MBB – Những bước chân đầu tiên của giai đoạn mới?

Lượt xem: 140 | Ngày đăng: 29/04/2025 | Báo cáo phân tích Blog

MBB đã công bố bctc Q1 với khá nhiều điểm nhấn đan xen và chúng ta sẽ cùng đi bóc tách cũng như phân tích xem những gì ngân hàng đã làm được trong quý đầu tiên và tiềm năng cho cả năm 2025 sẽ ra sao khi mà cuộc thương chiến thuế quan vẫn đang phức tạp chưa có hồi kết.

I. Kết quả kinh doanh

MBB đã công bố kết quả kinh doanh Q1-2025 khá ấn tượng so với cùng kỳ. Cụ thể tổng thu nhập lợi nhuận (TOI) ghi nhận đạt 15,323 tỷ đồng, tăng 28.6% yoy. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận 6,568 tỷ đồng, tăng mạnh 44.9%  yoy. Đáng chú ý đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử ngân hàng MBB từng ghi nhận. Qua đó Q1-2025 đã là quý thứ 2 liên tiếp mà TOI và LNST của MBB bứt lên một mức nền kinh doanh mới sau Q4-2024 cũng rất ấn tượng. (Hình 1)

Đáng chú ý là đóng góp vào kết quả kinh doanh ấn tượng trong Q1-2025 của MBB tới từ nhiều nhóm ngành khác nhau chứ không chỉ tập trung vào 1, 2 nhóm ngành cụ thể:

  • Mảng thu nhập lãi ghi nhận mức tăng trưởng lớn 29% so với cùng kỳ về thu nhập lãi thuần với 11,692 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử của MBB.
  • Mảng thu nhập ngoài lãi cũng ghi nhận các kết quả tốt khi mảng hoạt động dịch vụ tăng trưởng 10.5% yoy, mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 16.5% và mảng thu nhập khác tăng trưởng mạnh 224% yoy.

Chi tiết từng mảng kinh doanh chúng tôi sẽ phân tích trong phần dưới của bài viết. Về chi phí hoạt động của ngân hàng cũng liên tục được tiết giảm trong các năm gần đây. Cụ thể hệ số CIR tại Q1-2025 ghi nhận chỉ là 29.71%, thấp hơn nhiều so với các năm trước và cũng thấp hơn khá nhiều trung bình ngành cho thấy hiệu quả hoạt động của MBB.

Trong Q1-2025 cũng nghi nhận NIM lần đầu tăng so với quý gần nhất sau 5 quý liên tục ghi nhận mức sụt giảm. Tuy mức tăng là không nhiều khi tăng từ 4.08% lên 4.36% nhưng cũng phần nào cho thấy khả năng cao NIM của MBB sẽ ngừng giảm trong thời gian tới nhờ các chương trình giảm lãi suất đáo hạn cũng như lãi suất cho vay và huy động duy trì đi ngang ở nền thấp để hỗ trợ nền kinh tế. COF của ngân hàng cũng đang duy trì ở vùng thấp khoảng 3.3% tại Q1-2025, dù nhích nhẹ trong Q1 nhưng đây vẫn là mức thấp và đảm bảo giúp MBB duy trì giá vốn và chi phí thấp đầu vào trong các quý tới. (Hình 2)

Ngoài những điểm tích cực thì trong Q1 để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận tốt nên bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã có phần giảm trở lại so với Q4 và hiện vẫn chưa ở vùng an toàn về chất lượng tài sản. Trong các quý tới có thể mức trích lập sẽ phải tăng lên để dần đưa bộ đệm trở lại. Chi tiết hơn chúng tôi sẽ phân tích trong phần dưới bài viết.

II. Các mảng kinh doanh chính và bức tranh tài chính

1. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng

Với MBB mảng kinh doanh lãi chiếm tỉ trọng khoảng 76.3% trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra các mảng đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng còn có mảng dịch vụ, mảng ngoại hối, mảng chứng khoán và mảng khác (thu hồi nợ xấu). Chúng ta sẽ đi từng mảng.

Đầu tiên là mảng kinh doanh lãi, trong Q1-2025 tăng trưởng tín dụng của MBB đạt 2.7%, cao hơn so với cùng kỳ 2024 nhưng vẫn là thấp hơn khá nhiều so với kết quả đạt được cả năm của MBB trong các năm gần đây (khoảng trên 25% mỗi năm). (Hình 3)

Tuy nhiên như chúng tôi đã phân tích trong bài phân tích quý trước. Trong các năm gần đây MBB hay nhiều ngân hàng thường can thiệp biện pháp kỹ thuật vào Q4 hàng năm để đẩy mạnh các hoạt động tín dụng trong Q4 và sau đó thường đáo hạn tại quý tiếp theo là Q1 nên mức tăng trưởng tín dụng tại Q1 thường thấp và dư địa tăng trưởng tín dụng sẽ đẩy cho 3 quý còn lại của năm. Vì vậy mức 2.7% nhìn qua là thấp nhưng thực tế đây là con số cũng khá ổn và không thấp hơn nhiều so với toàn ngành (tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong Q1-2025 đạt khoảng 3.93%). Trong năm 2025 toàn ngành đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt mức cao với 16% và riêng MBB khả năng cao room tín dụng cũng sẽ được giao ở mức cao nhờ tham gia chuyển giao ngân hàng yếu kém. Dự kiến sẽ là khoảng 30% và để đạt được hay không theo chúng tôi sẽ một phần ảnh hưởng bởi tình hình đàm phán thuế quan sắp tới giữa Việt Nam và Mỹ. Trong kịch bản trung tính không quá xấu thì chúng tôi cho rằng khả năng cao MBB có thể đạt được con số tăng trưởng khoảng 30% như trên nhờ vào nhiều lợi thế đang nắm giữ (nền lãi suất đang thấp, tệp khách hàng lớn, lãi suất huy động cạnh tranh nên cạnh tranh tốt đầu ra, …)

Về đầu vào, MBB hưởng lợi lớn nhờ hệ sinh thái của mình giúp cho chi phí giá vốn thấp, đảm bảo lượng tiền gửi lớn (tỉ lệ tiền gửi/ cho vay hiện đạt 91% và chỉ phải huy động 1 lượng ít từ các kênh khác). Về casa MBB cũng nắm lợi thế khi là ngân hàng có Casa cao thứ 2 trong ngành với 34.9% (Hình 4)

Tiếp theo tới các mảng kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng có một số điểm chú ý sau:

  • Mảng hoạt động dịch vụ ghi nhận lợi nhuận thuần 1,235 tỷ đồng, tăng 30.7% yoy trong Q1, tương ứng tăng gần 300 tỷ đồng về lợi nhuận thuần. Trong đó động lực chính tới từ mảng bảo hiểm khi ghi nhận tăng gần 200 tỷ đồng và mảng tư vấn tăng 90 tỷ đồng. Các mảng khác không có biến động nhiều. Như vậy mảng bảo hiểm đã dần cho thấy sự phục hồi trên mức nền kinh doanh thấp sau giai đoạn khó khăn 2023-2024 khi bị xiết chặt. (Hình 5)

  • Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận 538 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 16.6% yoy nhờ nhu cầu giao dịch ngoại tệ vẫn ở mức cao.
  • Mảng thu nhập khác trong Q1 ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức lợi nhuận 1,179 tỷ đồng, tăng 224% yoy. Theo thuyết minh của ngân hàng thì đây là khoản chủ yếu tới từ nghiệp vụ thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong 2 quý gần đây khoản này của MBB duy trì ở mức cao phần nào cũng cho thấy hiệu suất hoạt động rất tốt về nghiệp vụ xử lý nợ của ngân hàng. (Hình 6)

Như vậy các hoạt động kinh doanh ngoài lãi của MBB trong Q1 đều ghi nhận kết quả khá ấn tượng, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận chung của ngân hàng.

2. Bức tranh tài chính

Về tổng thể bức tranh tài chính của MBB trong Q1-2025 có phần xấu hơn chút so với Q4-2024 nhưng về xu hướng có thể thấy MBB vẫn đang trong quá trình tốt dần trở lại sau giai đoạn phải tái cấu trúc cho ngân hàng yếu kém và nhận chuyển giao bắt buộc (Ocean Bank hiện đã là thành viên của MBB và đổi tên thành MBV). Cụ thể về nợ xấu, trong Q1 MBB ghi nhận nợ xấu là 14,681 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1.84%, thấp hơn tiêu chuẩn đặt ra là 2% nhưng có phần cao hơn so với Q4-2024. (Hình 7)

Bóc tách theo từng nhóm nợ của ngân hàng có thể thấy trong Q1 các nhóm nợ xấu đều có xu hướng tăng đều so với Q4-2024 chứ không tập trung tăng ở nhóm nào. Tuy thông tư 02 đã hết hạn trong năm 2025 nhưng có thể thấy nợ nhóm 2 của MBB cũng không tăng lên quá nhiều và điều này giúp cho áp lực gia tăng nợ xấu trong các quý tới là không cao. Trong khi hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng lại đang hoạt động rất hiệu quả 2 quý gần đây giúp chúng ta có thể kỳ vọng rằng nợ xấu của MBB sẽ được kiểm soát tốt và giảm xuống dưới mức 1.7% vào cuối 2025. (Hình 8)

Trong Q1-2025 bộ đệm dự phòng của MBB vẫn ở mức thấp khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức 75%, thấp hơn con số cuối 2024 với 92.2%. Nguyên nhân do nợ xấu tăng lên nhưng trích lập dự phòng rủi ro cho vay của ngân hàng lại không tăng theo. (Hình 9)

Có thể trong ngắn hạn chúng tôi cho rằng trong các quý tới MBB sẽ tiếp tục duy trì chính sách giữ bộ đệm dự phòng trong vùng 70-100% chứ không tăng lên ngay mà tập trung thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh cũng như xử lý nợ xấu nhiều hơn vì áp lực từ vĩ mô sẽ là không quá lớn như giai đoạn trước cũng như ngân hàng vừa xử lý xong ngân hàng yếu kém nên cũng cần tập trung đẩy lại kết quả kinh doanh để làm bàn đạp cho giai đoạn tăng trưởng mới trong các năm tới. Có thể bộ đệm dự phòng phải từ 2026 mới được tính đến việc nâng lên trên 100%.

Như vậy chúng ta có thể thấy khả năng cao trong năm 2025 bức tranh tài chính của MBB sẽ là đi ngang nhưng đẩy mạnh nội lực vào hỗ trợ đưa kết quả kinh doanh lên mức nền mới sau đó mới quay trở lại hỗ trợ nền tảng ngân hàng từ 2026 trở đi. Tuy nhiên không phải vì thế mà mức trích lập hàng quý của MBB giảm đi mà sẽ là duy trì tương đương như các quý gần đây tức khoảng 3k tỷ đồng mỗi quý chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

III. Ảnh hưởng của ngành ngân hàng từ bối cảnh chiến tranh thương mại hiện tại

Hiện tại bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới là rất căng khi tình trạng thuế quan các nước áp lên nhau thay đổi theo từng ngày và nguy cơ nếu lan rộng rồi duy trì trong thời gian dài sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái chứ không riêng gì nước nào. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách phải chịu thuế đối ứng. Hiện mức thuế cụ thể Việt Nam phải chịu chưa chính thức được áp dụng khi mà Mỹ đã hoãn 90 ngày để cho các nước đàm phán.

Quá trình đàm phán chưa đem lại bất kỳ kết quả nào cụ thể nhưng với dữ kiện cho tới hiện tại thì đối với ngành ngân hàng mức độ ảnh hưởng là có nhưng sẽ đỡ hơn. Về mặt trực quan ngành ngân hàng không có sản phẩm hay kinh doanh trực tiếp với các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc nên sẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan. Tuy nhiên rủi ro về dài hạn nếu cuộc thương chiến thuế quan căng thẳng thì về gián tiếp ngành ngân hàng hay MBB cũng không thể tránh khỏi hệ lụy và ảnh hưởng đi kèm như:

  • Rủi ro biến động lãi suất và tỉ giá lớn khi nền lãi suất và tỉ giá của Việt Nam được xây dựng mật thiết với lãi suất và chính sách của FED trong dài hạn. Mà FED cũng sẽ chịu áp lực khi cuộc thương chiến kéo dài sẽ nguy cơ khiến nền kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, …
  • Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào FDI và xuất khẩu nên nếu Mỹ duy trì đánh thuế cao vào Việt Nam sẽ khiến cho nền kinh tế ảnh hưởng nặng và gián tiếp ảnh hưởng tới tín dụng của các ngân hàng trong đó có MBB.

Vì vậy chúng ta không thể loại MBB hay nhóm ngân hàng ra khỏi cuộc thương chiến này được mà vẫn phải cập nhật tình hình đàm phán trong những ngày tới để có thể có được bức tranh tổng thể nhất tình hình vĩ mô của ngành trong các quý tới. Trong kịch bản tích cực Việt Nam thoát khỏi hoặc chịu ảnh hưởng ít từ cuộc chiến thuế quan sắp tới thì năm 2025 sẽ là năm bản lề và rất hứa hẹn với MBB cũng như ngành ngân hàng khi kế hoạch tăng trưởng mạnh tín dụng khả quan có thể thực hiện được.

IV. Tổng kết và định giá

Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy MBB sẽ phát triển tốt về kết quả kinh doanh trong các quý tới nhờ động lực tới từ nhiều nhóm ngành trong khi vẫn duy trì được bức tranh tài chính đi ngang so với hiện tại dù chưa phải là đẹp lắm. Bức tranh tài chính có lẽ sẽ được chú ý hơn trong các năm tới khi nội lực của ngân hàng được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên những phân tích và kỳ vọng trên chỉ có thể đúng nếu như vĩ mô trong thời gian tới diễn ra theo chiều hướng ít nhất là không tiêu cực (Việt Nam không bị áp thuế đối ứng quá cao so với các nước khác). Chúng ta cần cập nhật thêm các thông tin vĩ mô bên cạnh FA doanh nghiệp trong quý tới để có thể đầu tư được hiệu quả nhất. Định giá cổ phiếu vì thế cũng sẽ có vài kịch bản tùy thuộc theo từng kịch bản khác nhau của thị trường chung nên chúng tôi xin phép được lưu hành nội bộ trước khi public sau trên web của team.

– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

Nhập mã “LTBNM” để được giảm giá 10% khi mua acc tại wichart.vn. Áp dụng cùng với các chương trình khuyến mại khác nếu có.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN