VPB – Từng bước trở lại

Lượt xem: 251 | Ngày đăng: 27/05/2025 | Báo cáo phân tích Blog

Trong bài viết gần nhất về VPB tại Q3-2024 chúng tôi đã thấy rằng VPB bắt đầu có những dấu hiệu tích cực trở lại sau giai đoạn khó khăn khi phải nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém và tái cấu trúc lại mảng Credit.

https://langtubuonnuocmam.com/vpb-nhung-tin-hieu-tich-cuc/

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng đi cập nhật kết quả kinh doanh của VPB sau Q1-2025 và con đường ngân hàng đã đi được trong thời gian qua đang thay đổi như thế nào.

I. Kết quả kinh doanh

VPB đã công bố kết quả kinh doanh Q1-2025 với lợi nhuận thuần tổng (TOI) 15,566 tỷ đồng, tăng 16% yoy. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 5,015 tỷ đồng, tăng 19.9% yoy. NIM của ngân hàng trong Q1-2025 cũng có phần cải thiện nhẹ so với cùng kỳ khi tăng 0.29% đơn vị. (Hình 1)

Động lực chính dẫn dắt tăng trưởng cho Q1-2025 tới từ mảng kinh doanh chính là tín dụng với thu nhập lãi thuần ghi nhận tăng trưởng 17.9% yoy và mảng thu nhập khác cũng ghi nhận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Tuy nhiên so với 3 quý gần nhất thì mảng thu nhập khác lại có xu hướng giảm hơn. Nguyên nhân là do Nghị Quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào cuối 2024. Cụ thể hơn về điều này chúng tôi sẽ phân tích chi tiết trong phần dưới.

Trong khi mảng tín dụng và thu nhập khác dẫn dắt cho tăng trưởng của ngân hàng thì mảng hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục đi lùi với mức giảm 24.8% yoy khi chỉ ghi nhận 1,169 tỷ đồng lợi nhuận thuần. Các mảng khác không có nhiều đóng góp vào kết quả kinh doanh do tỉ trọng thấp.

NIM của VPB có xu hướng khá ổn định trong 6-7 quý gần đây khi giao động trong khoảng 5.6-6%, đây là mức cao so với các ngân hàng khác trong ngành cho thấy lợi thế cạnh tranh lớn của VPB khi duy trì được lãi suất cho vay đầu ra ở mức cao hơn trung bình ngành. Hiện tại lãi suất có xu hướng duy trì đi ngang ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế nên khả năng cao NIM của ngân hàng sẽ duy trì xu hướng di ngang trong thời gian tới.

II. Tín dụng và bức tranh tài chính đang tích cực dần

1. Tín dụng

VPB vẫn luôn giữ được vị thế thuộc top những ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng hàng năm ở mức cao. Trong 3 năm gần nhất VPB luôn đạt tăng trưởng tín dụng trên 20% mỗi năm khi lần lượt đạt 23.4%, 29.2% và gần nhất 2024 là 22.4%. Trong Q1-2025 tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 5.3%, cao hơn so với trung bình ngành và tương đương so với cùng kỳ các năm trước. (Hình 2)

Về đối tượng khách hàng chính, ngân hàng tập trung chính tín dụng của mình vào cho vay các nhóm ngành BĐS, bán lẻ và tiêu dùng. Với công ty mẹ, BĐS là ngành chiếm tỉ trọng cao nhất với khoảng 25% tỉ trọng và VPB chỉ đứng sau TCB về các ngân hàng cho vay nhiều trong mảng BĐS. Nửa cuối 2024 khi các chủ đầu tư lớn ra hàng nhiều tại các dự án của mình thì VPB cũng được hưởng lợi phần nào. Tuy nhiên trong Q1-2025 mảng cho vay BDS không ghi nhận tăng trưởng. Động lực chính thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng Q1-2025 của VPB đến từ mảng bán lẻ, tiêu dùng và từ các công ty con như FE Credit hay công ty bảo hiểm.

Trong năm 2025 chúng tôi cho rằng VPB sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng trong khoảng 20-25% khi mà mảng bán lẻ vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, mảng BĐS do VPB chủ yếu cho vay thông qua làm việc với chủ đầu tư thay vì khách hàng riêng lẻ nên khá an toàn và thường tăng trưởng tốt hơn về các quý cuối năm khi nhiều dự án được mở bán hơn trong giai đoạn này sẽ là động lực hỗ trợ cho các quý tới của VPB.

Về tín dụng đầu vào, trong Q1-2025 VPB tăng trưởng rất tốt về huy động tiền gửi từ khách hàng với tốc độ tăng trưởng 21.8%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cho vay. Tỉ lệ tiền gửi/ cho vay đã được cải thiện từ 70% cuối năm 2024 lên 76% vào cuối Q1-2025. Tuy nhiên tỉ lệ trên vẫn là mức thấp so với nhu cầu cho vay cũng như các ngân hàng khác khi đa phần duy trì trên mức 90%. VPB hoạt động trong mảng Credit nên không được huy động trên thị trường 1 và đây cũng là một rào cản đối với ngân hàng trong hoạt động huy động của mình. Vì vậy ngân hàng phải tìm kiếm thêm nguồn huy động từ các kênh khác để đảm bảo đủ tiền cho hoạt động tín dụng. (Hình 3)

Ngân hàng cũng không có lợi thế về Casa khi chỉ duy trì ở mức khoảng 13%, nhưng bù lại lại là có lợi thế về lãi suất cho vay đầu ra cao hơn bù lại cho bất lợi về chi phí đầu vào. Với việc huy động tăng trưởng tốt trong Q1 là điều tích cực cho VPB trong hoạt động tín dụng các quý tới giúp cho áp lực tăng lãi suất là không cao (thực tế muốn tăng cũng khó khi nhà nước yêu cầu các ngân hàng duy trì nền lãi suất huy động ở mức thấp).

Với việc tăng trưởng tín dụng tốt và kèm theo đó là kiểm soát tốt các chi phí đầu vào đã giúp cho thu nhập lãi thuần tăng trưởng tốt từ 2023 cho tới nay. Thu nhập lãi thuần tại Q1-2025 cũng đạt mức cao nhất lịch sử với 13,356 tỷ đồng. (Hình 4)

Trên biểu đồ chúng ta thấy thu nhập lãi thuần chỉ bị chững lại trong năm 2022 và giảm khá trong năm 2023 dù tăng trưởng tín dụng 2023 ở mức rất cao, nguyên nhân là do VPB trong giai đoạn đó đang tái cấu trúc toàn diện mảng FE Credit nên phải tăng mạnh trích lập dẫn tới hoạt động tín dụng của công ty con của VPB liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh âm trong các quý thuộc năm 2022 và 2023. Tuy nhiên sau Q1-2024 kết quả kinh doanh của mảng FE Credit đã hết âm và liên tục ghi nhận lợi nhuận dương trong 4 quý gần nhất. (Hình 5)

Theo thông tin từ lãnh đạo ngân hàng, FE Credit đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc khi thay đổi khẩu vị cho vay và hướng tới tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng nóng nhưng nợ xấu cao. Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc là công tác thu hồi nợ và hiện ngân hàng đang làm rất tốt điều này qua đó lượng tiền thu hồi từ nợ xấu ước tính đóng góp tới 75% lợi nhuận của công ty. Nhờ tỉ lệ nợ xấu giảm tốt (hiện duy trì nợ xấu dưới 17%) nên FEC cũng đã giảm thiểu được chi phí trích lập. Trong thời gian gần đây với việc tích hợp định danh điện tử và quản lý chặt thông tin cá nhân hóa cũng giúp VPB rất nhiều trong việc chấm điểm tín dụng và đánh giá rủi ro, nâng cao ý thức trả nợ với các khách hàng cá nhân lên rất nhiều.

Như vậy với việc lợi nhuận gộp đang có xu hướng tăng trở lại trong các quý gần đây cùng với đó là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm xuống sẽ là động lực để FEC duy trì lợi nhuận dương trong các quý tiếp theo để dần hỗ trợ mạnh hơn cho kết quả kinh doanh của VPB.

Tổng quan lại chúng tôi thấy rằng mảng tín dụng đang là động lực lớn nhất dẫn dắt cho tăng trưởng của VPB khi mà ngân hàng vẫn duy trì được tăng trưởng tín dụng ở mức cao, kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào cũng như đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc FEC và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém (Pgbank) thành công.

2. Mảng kinh doanh khác

Mảng kinh doanh khác của VPB đáng chú ý có 2 mảng đóng góp tỉ trọng lớn vào kết quả kinh doanh của ngân hàng là hoạt động dịch vụ và hoạt động khác. Cụ thể từng mảng như sau:

  • Hoạt động dịch vụ trong Q1-2025 ghi nhận mức giảm 24.8% yoy. Nguyên nhân chính đến từ mảng phí dịch vụ thanh toán sụt giảm mạnh khi chỉ ghi nhận 589 tỷ đồng (cùng kỳ là 1,381 tỷ đồng). Xu hướng giảm thu từ các hoạt động thanh toán của toàn ngành cũng như VPB đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh mảng thu phí của ngân hàng và cũng khó có thể kỳ vọng hồi phục được trong các quý tới khi đây đã là xu hướng chuyển đổi của các ngân hàng để đổi lấy tệp khách hàng. (Hình 6)

Trong khi đó mảng bảo hiểm đã cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt khi ghi nhận 1,139 tỷ đồng, cao hơn 42.9% so với cùng kỳ. VPB thu phí bảo hiểm nhân thọ qua hợp đồng với AIA và cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ qua công ty con là OPES. Hiện ngành bảo hiểm phi nhân thọ đang phục hồi khá tốt và tốc độ tăng trưởng phí của OPES đang cao hơn so với trung bình ngành. Trong năm 2025 mảng bảo hiểm của VPB kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trở lại để bù đắp cho sự sụt giảm từ mảng thu phí.

  • Hoạt động khác: đây là chủ yếu là hoạt động thu hồi nợ và nghiệp vụ xử lý nợ xấu của ngân hàng. Trong năm 2024 hoạt động này tăng trưởng rất tốt nhờ vào NQ42 tạo điều kiện cho các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc xử lý và thu hồi nợ xấu. Hiện NQ42 đã hết hạn vào cuối 2024 nên trong Q1-2025 chúng ta thấy kết quả kinh doanh đã có phần chững lại sau 3 quý cao điểm. Tuy nhiên nhờ mức nền cùng kỳ thấp nên tăng trưởng Q1-2025 vẫn ở mức cao. NQ42 có một số điểm quan trọng sau: 1 là quyền thu giữ TSBĐ của TCTD giúp rút ngắn thời gian xử lý, 2 là TSBĐ của nợ xấu phải bảo đảm cho nghĩa vụ với TCTD, tránh kê biên cho nghĩa vụ khác, 3 là cơ quan có thẩm quyền phải hoàn trả TSBĐ của khoản nợ xấu cho TCTD sau khi xác định chứng cứ và không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án hoặc hành vi vi phạm.

Hiện tại NQ42 đang được trình trong kỳ họp thứ 9 khóa XV (tháng 5/2025) để chính thức luật hóa cho NQ42 này sau giai đoạn đưa vào thử nghiệm trước đây. Nếu NQ42 chính thức được áp dụng sẽ là động lực lớn giúp cho nghiệp vụ xử lý nợ xấu của VPB hoạt động hiệu quả hơn.

Như vậy mảng kinh doanh ngoài lãi của VPB trong 2025 theo chúng tôi sẽ không có nhiều đột biến và có thể bị tăng trưởng lùi trong các quý tới khi chỉ yếu tố tích cực từ mảng bảo hiểm sẽ không thể bù đắp được cho sụt giảm từ mảng thu phí cũng như nghiệp vụ thu hồi nợ khi NQ42 đang tạm hết hiệu lực chờ được phê duyệt lại và mức nền cùng kỳ từ Q2 tới cũng là rất cao nên khó tăng trưởng tiếp được.

3. Bức tranh tài chính

Từ giữa 2023 cho tới nay bức tranh tài chính của VPB đang dần tích cực trở lại khi ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc từ 2022 với FEC giúp giảm mạnh nợ xấu và cấu trúc tài chính của FEC cũng tốt lên nhiều sau tái cấu trúc. Cụ thể tỉ lệ nợ xấu của VPB đã giảm từ 6.52% tại Q2-2023 xuống chỉ còn 4.74% tại Q1-2025. Do đặc thù riêng nên nợ xấu của VPB luôn cao hơn khá nhiều so với các ngân hàng khác và mức trung bình của ngành. (Hình 7)

Tuy nhiên trong Q1-2025 nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu lại có xu hướng tăng lại so với cuối năm 2024 với mức tăng 0.55% về tỉ lệ nợ xấu. Bóc tách nợ xấu theo nhóm có thể thấy nợ xấu tăng lên chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5 tăng khá nhiều so với đầu năm. Tuy nhiên điểm tích cực là nợ nhóm 2 lại có xu hướng giảm mạnh từ hơn 43k tỷ đồng cuối 2024 xuống chỉ còn hơn 31k tỷ đồng vào Q1-2025. (Hình 8)

Điều này sẽ kỳ vọng trong các quý tới khả năng cao nợ xấu của VPB sẽ được kiểm soát và giảm trở lại khi áp lực gia tăng từ nợ nhóm 2 là ít hơn và NQ42 được phê duyệt lại để quá trình xử lý nợ xấu tốt trở lại.

Về chi phí dự phòng, từ cuối 2023 VPB có phần tăng cường trích lập hơn so với 3 quý đầu năm 2023. Vì vậy bộ đệm dự phòng của VPB cũng có phần cải thiện khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu đã hồi phục từ vùng 43% lên ngưỡng quanh 50% trong năm 2024 và tại Q1-2025 là 47%.  Nhưng đây vẫn là mức thấp nếu so với quá khứ của ngân hàng cũng như mặt bằng chung các ngân hàng khác trong ngành nên khả năng cao VPB vẫn sẽ duy trì chính sách nâng nhẹ dần trích lập trong thời gian tới để dần làm dày lại bộ đệm dự phòng, nhất là khi quá trình tái cấu trúc FEC cũng như nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém hoàn tất. (Hình 9)

Điều này có nghĩa trong thời gian tới khả năng cao bức tranh tài chính của VPB sẽ dần tươi sáng trở lại khi nợ xấu được kiểm soát tốt và bộ đệm dự phòng dần tích cực trở lại.

III. Tổng kết và định giá

Với những phân tích chi tiết ở trên cho thấy VPB đang dần từng bước trở lại với những điểm tích cực đến từ mảng tín dụng của ngân hàng cũng như tình hình tài chính đang phục hồi trở lại. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn đâu đó ở mảng kinh doanh ngoài lãi cần VPB tiếp tục giải quyết. Nhưng tựu chung lại chúng tôi cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của VPB đã qua và sắp tới sẽ là giai đoạn dần trở lại của ngân hàng. Về định giá hiện VPB đang giao dịch trong vùng giá 18.xk/cp tương ứng mức định giá P/B khoảng 0.96 lần. Với những tiềm năng phía trước chúng tôi cho rằng VPB sẽ có mức giá tốt hơn mức giá hiện tại. Nếu bối cảnh vĩ mô không quá bất ổn bởi thuế quan thì mức định giá phù hợp cho VPB trong năm 2025 sẽ là khoảng 21-23k/cp

– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

Nhập mã “LTBNM” để được giảm giá 10% khi mua acc tại wichart.vn. Áp dụng cùng với các chương trình khuyến mại khác nếu có.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN