FPT – ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THÁNG 4

Lượt xem: 3501 | Ngày đăng: 21/05/2020 | Báo cáo phân tích Blog

Hình 1: Đồ thị giá của FPT từ năm 2017 đến nay

  1. Kết qủa kinh doanh 4 tháng đầu năm 2020 (Bảng 1)

Kết thúc 4 tháng đầu năm 2020, FPT ghi nhận lần lượt doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 8.841 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, tăng 18,4% và 22,4% so với 2019. Tỷ suất lợi nhuận trước được cải thiện so với cùng kỳ, đạt 17,8% (năm 2019 là 17,2%). Riêng trong tháng 4, doanh thu công ty đạt 2,210 tỷ đồng (+4%) và LNST đạt 363 tỷ (+11%). Với chiến lược chuyển đổi số, khối CNTT sẽ là mũi nhọn của Tập đoàn trong năm 2020.

Hình 2: Kết quả kinh doanh qua các tháng FPT

Xét về doanh thu theo khối (H3), mảng công nghệ đang chiếm tỷ trọng cao nhất (55%), sau đó là khối viễn thông (40%). Khối giáo dục, đầu tư và khác chiếm tỷ trọng 5% doanh thu tập đoàn.

Hình 3: Kết quả kinh doanh theo khối

Chúng tôi sẽ đi sâu vào từng khối để tìm điểm sáng trong bức tranh phát triển của FPT.

a.  Mảng Công nghệ

Mảng CNTT được FPT chia làm 2 cấu thành – thị trường trong và ngoài nước. FPT hiện vẫn đang tập trung phát triển thị trường nước ngoài với những con số tăng trưởng khá ấn tượng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu mảng này đạt 4.864 tỷ (+16,2%) và LNTT là 612 tỷ (+14,3%), những con số khá tốt dù các nước đều có chính sách đóng cửa biên giới của riêng mình.

  • Thị trường nước ngoài:

Theo báo cáo của FPT, doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài 4T/2020 đạt 3.837 tỷ (+31.4%) và LNTT đạt 240 tỷ (+32.2%). Trong đó, mảng Chuyển đổi số đóng góp 1.158 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng mạnh đến 60,7% so với cùng kỳ 2019, phù hợp với chiến lược lâu dài của thị trường.

Hình 4: Khối CNTT nước ngoài

Tháng 4 là tháng đỉnh điểm của đại dịch, không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới. Các nước xuất khẩu phần mềm chính của FPT bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, khối EU và APAC (Hình …). Trong ngắn hạn, các nước này đều bị ảnh hưởng, các công ty sẽ ưu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn là đầu tư vào công nghệ thông tin. Nhưng theo FPT, doanh thu đến từ mảng nước ngoài vẫn tăng trưởng bởi tập đoàn vẫn hỗ trợ khách hàng quốc tế thông qua các công cụ làm việc trực tuyến. Vì vậy, kết quả là các thị trường đều có sự tăng trưởng ấn tượng. Đáng lưu ý chỉ có thị trường Nhật Bản – vốn là thị trường IT outsourcing lớn nhất của FPT – hiện vẫn chiếm trên 50% tỷ trọng nhưng lại có mức tăng trưởng chậm dần so với các nước khác.

Hình 5: Doanh thu theo thị trường xuất khẩu

Hậu dịch Covid, một trong những biến số làm chúng tôi thắc mắc là tình hình thiệt hại của nhóm khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước bởi đây là nguồn doanh thu trực tiếp của công ty. Đơn cử tại Nhật, số doanh nghiệp phá sản tăng lần đầu tiên sau 11 năm – kể từ cơn khủng hoảng năm 2009. Hay như tại Mỹ đã phải cắt giảm 20 triệu việc làm trong tháng 4 đã cho thấy tình hình tồi tệ tại các quốc gia này như thế nào. Vì vậy khả năng mảng CNTT trong năm nay sẽ có bước phát triển chậm lại nhưng lại có độ trễ hơn ở nửa cuối năm. Lý do là các hợp đồng được kí kết trong 2 quý đầu sẽ dần được triển khai; còn nửa cuối năm sẽ giảm số lượng hợp đồng vì ẩn số khách hàng tiềm năng vẫn chưa được giải đáp một cách triệt để. Đây cũng là câu hỏi được nêu ra trong cuộc họp ĐHCĐ vừa qua, nhưng câu trả lời từ BLĐ vẫn chưa thật sự rõ ràng, vì chính các quốc gia cũng đang oằn mình chống chọi dịch bệnh. (Hình 6)

Việc chuyển đổi số cũng như đưa những giải pháp CNTT chuyên sâu tới các doanh nghiệp sẽ là chuyện không sớm thì muộn. Theo hãng tư vấn IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường này sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Nhưng miếng bánh béo bở này không phải chỉ có FPT ngắm nghía mà hàng nghìn doanh nghiệp trên thế giới muốn đánh vào. So với Ấn Độ và Trung Quốc, chúng ta nắm trong tay vũ khí lao động giá rẻ hơn từ 10-20% nên ngành IT outsourcing có thể là thế mạnh của Việt Nam nói chung, FPT nói riêng. Theo ông Trương Gia Bình, tầm nhìn FPT trong 10 năm tới là lọt Top 50 các công ty cung cấp dịch vụ toàn cầu. FPT đã có kế hoạch hành động quyết liệt – đủ để thấy quyết tâm của tập đoàn Công nghệ hàng đầu Việt Nam này. Chúng tôi cho rằng nếu tình hình kinh tế được cầm máu trong năm nay thì rất có khả năng FPT sẽ hoàn thành được mục tiêu của mình.

  • Thị trường nội địa

Theo báo cáo từ FPT, nhu cầu đầu tư các doanh nghiệp trong nước trong ngắn hạn có xu hướng giảm, nhưng có lẽ vấn đề đã tồn tại từ lâu chứ không phải là do Covid.

Hình 7: Khối CNTT trong nước

Đối với thị trường nội địa, có vẻ FPT không được ưa chuộng nhiều như các nhà cung cấp nước ngoài đã có tên tuổi cho các dự án tư vấn giải pháp công nghệ lớn. Nhìn vào những con số biên lãi trước thuế, có thể thấy có thời điểm FPT phải ghi nhận lỗ. Và tình hình này vẫn tiếp tục trong tháng 4 khi doanh thu giảm 13% trong khi lợi nhuận giảm đến 34%. Dường như FPT mải đánh ra nước ngoài mà quên thị trường trong nước cũng là miếng bánh mà nhiều tập đoàn quốc tế nhòm ngó.

Trong tháng 4 này, FPT đưa vào vận hành dự án RPA (Robotic Process Automation) cho Prudential Việt Nam sau 1,5 tháng triển khai. Tương tư các dự án số hóa, RPA là dự án “Robot hóa”, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, tăng năng suất các quy trình nghiệp vụ. Tuy vậy dự án này lại trùng  thời điểm Covid diễn ra nên chưa được chú ý rầm rộ. Cũng qua dự án này, chúng ta có thể thấy rõ  dư địa cho mảng tư vấn và thi công các giải pháp công nghệ cho thị trường trong nước là rất lớn, nhưng FPT cần chứng tỏ năng lực hơn nữa để gặt trái ngọt từ thị trường tưởng dễ mà khó này.

b.   Mảng viễn thông

Khối viễn thông của FPT bao gồm Dịch vụ viễn thông (FOX) và Dịch vụ quảng cáo. 4 tháng đầu năm, khối này đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 3.549 tỷ đồng và 607 tỷ,, tăng trưởng lần lượt là 11,4% và 20,5% – chủ yếu đến từ dịch vụ viễn thông.

  • Mảng dịch vụ viễn thông

Tính đến hiện tại đây vẫn là mảng hái ra tiền của FPT và đang sở hữu “kim bài miễn tử” mùa Covid. Lũy kế 4 tháng, doanh thu đạt 3.414 tỷ đồng (+12,8% yoy) và LNTT là 548 tỷ (+27,8%). Riêng trong tháng 4, doanh thu và lợi nhuận trước thuế DV Viễn thông đạt lần lượt đạt 849 tỷ (11,4%) và 147 tỷ đồng (+28,9%).

Hình 8: Mảng dịch vụ viễn thông

Một điểm đáng chú ý của mảng viễn thông này là tăng trưởng doanh thu và số lượng người dùng dịch vụ PayTV đạt trên 30% so với cùng kỳ 2019. Điều này khá dễ hiểu khi tháng 4 là đỉnh điểm dịch tại Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình phải cách ly ở nhà và việc tìm đến các kênh giải trí là cần thiết. Theo tìm hiểu, FPT hiện đang sở hữu hai sản phẩm truyền hình trả tiền là: Truyền hình FPT và FPT Playbox. Cả hai sản phẩm này đều chạy trên nền tảng Internet nhưng khác biệt nhau về gói cước. Theo chúng tôi tìm hiểu thì mảng PayTV đang cạnh tranh rất khốc liệt, sự tăng trưởng thời gian vừa qua chỉ mang tính mùa vụ.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhắc đến mảng Viễn thông là một “kim bài miễn tử” bởi đây là một trong những ngành sáng nhất mùa Covid. Các nhà nghiên cứu Australia đã tạo ra bản đồ “áp lực Internet toàn cầu” cho thấy tác động của Covid 19 đối với hạ tầng Internet toàn cầu khi mọi người bắt buộc ở nhà.

Hình 9: bản đồ áp lực internet toàn cầu

Nhiều người ở nhà hơn có nghĩa là nhiều người trực tuyến hơn, chiếm dụng băng thông lớn hơn, nhu cầu mở mới và nâng cấp băng thông sẽ nhiều hơn. Doanh thu 4 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng mạnh (+12,8% yoy) dù thị phần hiện tại của FPT đang mất dần đã cho thấy nhu cầu lớn đến từ người dùng Internet. Thế nhưng doanh thu tháng 4 lại không bằng tháng 3 thì nhiều khả năng những tháng trước đã có manh mún cách ly xã hội, khách hàng đã lắp đặt đầy đủ tiện nghi “đón dịch”. Ngoài ra, tháng 4 là đỉnh dịch công ty cũng hạn chế lắp đặt mới đến cho từng hộ gia đình nên doanh thu giảm so với tháng trước cũng không quá khó hiểu.

Hình 10: Thị phần các doanh nghiệp trong mảng bang rộng cố định

Để nói về khả năng chống lại thị trường của mảng viễn thông, chúng tôi xin đưa ra mã FOX để nhà đầu tư nhìn thấy sự kì vọng của ngành này. Từ trong mùa dịch, khi mà nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại xuống tiền thì ngay từ cuối tháng 3 FOX đã có những phiên trần “mãnh liệt”. Có lẽ nhiều người cũng tìm được hàng ngon giá rẻ mà lại có tiềm năng tốt nên con cáo này đã có bước nhảy khoảng 20%, từ mức 40k cuối tháng 3 lên 50k của hiện tại. (Hình 11) Chỉ tiếc đây là mã thanh khoản thấp nên chúng tôi không đưa ra khuyến nghị mua bán cho nhà đầu tư.

Điều chúng tôi quan tâm là sau dịch Covid này, liệu FPT có tận dụng được nhu cầu sử dụng internet ngày càng lớn hay không. Thị trường Internet băng rộng cố định của Việt Nam tăng trưởng 13,8% trong năm 2019, từ mức 13 triệu thuê bao lên 14,8 triệu thuê bao và về dài hạn là 15%/năm. Trong khi đó, CAGR giai đoạn 2013 – 2018 của FPT chỉ đạt 6,9%, chứng tỏ FPT còn nhiều dư địa để phát triển. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 3, thuê bao truy nhập Internet băng thông rộng cố định ước tính đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13% – một con số biết nói về khả năng tăng trưởng dịch vụ viễn thông nhất là khi đại dịch. Chúng tôi sẽ chờ những hồi đáp của FPT để xem liệu Tập đoàn có thể nắm lấy cơ hội này không.

Hình 12: Tốc độ tăng turownrg và số thuê bao bang rộng cố định của FPT

  • Mảng quảng cáo trực tuyến

Khác với tăng trưởng của mảng viễn thông, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến có mức doanh thu và LNTT đều giảm so với cùng kỳ, lần lượt là -16,5% và -21,3%. Riêng trong tháng 4, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt là -33% và -39%, đạt 32 tỷ và 14 tỷ tương ứng. (Hình 13)

Mảng quảng cáo trực tuyến với mức tăng trưởng âm có lẽ là “điểm đen” trong bức tranh tươi sáng của FPT. Mặc dù đây là mảng có biên lãi cao nhất của FPT nhưng sự cạnh tranh gay gắt đến từ các ông trùm như Facebook, Google vẫn khiến FPT chùn bước.

c.  Mảng giáo dục

Hiện FPT có 5 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nếu các trường đại học khác có 2 học kỳ thì FPT lại có 3 học kỳ, và tháng 4 là tháng bảo vệ đồ án tốt nghiệp nên tổng số học sinh trong tháng có giảm so với năm trước. Bên cạnh đó, mùa tuyển sinh chưa đến cũng khiến tổng số học sinh chưa tăng. Phải đến hết tháng 9 thì có lẽ con số này mới chính xác được cho năm 2020. Tính đến hết tháng 4, doanh thu lũy kế mảng giáo dục là 428 tỷ (+2,7%) và LNTT là 355 tỷ (+17,2%).

Hình 14: Số lượng tuyển sinh và tổng số học sinh 2 tháng đầu năm của mảng Giáo dục

Trong năm 2020, FPT dự kiến tăng vốn điều lệ cho Cty TNHH Giáo dục FPT từ 600 tỷ lên 1.000 tỷ để tăng chất lượng đào tạo. Chúng tôi cho rằng cải thiện tốt mảng đào tạo sẽ cung cấp nguồn nhân lực cho FPT – điều mà FPT đang rất cần trong cuộc chiến công nghệ khốc liệt này. Theo BLĐ, hàng năm có 1 triệu học sinh THPT tốt nghiệp, và nếu có 15% lựa chọn CNTT thì sẽ bổ sung nguồn lực dồi dào cho ngành này.

  1. Kế hoạch kinh doanh 2020 và định giá

Về kế hoạch kinh doanh 2020, hiện BLĐ đang để mức tăng trưởng 17 – 18% từ đầu năm. Tuy nhiên trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khả năng rất cao là Tập đoàn sẽ phải điều chỉnh kế hoạch. FPT cũng có những kịch bản kinh doanh khác nhau và tùy tình hình dịch bệnh sẽ kích hoạt các kịch bản tương tự. Điều này cũng tương tự các doanh nghiệp khác như PNJ, MWG bởi không ai nói trước được điều gì sẽ xảy đến, công ty nào cũng cố gắng đưa ra các dự báo và hành động theo tình hình mà thôi. Ngoài ra, Q2 này Tập đoàn cũng dự kiến điều chỉnh giảm 15% so với kế hoạch quý đặt ra từ đầu năm.

Hình 15: Kế hoạch kinh doanh cũ FPT

Xét về mặt định giá, chúng tôi thấy rằng cả chỉ số PE và PB đều đã hồi phục về vùng hợp lý. Với việc kế hoạch năm nay sẽ phải điều chỉnh do dịch bệnh, thì PE sẽ phải chiết khấu thêm khá nhiều mới về vùng hấp dẫn được. (Hình 16)

  1. Kết luận

Chúng tôi xin tóm tắt phần kinh doanh 4 tháng đầu năm 2020 của FPT như sau:

  • Mảng CNTT nước ngoài đang có những bước chuyển mình tích cực trong khi mảng nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng về dài hạn FPT vẫn tăng trưởng tốt với ngành mũi nhọn này, nhưng trong ngắn hạn bởi ảnh hưởng của Covid sẽ khiến doanh thu tăng chậm so với kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như Ban lãnh đạo.
  • Mảng Viễn thông có sự tăng trưởng mãnh liệt trong 4 tháng đầu năm. Chúng tôi cho rằng đây là mảng được hưởng lợi gián tiếp từ dịch Corona khi số lượng người dân ở nhà tăng lên, đồng nghĩa với việc các hợp đồng đăng ký sử dụng Internet tăng. Trong khi đó, Quảng cáo trực tuyến hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Facebook và Google nên chưa có sự bứt phá.
  • Mảng Giáo dục có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận với cùng kỳ. Trong năm 2020, Tập đoàn sẽ rót thêm vốn vào lĩnh vực này để tăng cường chất lượng giáo dục, một phần là để bổ sung nguồn nhân lực còn đang thiếu hụt hiện nay.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng FPT là một trong những case RẤT ĐÁNG CHÚ Ý vì ít bị ảnh hưởng bởi dịch Corona. Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng của FPT là có thể nếu cty giải quyết được vấn đề thiếu nhân lực trong bối cảnh cần bứt phá này. Hiện tại, FPT đã có sự bứt phá từ vùng đáy tháng 3, nhưng về thị giá thì đã về vùng đỉnh cũ cuối năm 2019. Vì vậy chúng tôi cho rằng tại thị giá hiện tại là giá 50k , thị trường tạm thời đang phản ánh 1 thị giá phụ hợp với fpt

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN