NSC – CHỜ ĐỢI MỘT CƠN GIÓ ĐÔNG

Lượt xem: 3686 | Ngày đăng: 09/10/2020 | Báo cáo phân tích Blog

Mặc dù được hưởng lợi từ dịch Covid khi là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thiết yếu lương thực, thực phẩm nhưng tình hình doanh thu, lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HSX: NSC) vẫn chưa thể quay lại thời kì đỉnh cao như cùng kỳ 2019. Tuy vậy, khi đi sâu tìm hiểu doanh nghiệp này chúng tôi vẫn thấy có những key tăng trưởng tốt cho năm 2021. Hiện thị giá của NSC đang về vùng đáy 4 năm – một con số khá hấp dẫn nếu key tăng trưởng là đủ lớn. Bài viết này chúng tôi sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp cũng như tìm cơ hội giải ngân với tầm nhìn khoảng 1 năm tới đây. (Hình 1)

1. Giới thiệu doanh nghiệp

CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu Khoan học công nghệ trong ngành giống cây trồng tại Việt Nam. Doanh nghiệp hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị. Hiện công ty có trụ sở chính tại Hà Nội, 14 chi nhánh khắp cả nước và 1 chi nhánh tại Lào. Trong năm 2019, NSC cung cấp ra thị trường gần 85.000 tấn hạt giống cây trồng các loại, tương đương khoảng 2 triệu ha gieo trồng. NSC chiếm khoảng 20% thị phần cả nước, với địa bàn chủ yếu là Đồng bằng Sông Hồng (30%), Đông Nam Bộ (27%), còn lại các tỉnh khác chỉ chiếm từ 10% đến 20% doanh thu.

Về cơ cấu sản phẩm, năm 2019 công ty đạt 1.518 tỷ đồng doanh thu, trong đó 78% là giống lúa, 10% giống ngô, 7% nông sản và 5% giống rau. Trong đó, sản phẩm nông sản có cả gạo sẽ là điểm nhấn cho chuỗi giá trị khép kín từ trang trại cho đến bàn ăn, tạo ra lợi nhuận kép cho công ty khi mà tổng sản lượng xuất khẩu gạo 7,5 triệu tấn của VN đã có tới 20% là giống Đài Thơm 8 –Giống bản quyền của Công ty. (Hình 2)

Để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, Vinaseed hiện có 5 công ty con. Dự kiến trong 2019, công ty sẽ hoàn tất việc thâu tóm 100% CTCP Giống cây trồng TW Quảng Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam nhưng tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa có thêm các thông tin về việc mua bán cổ phần này. (Hình 3)

Về cơ cấu ban lãnh đạo, thì CTCP PAN FARM đã chiếm đến 80.1% lượng cổ phiếu, ngoài ra là các quỹ khác nắm phần lớn. Vì vậy không ngạc nhiên khi NSC là một mã gần như không có thanh khoản, dòng tiền mới chỉ tìm đến mã này từ khoảng tháng 8/2020 nhưng với khối lượng cũng không đáng kể. Hiện khối lượng CP đang niêm yết của công ty là 17,5 triệu cổ, tương đương với 175,8 tỷ đồng.  (Hình 4)

2. Tình hình kinh doanh Q2/2020

Thông thường, Q2 và Q4 là những tháng cao điểm doanh thu của Vinaseed. Bởi theo địa bàn kinh doanh của công ty với chủ yếu là các tỉnh miền bắc, thì thông thường cuối tháng 6 đưa mạ xuống đồng thì sẽ phải mua hạt giống từ giai đoạn trong Q2, và tương tự đối với Q4. Vì vậy chúng tôi cho rằng Q3/2020 tới đây sẽ là một quý thấp điểm trong tình hình kinh doanh của NSC. (Hình 5)

Tại Q2, NSC đạt 452 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại tăng 16,8%, đạt mức 76 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ tiết giảm giá vốn bán hàng và chi phí lãi vay. Nhìn vào biểu đồ tình hình hoạt động kinh doanh của NSC, không khó để thấy rằng các nhóm biên lợi nhuận của công đạt mức khá ổn định, trừ Q1/2020 là do sự kiện Covid nên bị ảnh hưởng nhưng mức giảm là không đáng kể.

Đi sâu vào bctc Q2/2020, tài sản ngắn hạn đang dần nhường chỗ cho tài sản dài hạn, với việc phần lớn lượng tiền 2 quý đầu năm 2020 tiếp tục được chuyển sang đầu tư vào tài sản cố định – ở đây là nhà máy Đồng Tháp, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể về nhà máy này ở phần sau báo cáo phân tích. (Hình 6)

Bởi có lượng tiền mặt dồi dào, thường chiếm từ 8 – 10% tổng tài sản, thậm chí có thời gian cao điểm lên đến 17% TTS nên NSC không bị đặt nặng tình hình vay nợ. Chỉ số nợ/VCSH chỉ thường khoảng 20% với chủ yếu là nợ ngắn hạn vào nhữn tháng cao điểm để bổ sung hàng tồn kho phục vụ mùa trồng lúa mới. Vay nợ dài hạn không có nhiều, chứng tỏ việc xây dựng các dự án đến từ lượng tiền vốn có của doanh nghiệp. (Hình 7)

3. Một vài điểm nhấn đầu tư

Có thể thấy báo cáo Q2 của NSC không thực sự xuất sắc, và Q3 sẽ lại là một quý thấp điểm trong doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, NSC giống như một cái cây đang trong giai đoạn ươm mầm và chờ đợi thời cơ bung nở, đươm hoa và kết trái với những câu chuyện đằng sau của mình.

a. Tình hình xuất khẩu gạo khởi sắc

Theo số liệu chúng tôi có được tính thì tính đến hết 8 tháng đầu năm 2020, trong khi nhiều nông sản chịu cảnh xuất khẩu giảm do tình hình của dịch bệnh thì mặt hàng gạo lại có phản ứng trái chiều, mang về khoảng 2,2 tỷ USD (+10,4% yoy) với gần 4,5 triệu tấn gạo (-1,7% yoy).

Sở dĩ tăng về giá trị nhưng giảm về lượng như vậy là do giá gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng. Thậm chí có thời điểm trong tháng 8, loại gạo 5% tấm, DT8, gạo 5451,… vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt qua cả Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Sở dĩ việc gạo trong nước được giá là do chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện, cộng thêm việc nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ Covid khiến các doanh nghiệp trong nước có cở hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu. Ngoài ra, việc EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ giúp những doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất gạo quy mô lớn và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo của thị trường Châu Âu khó tính sẽ càng có khả năng chốt giá xuất khẩu cao hơn.

Đối với Vinaseed, trước đó công ty đã xuất khẩu sản phẩm gạo VJ Pearl Rice, gạo thơm RVT sang Hà Lan và CH Séc với giá 1.040 USD/tấn vào tháng 7/2020. Đây là mức giá đàm phán tốt hơn mức giá bình quân mà Vinaseed có được trong năm 2019. Theo ông Nguyễn Quang Trường, năm 2019 doanh nghiệp xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang EU với kim ngạch khoảng 2 triệu USD và mục tiêu nâng lên 5.000 tấn trong năm 2020.

Link tham khảo: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gao-ca-phe-giay-dep-bat-dau-huong-uu-dai-tu-evfta-post250109.html

Để gõ cửa thành công thị trường khó tính này, Vinarice – một trong những công ty con của NSC đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng. Đây là chứng nhận được tổ chức độc lập của Vương Quốc Anh, thiết lập giữa ISO 22000 và PAS 220. Với chứng nhận này thì việc tiếp cận các thị trường lớn như EU, Mỹ không phải là điều khó khăn đối với NSC. Trong tháng 8, thị phần xuất khẩu gạo của công ty cũng đã vươn sang Úc với 2 mặt hàng là gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ. Đây là lần đầu tiên sản phẩm gạp Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Úc, mở ra cơ hội xuất khẩu mới sang mảnh đất màu mỡ này. Tuy Vinarice mới thành lập, nhưng với nhiều thông tin hỗ trợ đến từ EVFTA như vậy, chúng tôi kì vọng cao ở mảng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp này.  (Hình 8)

b. Đầu tư và mở rộng nhà máy mới

Để có chứng nhận đạt chuẩn sang các thị trường khó tính như Châu Âu hay Mỹ thì việc có một nhà máy đạt chuẩn là hoàn toàn cần thiết. Và dự án Đồng Tháp sau thời gian ươm mầm đã được đưa vào gieo trồng. Dự án trở thành trung tâm công nghệ chế biến hạt giống và nông sản lớn nhất vùng ĐBSCL với hệ thống dây chuyền hiện đại, đồng bộ và tự động hóa 100% với giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 320 tỷ đồng, công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm. Từ đầu năm 2020, chúng tôi đã nhận thấy TSCĐ của NSC tăng khoảng 252 tỷ, và các khoản xây dựng dở dang còn khoảng 85 tỷ đồng chưa được đưa vào TSCĐ. (Hình 9)

Khi dự án này hoạt động ổn định, chúng tôi kì vọng đây sẽ là bước tiến lớn của NSC. Với nhận định mảng xuất khẩu gạo là key tăng trưởng khi EVFTA được đưa vào hoạt động, tuy chỉ chiếm tối đa 10% doanh thu nhưng chúng tôi vẫn cho rằng nhà máy sẽ giúp NSC đạt được lợi nhuận tốt. So sánh với LTG thì chúng tôi cho rằng việc có vòng kinh doanh khép kín sẽ giúp Vinaseed đảm bảo lợi nhuận gộp trên 10%.

Bên cạnh đó, việc đưa dự án Đồng Tháp vào hoạt động sẽ giúp NSC thâm nhập vào thị trường phía Nam – nơi mà NSC chỉ thu về khoảng 20% doanh thu. Chúng tôi đánh giá rằng đây là con số khá thấp khi mà ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước. Vì thế, với việc cung cấp khoảng 50.000 tấn giống/năm cho thị trường này cũng sẽ giúp rất nhiều cho việc tăng trưởng của NSC.

c. Tình hình thời tiết ủng hộ

Một yếu tố không thể không nhắc đến khi nói về ngành nông sản đó là tình hình thời tiết. Nếu nhà đầu tư để ý, kiểu thời tiết El Nino sẽ ảnh hưởng mạnh đến tình trạng xâm nhập mặn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất giống lúa. (Hình 10)

Vì vậy, với việc năm 2020 – 2021 được dự đoán là kiểu thời tiết La Nina thì chúng tôi cho rằng tình hình xâm nhập mặn sẽ được hạn chế, nên cả việc bán giống và trồng gạo của NSC sẽ được thời tiết ủng hộ. Lật lại lịch sử, giai đoạn 2016 là năm El Nino đỉnh cao, việc tăng trưởng doanh thu trong năm này cũng không được 2 chữ số như giai đoạn trước. Hoặc 2019 cũng là năm mà mưa trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn, mùa mưa ngắn khiến lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt, thậm chí thấp hơn cả 2015 – 2016 nên lần đầu tiên NSC ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm. Vì thế chúng tôi cho rằng 2021 sẽ là một năm tình hình doanh thu và lợi nhuận của Vinaseed sẽ lại tăng trưởng 2 chữ số như thời kì trước đây.

Link tham khảo: http://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/bao-cao-tong-hop-tinh-hinh-han-han-xam-nhap-man-khu-vuc-mien-nam-2019–2020.aspx

4. Định giá

Với những key tăng trưởng tốt như vậy, chúng tôi cho rằng NSC hoàn toàn có thể tăng trưởng tốt. Hiện tại, PE của Vinaseed đang về vùng giá quanh 6 – 7 lần trong khi thời gian cao điểm có thiên thời, địa lợi, nhân hòa như trước đây có thể đạt đến 12 – 14 lần. Ngoài việc cổ phiếu này có thanh khoản quá thấp, mỗi phiên trong thời gian gần đây chỉ có khối lượng trung bình là 30.000/phiên trong giai đoạn thị trường phi mã như hiện nay thì đây quả thực là một cổ phiếu xứng đáng để giải ngân với tầm nhìn dài hạn. (Hình 11)

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN