VGT – Tích cực vượt khó

Lượt xem: 113 | Ngày đăng: 20/05/2025 | Báo cáo phân tích Blog

Một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp trong câu chuyện thuế quan vừa qua có thể kể đến dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Để đối phó với tình hình này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) vừ qua đã tổ chức Hội thảo Thị trường để cập nhật tình hình thực tế, cũng như xây dựng các kịch bản áp thuế làm cơ sở để triển khai chương trình hoạt động trong thời gian tới. Bài báo cáo này của chúng tôi sẽ update tình hình kinh doanh Q1/25 cũng như các thông tin liên quan đến Hội thảo này.

I. Cập nhật KQKD Q1/25

Báo cáo Q1/25 của VGT ghi nhận tăng trưởng rất tích cực về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh số bán hàng trong quý ghi nhận 4.267 tỷ đồng (+8% yoy), nhưng nhờ giá vốn hàng bán chỉ bán tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp đạt mức 516 tỷ đồng – tăng trương mạnh gần 50% yoy. Biên lãi ròng cũng vì thế đạt 12,1% – là mức cao nhất kế từ đầu năm 2022 đến nay. Theo giải trình của Tập đoàn, nhu cầu thị trường tăng trở lại trong thời gian vừa qua giúp doanh số tăng mạnh. Bên cạnh đó, VGT cũng bám sát thị trường, nhiều thời điểm chốt được giá bông, giá sợi tốt để cải thiện biên lãi. Doanh nghiệp cũng tích cực tối đa cơ hội để thực hiện hóa sớm các đơn hàng trước những diễn biến phức tạp và bất ngờ của chính sách thuế quan đến từ Hoa Kỳ.

Trong kỳ, doanh nghiệp này cũng ghi nhận mức chi phí liên quan đến lãi vay giảm 11,7% – chủ yếu do các khoản vay dài hạn đang tới hạn trả trong bối cảnh nền lãi suất duy trì thấp. Ngoài ra, việc tiết giảm được lỗ tỷ giá cũng giúp VGT giảm các chi phí liên quan tài chính. (Hình 1)

Với diễn biến này, VGT ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng – tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ. Biên lãi ròng đạt 4% – một con số khá cao trong những năm trở lại đây của Tập đoàn này. (Hình 2)

Như vậy có thể thấy, trước khi gặp câu chuyện về thuế quan thì VGT đã và đang quay trở lại cuộc đua tăng trưởng khi có tới 4 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương. Lí do là, vì doanh số của VGT chiếm tới 35% là xuất khẩu sang Mỹ, nên việc nâng thuế dù chỉ là 10% như hiện tại cũng khiến doanh nghiệp này khó có thể kiếm thị trường khác thay thế ngay lập tức. Trong những báo cáo của VCOSA cũng nêu rõ, việc tăng thêm 10% thuế cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành đứng trên bờ vực phá sản và phải tìm cách xin hoãn thuế về 0% như trước đây. Vì thế, với doanh số tới 35% thuộc về thị trường Mỹ, chúng tôi chắc chắn không ít thì nhiều doanh số ngay trong Q2/25 của VGT sẽ bị ảnh hưởng. Nên việc kì vọng giá cổ phiếu hồi phục về vùng định giá trước đây là bất khả thi, trừ khi nước ta được miễn thuế hoàn toàn đối với ngành may mặc. 

Tuy nhiên 10% chưa phải là con số cuối cùng, mà phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 8/7 tới đây. Vậy trong giai đoạn rối ren này, VGT đã đưa ra những giải pháp nào để ứng phó? Phần sau của bài viết sẽ giúp nhà đầu tư giải đáp câu hỏi này.

II. Cập nhật thông tin về Hội thảo Thị trường

Theo thông tin tại Hội thảo, ngay khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng và lộ trình áp thuế ngày 4/3 vừa qua, nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại. Tuy nhiên, ngày 10/4 khi thông tin tạm hoãn thuế được áp dụng thì các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới (tại thời điểm đó là ngày 05/07/2025). Các doanh nghiệp trong hệ sinh thái VGT cũng chủ động đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm đa dạng thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất đơn hàng đã ký trong Q2/25. 

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng thừa nhận, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại Mỹ. Đối với ngành dệt may, VGT kỳ vọng chúng ta có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ khi là quốc gia xuất siêu vào quốc gia này. Được biết, Chính phủ cũng đang tăng cường hệ thống giám sát, đặc biệt với các nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo các quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ các hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia. (Hình 3)

Ngoài ra, tại Hội nghị này, VGT cũng cho biết nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái đã nhập đủ đơn hàng đến hết Q2/25 và đang giao dịch cho Q3/25. Hiện tại, các đơn hàng trong Q2/25 có xu hướng chững lại vì cần thêm thông tin về chính sách thuế qua của chính quyền Tổng thống. 

Quan điểm của chúng tôi: Hiện nay, câu chuyện thuế quan vẫn rất nóng, với những tuyên bố thất thường từ chính quyền Tổng thống Trump.

Điểm tích cực là, hiện nay Mỹ đang áp mức thuế quan phổ cập 10% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, bên cạnh mức thuế cao hơn với một số sản phẩm nhất định. Theo dự kiến thời gian tạm áp mức thuế cao hơn (như đã tuyên bố ngày 4/3) dự kiến kết thúc ngày 8/7. Tuy nhiên, Mỹ – Trung đã có những động thái tích cực hơn khi giảm mạnh thuế quan đối ứng, trong đó Mỹ áp 30% hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chấp nhận con số 10% cho hàng hóa được xuất khẩu từ Mỹ. Vì thế, việc duy trì con số cao cho những quốc gia khác theo như tuyên bố ngày 4/3 nhiều khả năng khó có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, theo phát ngôn mới nhất vào ngày 17/5 vừa qua, sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Đông thì TT. Trump tuyên bố sẽ cho các quốc gia thêm vài tuần nữa, sau đó phía Mỹ sẽ chỉ thông báo cho các đối tác thương mại của Mỹ về thuế quan mới. Vấn đề chúng tôi thấy rằng, chưa rõ ông Trump sẽ áp mức thuế quan nào mới với các quốc gia không thể đạt được thỏa thuận với Mỹ trong tuần tới, và liệu mức thuế đó có phải là vĩnh viễn hay chỉ là tạm thời. Sự bất ổn này lại quay trở lại, và sẽ khó cho các đối tác thương mại của Mỹ để có thể hành động và chủ động trong vấn đề kinh doanh. Đây là điểm tiêu cực cho thị trường Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng khi các khách hàng nhiều khả năng sẽ chần chừ đặt đơn hàng mới, nhất là khi thời hạn 90 ngày đang cận kề.

Chúng tôi cũng tham khảo một số cuộc họp ĐHCĐ của những doanh nghiệp khác trong ngành dệt may, ví dụ như HTG, NDT (công ty con của VGT), MSH, TNG,… Có thể thấy, hiện tại tình hình lao đao vẫn đang tiếp diễn bởi những pha “quay xe” bất ngờ của TT. Trump, và chủ các doanh nghiệp này vẫn đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về việc đàm phán mức thuế chính xác của ngành dệt may bị áp dụng. Hiện tại, những gì các doanh nghiệp này có thể làm là tiếp tục duy trì kế hoạch kinh doanh, cắt giảm chi phí, tích cực tìm kiếm những cơ hội khác ngoài Mỹ để đa dạng hóa chuỗi giá trị. 

Tuy nhiên để đánh giá một cách khách quan, thì khó có thể xảy ra viễn cảnh các nhà máy may mặc sẽ quay trở về Mỹ. Bởi ngành may mặc vốn là ngành thâm dụng lao động, đi kèm với đó là yêu cầu tay nghề sản xuất cao. Giả sử người lao động Mỹ làm công việc này, thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để đào tạo tay nghề, bên cạnh đó mức chi phí nhân công thuộc top cao nhất thế giới sẽ khiến ngành may mặc tại Mỹ khó mà trụ được qua thời Tổng thống Trump. 

Còn so với các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ,… thì người lao động Việt Nam vẫn có trình độ tay nghề khá cao, đi kèm là môi trường chính trị ổn định. Thuế quan là câu chuyện sức ép cho tất cả các quốc gia, vì vậy việc dịch chuyển thị trường sản xuất không phải là câu chuyện có thể diễn ra dễ dàng. Khu vực Đông Nam Á vẫn là thị trường cạnh tranh hơn cả vì lợi thế về năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các dịch vụ vượt trội hơn phần đa các thị trường khác. 

Như vậy, tổng hợp tất cả các thông tin trên, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm sẽ khó có cuộc Đại xê dịch như thời Trump 1.0. Thuế quan là gánh nặng cho tất cả, và khu vực Đông Nam Á vẫn là thị trường cạnh tranh lớn nhất trong khu vực, nên việc di dời nhà máy khỏi Việt Nam là câu chuyện không hề dễ dàng. Chúng tôi tin rằng Mỹ sẽ đưa ra một mức thuế quan hòa hoãn với đại đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin cụ thể sẽ phải chờ tới đầu tháng 7, sau khi kết thúc 90 ngày gia hạn. 

III. Tổng kết, đánh giá

Tổng kết lại, câu chuyện thuế quan vẫn là một bài toán hóc búa chưa có lời giải. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng trong dài hạn sẽ khó có cuộc dịch chuyển nhà máy ra khỏi nước ta, bởi chi phí tốn kém mà nó mang lại. Còn trong ngắn hạn, với những cú “quay xe” của chính quyền TT.Trump thì tình hình đơn hàng trong Q2/25 của ngành dệt may nói chung, VGT nói riêng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Việc định giá một mã cổ phiếu trong bối cảnh quá nhiều biến số liên tục thay đổi sẽ làm nhà đầu tư mất Phương hướng. Vì thế chúng tôi xin đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra đối với cổ phiếu VGT trong giai đoạn này:

  • Trường hợp tốt nhất: Việt Nam và các nước cạnh tranh cùng chịu mức thuế khoảng 15-25%: Việt Nam vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh tất cả các nước đều bị áp thuế. Với kịch bản này, chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu sẽ từ từ quay trở lại vùng 13k-15k/cổ phiếu trong năm nay.
  • Trường hợp 2: Việt Nam áp thuế khoảng 20-25% trong khi đối thủ chịu mức thuế 10-15%: Đây sẽ là bất lợi với chúng ta, đơn hàng sẽ dịch chuyển qua những quốc gia này bởi đây cũng là nhưng thủ phủ may mặc lớn trên thế giới với cơ sở vật chất có sẵn. Trong bối cảnh này, giá cổ phiếu hoàn toàn có thể quay trở lại vùng 8-9k/cổ phiếu
  • Trường hợp xấu nhất: Việt Nam không đàm phán được và phải chịu mức thuế trên 30%: Đây là trường hợp chúng tôi không hi vọng xảy ra nhất. Việc chịu mức thuế cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp của chúng ta đứng trên bờ vực phá sản. Giá cổ phiếu của ngành may mặc nói chung, VGT nói riêng sẽ bị ảnh hưởng mạnh và có thể phá đáy đã thiết lập vào ngày 9/4 vừa qua

Với 3 kịch bản trên, chúng tôi sẽ có những hành động tương ứng. Còn hiện tại, với VGT chúng tôi khuyến nghị cổ đông tiếp tục chờ đợi những thông tin mới nhất về thuế quan sắp tới.

– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

Nhập mã “LTBNM” để được giảm giá 10% khi mua acc tại wichart.vn. Áp dụng cùng với các chương trình khuyến mại khác nếu có.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN