MBB đã công bố báo cáo tài chính Q4-2024 với kết quả theo chúng tôi là rất tích cực với bối cảnh vĩ mô và chính công ty lúc này. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là những con số đó thực tế có sát với tình hình kinh doanh thực tế của ngân hàng hay đã có phần tác động để đạt được các con số như mong muốn trong năm 2024. Chúng tôi sẽ cố gắng phân tích và đánh giá thực tế nhất về MBB thay vì chỉ nhìn vào các con số trên bctc trong bài viết này.
I. Kết quả kinh doanh
Chúng ta sẽ đi phân tích từng phần của báo cáo tài chính và sẽ xem luôn tính rõ ràng hay xác thực của các con số đó. Về kết quả kinh doanh MBB đã ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong Q4 đạt 16,564 tỷ đồng, tăng tới 41% yoy. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận 6,284 tỷ đồng, tăng 26% yoy. (Hình 1)
Chúng ta có thể thấy lợi nhuận của ngân hàng có phần tăng trưởng thấp hơn so với tăng trưởng của TOI. Nguyên nhân là do trong Q4 MBB đã tăng thêm khá nhiều về chi phí dự phòng rủi ro với 3,224 tỷ đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ. Về các chỉ số kinh doanh chúng ta có thể thấy MBB đang kiểm soát rất tốt các chi phí đầu vào. Cụ thể hệ số chi phí hoạt động CIR hay chi phí vốn COF đều có xu hướng giảm tốt từ giữa 2023 cho tới nay. (Hình 2)
Tuy chi phí vốn được kiểm soát và giảm khá tốt nhưng NIM của MBB cũng không thể tăng được, thậm chí là giảm dù đầu vào có phần tích cực hơn. Nguyên nhân là do đầu ra của ngân hàng cũng gặp khó khi lãi suất cho vay cũng duy trì ở vùng rất thấp để hỗ trợ hồi phục nền kinh tế cũng như kích cầu tín dụng.
Bóc tách từng mảng kinh doanh của ngân hàng chúng ta có thể thấy đóng góp chính vào tăng trưởng tổng thu nhập của MBB tới từ mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng với thu nhập lãi thuần đạt 11,142 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngân hàng và ghi nhận tăng trưởng 21.6% yoy . Động lực chính giúp tăng trưởng mạnh thu nhập lãi thuần tới từ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong năm qua. Ngoài mảng tín dụng thì các mảng kinh doanh ngoài lãi khác ghi nhận biến động trái chiều. Trong khi mảng dịch vụ tiếp tục đi lùi với mức giảm 18.9% yoy thì mảng chứng khoán, kinh doanh ngoại hối hay hoạt động khác đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong Q4 vừa qua. Cụ thể như bảng 3 dưới.
Đáng chú ý nhất là mảng chứng khoán đã ghi nhận mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là tới từ mảng chứng khoán đầu tư. Chúng tôi cho rằng khoản lợi nhuận lớn này tới từ hoạt động bán trái phiếu (hơn 2k tỷ đồng) của ngân hàng.
Như vậy có thể thấy ngoài mảng dịch vụ vẫn gặp khó khăn do mảng bảo hiểm vẫn bị kiểm soát chặt cũng như cuộc đua miễn phí dịch vụ để giữ khách hàng thì các mảng kinh doanh khác của MBB đều đang có những chuyển biến tích cực và hứa hẹn 2025 sẽ tiếp tục tích cực.
II. Bức tranh tài chính và mảng tín dụng
1. Mảng tín dụng
Mảng tín dụng của MBB trong Q4 đã ghi nhận con số rất bất ngờ về tăng trưởng tín dụng khi chỉ trong riêng Q4 tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm tới 12.3%, gần bằng tổng tăng trưởng cả 3 quý trước đó cộng vào (14.9%). Qua đó tổng tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt 27.2%, thấp hơn so với kết quả đạt được năm 2023 với 32.5% nhưng cũng là đáng ghi nhận trong bối cảnh tín dụng chung toàn ngành. Động lực chính trong tăng trưởng tín dụng đến từ khách hàng doanh nghiệp và chủ yếu tăng lên trong co vay ngắn hạn (Chiếm tới 2/3 dư nợ tăng thêm). (Hình 4)
Nhìn lại những gì xảy ra với tăng trưởng tín dụng của MBB trong Q4-2024 chúng tôi thấy khá giống với Q4-2203. Tức là một phần không nhỏ tín dụng cho vay tăng lên đến từ việc ngân hàng đã “chạy đua” cho đủ hạn mức được cấp và sẽ sớm đáo hạn trong Q1-2025 giống như đã từng làm tại Q1-2024 khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0.7%. Điều này nhằm 2 mục đích:
- Đầu tiên là giúp cho các chỉ số của ngân hàng đẹp hơn sau khi kết thúc năm 2024, từ đó giúp ngân hàng sẽ được giao các chỉ tiêu tốt hơn và có lợi hơn để tăng trưởng trong năm 2025 tới.
- Ngân hàng sẽ tận dụng tối đa room tín dụng được cấp năm 2024 (khoảng 30%) và qua đó tạo dư địa tốt hơn cho tăng trưởng tín dụng thực tế năm 2025 (Q1-2025 sẽ đáo hạn tín dụng làm tăng trưởng tín dụng Q1 thấp nhưng bù lại dư địa cho 3 quý tiếp theo là lớn hơn).
Sở dĩ MBB được cấp room tín dụng cao như vậy so với trung bình ngành đến từ việc ngân hàng đã nhận chuyển giao ngân hàng Ocean bank khiến bức tranh tài chính xấu đi phần nào nhưng bù lại được cấp tín dụng lớn hơn. Từ những điều trên chúng tôi thấy rằng khả năng rất cao tăng trưởng tín dụng của MBB sẽ thấp trong Q1-2025 tới nhưng cho cả năm 2025 ngân hàng vẫn hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng lên tới 30% khi nền lãi suất cho vay vẫn thấp và các hoạt động giải ngân đang được nhà nước thúc đẩy.
Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc MBB sẽ phải duy trì mức lãi suất cho vay ở mức thấp nhất có thể để duy trì cạnh tranh cũng như gia tăng tín dụng của mình. Điều này sẽ làm hi sinh NIM của ngân hàng và khả năng NIM trong năm 2025 sẽ duy trì mức đi ngang trên nền thấp như hiện nay.
Về huy động đầu vào, hiện MBB đang làm rất tốt trong việc huy động vốn đầu vào cho ngân hàng khi vẫn duy trì được tỉ lệ tiền gửi/ cho vay ở mức an toàn với 92%, tức ngân hàng chỉ phải huy động thêm ít từ các nguồn ngoài khác như trái phiếu hay liên ngân hàng. (Hình 5)
Ngoài ra Casa của MBB cũng liên tục tăng trương các quý gần đây và qua đó giúp MBB luôn duy trì trong top 2 ngân hàng có tỉ lệ casa cao nhất. Điều này cùng với quá trình số hóa đã giúp cho các chỉ số về vốn đầu vào như COF hay CIR của ngân hàng đều giảm rất tốt như phân tích ở phần trên bài viết. Tuy nhiên cũng giống như tín dụng cho vay, chúng tôi cho rằng một phần trong khoản tiền gửi tăng mạnh trong Q4-2025 cũng tới từ các hoạt động nghiệp vụ để giúp cân bằng dòng tiền đối với tín dụng cho vay đầu ra và khoản này cũng sẽ sớm được đáo hạn trong Q1-2025 tới.
Tổng kết lại những con số ấn tượng về cả huy động và tín dụng cho vay của MBB trong Q4 phần nào chưa phản ánh đúng thực tế kinh doanh của ngân hàng nhưng điều đó về mặt dài hạn cũng phần nào sẽ giúp dư địa tăng trưởng tín dụng của MBB trong năm 2025 cao hơn. Và việc tăng trưởng tín dụng cao cùng với việc kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào sẽ tiếp tục là động lực chính giúp cho mảng tín dụng của MBB tăng trưởng mạnh trong các quý tới. Tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý trong ngắn hạn Q1-2025 khả năng rất cao tăng trưởng tín dụng của MBB sẽ thấp tương tự như Q1-2024.
2. Bức tranh tài chính
Bức tranh tài chính của MBB trong Q4 cũng tích cực khá nhiều và phần nào cũng được hưởng lợi từ việc tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong Q4. Cụ thể nợ xấu trong Q4 đã giảm xuống 12,586 tỷ đồng, giảm hơn 3k tỷ đồng so với cuối Q3-2024. Tỉ lệ nợ xấu cũng giảm từ 2.23% tại cuối Q3 còn 1.62% cuối Q4. (Hình 6)
Tỉ lệ nợ xấu này tương đương với mốc cuối 2023 của ngân hàng và vẫn đang cao hơn một chút so với trung bình hàng năm (khoảng 1.2-1.3%). Bóc tách các nhóm nợ của ngân hàng chúng ta có thể thấy trong Q4-2024 các nhóm nợ 2, 3, 4 đều có xu hướng giảm khá tích cực và chỉ có nợ nhóm 5 tăng khoảng 15% so với Q3 gần nhất. (Hình 7)
Điều này sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực hình thành nợ xấu trong tương lai, qua đó từng bước kiểm soát được nợ xấu và hướng tới giảm dần về mức an toàn sau khi nhận tái cấu trúc ngân hàng yếu kém trong thời gian qua.
Để nâng cao dần chất lượng tài sản của ngân hàng, chúng tôi thấy rằng trong Q4-2024 MBB đã bắt đầu có dấu hiệu tăng dần trích lập của mình sau giai đoạn duy trì ở mức vừa phải để vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Chính vì điều này cộng với việc phải xử lý ngân hàng yếu kém đã khiến cho bộ đệm dự phòng của MBB giảm nhanh trong các năm qua. Cụ thể tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đã giảm nhanh từ 268% vào cuối 2021 xuống chỉ còn 68.8% cuối Q3-2024 vừa qua. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm của ngân hàng và MBB cũng không thể tiếp tục để thấp hơn nữa. (Hình 8)
Vì vậy trong Q4-2024 và gần như chắc chắn cả năm 2025 MBB sẽ duy trì mức trích lập dự phòng ở mức cao để quay trở lại làm dày bộ đệm của mình. Trong năm 2025 áp lực nợ xấu sẽ không còn quá lớn nên MBB có thể toàn tâm “ tích lương khô” cho các giai đoạn sau. Trong Q4 chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng là 3,224 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và trung bình các quý trong 2 năm gần đây. Trong 2025 khả năng cao chúng tôi cho rằng MBB cũng sẽ duy trì mức trích lập trên 2,500 tỷ đồng cho mỗi quý và dần đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu trở lại con số trên 150% trong các năm tới.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích trên chúng ta đã thấy khá rõ bức tranh của MBB sau bctc Q4 vừa qua. Dưới đây là những điểm nhấn chính:
- MBB đạt kết quả kinh doanh tốt nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng như một số mảng kinh doanh ngoài lãi đem lại lợi nhuận lớn trong Q4 vừa qua.
- Tình hình kinh doanh thực tế của MBB theo chúng tôi có thể không được bằng các con số đã thể hiện trên bctc mà có phần đã được làm đẹp để hoàn thành các chỉ tiêu về tín dụng của ngân hàng.
- Bức tranh tài chính của MBB có phần tích cực hơn trong Q4 và trong năm 2025 chúng tôi cho rằng MBB sẽ duy trì việc trích lập ở mức cao trên 2,500 tỷ đồng mỗi quý để làm dày bộ đệm dự phòng của mình sau khi xuống thấp kỷ lục vào Q3-2024.
Như vậy khả năng rất cao trong năm 2025 chúng ta sẽ thấy một MBB tăng trưởng kinh doanh không quá lớn nhưng chất lượng tài sản và bộ đệm dự phòng sẽ tích cực lên. Nhưng lưu ý một chút với các nhà đầu tư ngắn hạn rằng khả năng cao tăng trưởng tín dụng trong Q1-2025 sẽ ở mức thấp và nếu là nhà đầu tư ngắn hạn thì không nên mua bán hay ôm cổ phiếu để chờ bctc Q1 ra. Về định giá, hiện MBB đang giao dịch vùng giá khoảng 23k/cp và chúng tôi cho rằng cp có thể chạm mức 25k/cp trong Q1 nhưng sẽ điều chỉnh trở lại khi sắp ra bctc Q1 vào tháng 4/2025.
– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Nhập mã “LTBNM” để được giảm giá 10% khi mua acc tại wichart.vn. Áp dụng cùng với các chương trình khuyến mại khác nếu có.