MBS – BCTC Q4: Lợi nhuận đi ngang nhưng vẫn có điểm nhấn

Lượt xem: 106 | Ngày đăng: 21/01/2025 | Báo cáo phân tích Blog

Như thường lệ MBS vẫn công bố bctc rất sớm tại mỗi kỳ ra báo cáo và với báo cáo Q4 này thì điểm nhấn lớn nhất sẽ nằm ở đâu? Chúng ta sẽ cùng đi cập nhật báo cáo và phân tích nhé.

I. Kết quả kinh doanh

Chúng ta sẽ đi cập nhật nhanh KQKD mới nhất vừa công bố của MBS. Cụ thể kết thúc Q4 doanh thu thuần của công ty đạt 758 tỷ đồng, tăng 40% yoy. Tuy nhiên do biên lợi nhuận gộp giảm khá nhiều so với cùng kỳ (56.3% so với 69.6%) nên lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận tăng trưởng 13.7% yoy. Ngoài ra các chi phí tăng lên (chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí thuế) đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của MBS lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm 4.4% so với cùng kỳ sau 6 quý liên tiếp tăng trưởng dương. (Hình 1)

Đây là điều mà chúng tôi đã bóc tách và phan tích trong kỳ bctc Q3 vừa rồi khi mà MBS đã trải qua 4 quý tăng trưởng mạnh liên tiếp để tạo mức nền cao trong khi nội lực không có biến chuyển mạnh (cho vay không tăng mạnh được) sẽ rất khó để MBS có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao được nữa.

https://langtubuonnuocmam.com/mbs-bctc-q3-chung-lai-trong-boi-canh-thi-truong-kho-khan/

Về định hướng kinh doanh của MBS là không có gì thay đổi khi công ty vẫn chung thành với con đường đã chọn đó là tập trung vào đẩy mạnh mảng cho vay và lấy cho vay làm mũi nhọn để đưa công ty phát triển. Tuy nhiên do bối cảnh thị trường trong 6 tháng cuối năm 2024 là rất khó khăn khi dòng tiền rút khỏi kênh chứng khoán khiến cho MBS cũng không thể tăng trưởng được dù tập trung và nỗ lực. Về tỉ trọng đóng góp lợi nhuận cho công ty, đứng đầu vẫn là mảng cho vay với tỉ trọng 59% về lợi nhuận gộp. Tiếp đến là mảng HTM với 14.3% và tự doanh với 10.3%. (Hình 2)

Tiếp đến tài sản của công ty, MBS vẫn tập chung chính tài sản của mình ở kênh cho vay với 10,284 tỷ đồng, chiếm 46.5% tổng tài sản của công ty. Tuy nhiên do mảng cho vay gặp khó khăn tăng trưởng mạnh khi thị trường chung gặp khó nên tài sản của MBS trong Q4 chủ yếu được đẩy vào kênh HTM (tiền gửi có kỳ hạn) để lấy lãi trước mắt và dùng cho vay nếu cần. Qua đó trong Q4 khoản tiền HTM đã tăng khá mạnh từ 3,793 tỷ đồng lên 4,995 tỷ đồng. Các tài sản khác không có nhiều biến động trong Q4. (Hình 3)

II. Các điểm nhấn đáng chú ý

1. Mảng cho vay vẫn cao nhất lịch sử dù thị trường khó khăn

Dù thị trường chung gặp nhiều khó khăn cả về biến động giá cũng như thanh khoản nhưng MBS vẫn có thể tăng được cho vay lên mức 10,294 tỷ đồng, con số cao nhất lịch sử công ty. Tuy mức tăng so với cùng kỳ hay quý liền trước là không quá nhiều và cũng không thể đảm bảo sẽ giúp công ty quay trở lại tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới nhưng MBS làm được điều này trong bối cảnh thị trường hiện tại là rất đáng coi trọng. Thanh khoản thị trường đã giảm tới 40-50% so với giai đoạn đầu năm khi chỉ duy trì ở mức quanh 10k tỷ đồng mỗi phiên trong Q4 vừa qua. (Hình 4)

Điều này sẽ giúp MBS có thể tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh trước mắt đi ngang hoặc tăng trưởng nhẹ trong các quý tới trước khi bứt phá được tiếp khi thanh khoản thị trường tở lại vùng 20k tỷ trở lên.

Về thị phần môi giới trong Q4, MBS đã có quý tăng trưởng trở lại sau 3 quý sụt giảm thị phần liên tiếp từ 4.69% lên 5.16%, qua đó đã vượt qua VND để vươn lên vị trí thứ 6 trong các công ty có thị phần lớn nhất trên sàn. (Hình 5)

Như vậy chúng tôi đánh giá khá tích cực với mảng cho vay của MBS trong bối cảnh thị trường hiện tại. Trong Q3 và Q4 MBS cũng đã tiến hành tăng vốn giúp cho tỉ lệ cho vay/VCSH giảm khá nhiều xuống 149% và qua đó tạo ra nhiều dư địa tăng trưởng cho vay trong tương lai mà không sợ kịch trần cho phép. Khả năng cao trong năm 2025 công ty cũng sẽ tiếp tục tăng vốn để có dư địa lớn hơn nữa chờ đợi cho chu kỳ mới.

2. Tự doanh tập trung tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường khó khăn

Với tỉ trọng tài sản tập trung chính ở mảng cho vay thì mảng tự doanh cũng không chiếm quá nhiều tỉ trọng khi tổng tỉ trọng tài sản của 2 mảng là FVTPL và AFS chỉ chiếm khoảng 21% tổng tài sản của công ty. (Hình 6)

Phần lớn trong tài sản của mảng tự doanh của công ty nằm ở 2 khoản chính là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Đây đều là những dạng đầu tư an toàn lấy lãi định kỳ thay vì đầu tư cổ phiếu theo biến động thị trường. Trong những năm gần đây chúng ta thấy xu hướng chung các công ty sẽ đẩy mạnh cho vay và tự doanh cũng tập trung ở các kênh an toàn. Và hiện MBS cũng đang đi theo con đường này để giúp công ty phát triển bền vững hơn. Từ đó rủi ro giảm đi nên định giá của công ty cũng sẽ được nâng dần lên.

III. Tổng kết và định giá

Với những thông tin cập nhật trên về bctc Q4 mới ra chúng ta có thể thấy rõ công ty cũng phần nào chịu ảnh hưởng khó khăn từ thị trường chung khiến cho kết quả kinh doanh không thể tăng trưởng được nữa trên mức nền cao. Khả năng cao nửa đầu năm 2025 kết quả kinh doanh của MBS vẫn khó đột biến được và chúng tôi cho rằng thời điểm đột biến sẽ đến khi thanh khoản thị trường chung trở lại vùng trên 20k tỷ đồng mỗi phiên. Khi đó với nền tảng đang được xây dựng vững chắc MBS sẽ có chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai. Ngắn hạn chúng tôi đánh giá trung lập với MBS khi thị trường chung vẫn khá khó khăn nhưng dài hạn sẽ có những tiềm năng bứt phá khi công ty tập trung xây dựng giá trị cốt lõi rất tốt.

Hiện MBS đang giao dịch vùng giá 27.x k/cp và chúng tôi cho rằng nếu thanh khoản thị trường dao động trong khoảng 10-15k tỷ đồng mỗi phiên thì mức định giá phù hợp với MBS sẽ là 27-30k/cp.

– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

Nhập mã “LTBNM” để được giảm giá 10% khi mua acc tại wichart.vn. Áp dụng cùng với các chương trình khuyến mại khác nếu có.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN