả mảng cho vay của các công ty chứng khoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sự sụt giảm là điều không thể tránh khỏi so với cùng kỳ, thậm chí nhiều công ty còn sụt giảm mạnh nếu không có lợi thế cạnh tranh riêng. (Hình 3)

Tiếp theo chúng ta có thể xem lại kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong các quý gần đây cũng có thể nhìn ra được xu hướng cho kết quả kinh doanh của quý 4-2022. Cụ thể như hình 4 dưới đây là kết quả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 3 công ty lớn trên sàn là SSI, VND, HCM.

Chúng ta có thể thấy xu hướng chung là sau khi đạt đỉnh kết quả kinh doanh vào quý 4-2021 thì sang 3 quý của năm 2022 kết quả kinh doanh có xu hướng giảm dần từ quý 1 sang quý 3 và các công ty trước đó tăng trưởng càng nhanh thì tốc độ sụt giảm càng nhanh như VND, SSI.

Như vậy với 2 luồng thông tin trên cùng với nền kết quả kinh doanh cùng kỳ ở mức rất cao chúng ta có thể chắc chắn được rằng kết quả kinh doanh trong quý 4-2022 của đa phần các công ty chứng khoán trên sàn sẽ là giảm mạnh so với cùng kỳ 2021 và thấp hơn kết quả kinh doanh quý 3-2022. Thậm chí nhiều công ty không có lợi thế cạnh tranh sẽ xuất hiện lợi nhuận âm trên báo cáo tài chính quý 4 này.

II. Triển vọng kinh doanh ngành chứng khoán trong năm 2023

Với kết quả kinh doanh quý 4-2022 như chúng tôi đã phân tích ở phần trên và cũng nhiều người có thể nhìn thấy trước được, còn xa hơn là tiềm năng của ngành trong năm 2023 mới là vấn đề chúng ta nên đề cập cũng như đi phân tích để có thể hiểu cũng như có kế hoạch đầu tư cho đúng đắn hơn với ngành chứng khoán trong năm tới. Dưới đây chúng tôi sẽ đi bóc tách tiềm năng từng mảng trước khi tổng kết lại để giúp quý nhà đầu tư hiểu và có cái nhìn tổng quát nhất về ngành này trong năm tới. Với các công ty chứng khoán thì đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh cho các công ty là 3 mảng chính bào gồm FVTPL, Môi giới và cho vay.

1. Mảng FVTPL

Đây là mảng các công ty chứng khoán dùng tiền để đầu tư vào các kênh đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu giúp mang lại lợi nhuận cho công ty còn được gọi là mảng tự doanh của các công ty chứng khoán. 2 mảng chính thường được các công ty chứng khoán đầu tư trong mảng FVTPL đó là trái phiếu và cổ phiếu. Tỉ trọng sẽ khác nhau giữa các công ty chứng khoán khác nhau nhưng thường trái phiếu sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn do mức độ an toàn cao hơn so với cổ phiếu và tỉ trọng cũng thay đổi theo bối cảnh thị trường. Như ví dụ dưới đây chúng ta có thể thấy trong 2022 khi thị trường cổ phiếu có sự sụt giảm mạnh thì xu hướng tại các công ty chứng khoán là hạ tỉ trọng mảng cổ phiếu và tăng tỉ trọng mảng trái phiếu để giảm thiểu thua lỗ và rủi do. (Hình 5)

Trong năm 2023 trong môi trường lãi suất duy trì ở mức cao cùng với đó là thị trường cổ phiếu khả năng lớn sẽ có diễn biến đi ngang và tăng nhẹ thì các công ty chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục duy trì tỉ trọng tài sản cao hơn tại kênh trái phiếu để giúp đạt lợi nhuận tốt hơn. Nếu so sánh cả năm 2023 chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh 2023 của mảng tự doanh sẽ có phần giảm nhẹ so với 2022 do 2022 có quý 1 và phần nào quý 2 vẫn đạt kết quả kinh doanh rất tốt. Sự ổn định và phần nào có thể khởi sắc của kết quả kinh doanh có lẽ có đến cũng phải đến từ nửa sau của năm 2023.

2. Mảng môi giới chứng khoán

Đây là mảng mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán thông qua phí giao dịch từ phía các nhà đầu tư. Điều đó đồng nghĩa với việc trong điều kiện phí giao dịch không có sự thay đổi thì lượng tiền giao dịch càng nhiều phí giao dịch sẽ càng lớn, hay nói cách khác thanh khoản của thị trường càng lớn thì các công ty trên sàn càng thu lại được nhiều lợi nhuận từ mảng môi giới chứng khoán. (Hình 6)

Như chúng ta đều biết từ quý 2-2022 giá trị giao dịch theo các phiên đã có sự sụt giảm khá mạnh từ trung bình 20 nghìn tỷ đồng mỗi phiên xuống còn khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, tức giá trị giảm đi một nửa và điều này cũng khiến mảng môi giới giảm khá nhiều lợi nhuận trong 2 quý gần đây. Cụ thể như hình 7 dưới là ví dụ doanh thu mảng môi giới của VND và SSI trong các quý gần đây.

Trong năm 2023 với việc môi trường lãi suất sẽ duy trì ở mức cao dù không tăng nhiều nữa cũng vẫn khiến thị trường chứng khoán khó có thể tăng mạnh được mà sẽ có xu hướng đi ngang với thanh khoản thấp duy trì quanh mức 10-13 nghìn tỷ đồng. Như vậy chúng tôi cho rằng mảng môi giới của các công ty chứng khoán cũng khó có thể tăng trưởng trở lại trong 2023 mà sẽ là giảm nhẹ từ 10-30% so với 2022 (do quý 1-2022 kết quả kinh doanh vẫn ở mức cao) tùy theo từng công ty khác nhau.

3. Mảng cho vay (Margin)

Đây cũng là mảng gà đẻ trứng vàng cho các công ty chứng khoán về doanh thu và lợi nhuận. Trong các quý gần đây doanh thu mảng cho vay của các công ty đạt đỉnh vào quý 1-2022 và sau đó giảm dần trong các quý gần đây do thị trường chung giảm điểm liên tục khiến lượng vay margin tại các công ty chứng khoán đều sụt giảm. (Hình 8)

Tuy nhiên tốc độ sụt giảm doanh thu mảng cho vay có phần chậm hơn so với đà sụt giảm từ mảng môi giới. Một phần do trong năm 2022 nhiều công ty đã tiến hành tăng vốn để giúp công ty có thể tăng dư địa cho vay trong khi năm 2021 đa phần đều full room không thể cho vay thêm được nữa. Sang 2022 tuy thị trường đã xấu nhưng xu hướng gồng lỗ cũng như dùng đòn bẩy thường sẽ vẫn còn ở nhiều nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng sau khi ngấm đòn từ những cú giảm quý 2 đến quý 4 năm nay thì sang 2023 với việc tăng lãi suất cho vay margin sẽ khiến mảng cho vay tiếp tục giảm hơn so với 2022, nhất là trong thị trường đi ngang chứ chưa thể tăng mạnh trở lại ngay để kích thích sử dụng đòn bẩy cao trở lại. Có lẽ mảng cho vay sẽ có sự hồi phục chậm hơn so với 2 mảng tự doanh và môi giới từ 1 đến 2 quý. Và chúng tôi dự kiến mảng này phải từ 2024 trở đi mới bắt đầu cho chu kỳ hồi phục mới.

Ngoài 3 mảng kinh doanh chính trên thì một số công ty chứng khoán còn một số mảng ngách khác như bảo lãnh phát hành trái phiếu, IPO,… nhưng nhìn chung chúng tôi cho rằng các mảng này cũng sẽ vẫn khó khăn trong năm 2023 với vĩ mô hiện tại như kênh trái phiếu gặp khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện lãi suất cao với nhiều thử thách,…

III. Tổng kết và định giá

Như vậy chúng ta đã rõ được kết quả kinh doanh quý 4-2022 ngành chứng khoán sẽ ra sao cũng như tiềm năng và triển vọng cho cả năm 2023 tới. Với nền kết quả kinh doanh quý 4-2021 rất cao thì quý 4 năm nay việc các công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 4 giảm sâu so với cùng kỳ là không có gì bất ngờ, thậm chí một số công ty có thể báo lỗ. Triển vọng 2023 chúng tôi cũng không đánh giá sáng sủa nhiều so với 2022. Có chăng chỉ là thị trường vĩ mô đã bớt xấu, dòng tiền trong nền kinh tế sẽ được khơi thông dần giúp cho các cổ phiếu trong ngành chứng khoán sẽ tạo đáy và dần tích lũy tạo nền cho một chu kỳ tiếp theo sau 2-3 năm nữa. Khả năng cao sau khi thị trường chung cân bằng sau quý 1 thì cổ phiếu các công ty chứng khoán sẽ có xu hướng đi ngang là chính. Có một gợi ý khi quý nhà muốn đầu tư vào ngành chứng khoán thì đó là nên chú ý định giá của các công ty chứng khoán tại những thời điểm thị trường có xu hướng đi ngang trong quá khứ để xem mức giá hiện tại là rẻ hay hợp lý. Nếu mức chiết khấu giá dưới vùng hợp lý 20-30% thì có thể mua để ăn những cú hồi trong ngắn hạn.

Ví dụ như VND trong những giai đoạn 2014-2016 và 2019-2020 giao dịch với P/B khoảng 1-1.2 lần và chúng ta có thể canh ở những vùng giá P/B dưới 1 lần khi thị trường điều chỉnh để mua ngắn hạn. Cá nhân chúng tôi thì không giỏi và cũng k thích phương pháp này cho lắm mà sẽ tìm kiếm các cơ hội khác có thể tăng trưởng trong 2023 bất chấp thị trường chung khó khăn.

-Link room telegram miễn phí: https://t.me/cknuocmam

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN