TÌM HIỂU VỀ GDP

Lượt xem: 2603 | Ngày đăng: 01/06/2020 | Blog Kiến thức

Thị trường những ngày tháng 5 đang phát cơn mưa quà tới tất cả các nhà đầu tư. Đặc biệt là các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên sớm hay muộn thì sẽ đến lúc thị trường đi vào khúc “khó xơi”, việc trau dồi kiến thức là điều cần làm ngay lúc này để chuẩn bị cho tương lai sắp tới. Chúng tôi sẽ dành 1 thời lượng trong số các bài biết đăng lên sắp tới để dành cho các kiến thức mang tính chất cơ bản.

GDP – Đây là thứ mà các nhà đầu tư nghe thường xuyên hàng ngày nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó và ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán như thế nào.

1.          Khái niệm cơ bản GDP

GDP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Gross Domestic Product” được hiểu là tổng sản phẩm nội địa (tổng sản phẩm quốc nội). Xét về bản chất, GDP là tổng giá trị thị trường của tất cả các sản phẩm và dịch vụ thành phẩm của tất cả các đơn vị trong nền kinh tế của một quốc gia trong 1 khoảng thời gian cụ thể – thường là một năm.

Có ba cách tính GDP được biết đến, bao gồm Phương pháp sản xuất, Phương pháp thu nhập và Phương pháp sử dụng cuối cùng. Cái tên nói lên tất cả, Phương pháp sản xuất là xét về góc độ sản xuất, tổng sản phẩm quốc nội là tổng tất cả các giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một thời gian nhất định.

GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu

Xét dưới góc độ thu nhập, GDP bao gồm thu nhập của người lao động, thuê sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ của một đất nước.

GDP = W + R + I + Pr + Ti + De

Trong đó:

       W: tiền lương

       R: tiền thuê

       I: tiền lãi

       Pr: lợi nhuận

       Ti: thuế gián thu ròng

       De: khấu hao tài sản cố định

Còn xét về góc độ sử dụng (chi tiêu), GDP bao gồm chi tiêu cuối cùng của một hộ gia đình (C), tiêu dùng cuối cùng của chính phủ (G), tổng giá trị tiêu dùng của các nhà đầu tư (I) và chênh lệch xuất – nhập khẩu của một đất nước (NX). Lưu ý, sản phẩm cuối cùng là hàng hóa được tiêu thụ bởi người tiêu dùng chứ không phải là sản phẩm được dùng như trung gian của nhóm hàng hóa khác.

GDP = C + I + G + NX

Trong ba cách trên, GDP được tính toán trên góc độ chi tiêu là thông dụng nhất bởi phương pháp này xem xét chi tiêu đủ các thành phần của nền kinh tế, của cả tư nhân và chính phủ nên sẽ tạo được bức tranh tổng thể tốt hơn để đánh giá 1 nền kinh tế. Hiểu nôm na, GDP ở đây là tổng cầu của toàn nền kinh tế, tất cả chi tiêu của một đất nước đã được phản ánh vào chỉ số này.

2.          Ý nghĩa của GDP với nền kinh tế và thị trường chứng khoán

Như đã đề cập trong khái niệm, GDP chính là thước đo để xác định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong một quốc và thể hiện sự biến động của sản phẩm theo dịch vụ theo thời gian. Việc GDP tăng trưởng tốt tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp tích cực phát triển. GDP tăng cao chứng tỏ nền kinh tế hiệu quả, trong đó chủ đạo là các doanh nghiệp. Nền kinh tế tăng trưởng sẽ cần lượng lớn nhân công, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp, kích thích tiêu dùng và tác động ngược làm tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Khi có tiền dư dả, kênh đầu tư chứng khoán sẽ được đẩy mạnh hơn so với giai đoạn GDP thấp.  Có 1 số cổ phiếu mà kết quả kinh doanh thường có sự gắn khá chặt với chỉ số này.

Để ví dụ trực quan hơn, chúng tôi so sánh thị giá của PNJ với GDP qua các năm. Chúng tôi luôn chú ý với các nhà đầu tư, tốc độ tăng trưởng của PNJ phụ thuộc rất nhiều vào sức tăng của GDP. Hiểu đơn giản thì PNJ là doanh nghiệp kinh doanh trang sức xa xỉ, khi người dân có thu nhập cao thì mới có thể chăm chút làm đẹp. Và người dân chỉ có dư dả tiền khi có việc làm ổn định, thu nhập cao, nền kinh tế tăng trưởng – và điều này đều được thể hiện qua con số GDP qua các năm. Chính vì thế, trong giai đoạn thị giá tăng gấp 3 lần kéo dài từ 2017 đến đầu 2018, còn GDP Việt Nam 2017 đạt 6,81% và đạt đỉnh 2018 tại 7, 02%.

Hình 1: Thị giá PNJ giai đoạn 2017 đến nay

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào chỉ số GDP của một quốc gia để quyết định giải ngân. Họ sẽ so sánh GDP của quốc gia này với quốc gia khác để tìm ra quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường sẽ đa dạng và minh bạch hơn rất nhiều.

Nhìn biểu đồ tăng trưởng của nền kinh tế các nước trong khu vực Đông Nam Á, dễ thấy GDP Việt Nam thường thuộc top đầu. Cũng trong thời gian này, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 7,5 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng 13,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị danh mục NĐTNN tăng lên khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối năm 2018. Những con số này đủ để chứng minh câu nói, quốc gia có GDP tăng trưởng tốt là điểm dừng chân cho dòng vốn nước ngoài.

Hình 2: Tăng trưởng và dự báo tăng trưởng các nền kinh tế Đông Nam Á

3.          Dự báo GDP Việt Nam năm 2020

Trước dịch Covid, nhiều bên đã cho rằng mức tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 sẽ đạt mức tăng khá thận trọng, chỉ khoảng 6,7% – 6,8%. Thế nhưng dịch bệnh xảy ra đã khiến nhiều con số phải thay đổi. Cuối tháng Ba vừa qua, World Bank dự báo đại dịch sẽ đẩy lùi GDP Việt Nam xuống còn 4,9%, thấp hơn khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Còn IMF nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ còn ở mức 2,7% – cao nhất trong nhóm ASEAN 5, tiếp đến là Philippines (+0,6%) và Indonesia (+0,5%). Thái Lan là đất nước bị ảnh hưởng mạnh nhất (-9%) bởi ngành du lịch đóng góp đến 16% GDP hiện vẫn đang tê liệt bởi những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Hình 3: Dự báo tăng trưởng nhóm ngành kinh tế mới nổi lần lượt 2019, 2020, 2021

Ngoài ra còn có 1 số điều cần lưu ý khác về GDP, trong bài viết ngắn ngủi này chúng tôi mới chỉ đề cập đến các khái niệm cơ bản và ví dụ đơn giản nhất. Tại các bài viết sau team sẽ đi sâu vào các vấn đề khác chi tiết hơn. Mong nhận được sự đóng góp của quý nhà đầu tư.

-Link room telegram miễn phí: https://t.me/cknuocmam

-Link dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu/

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN