TỔNG HỢP BÁO CÁO PHÂN TÍCH TỪ CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TỪ 11/10 – 15/10/2021

Lượt xem: 2023 | Ngày đăng: 21/10/2021 | Báo cáo từ CTCK Blog

Kính gửi các anh chị đầu tư!

Team buôn nước mắm Cập nhật các báo cáo từ ngày 11/10 – 15/10/2021

  1. BWE [ MUA – 50,200đ/cp]: Nhịp sống bình thường mới – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021
  2. TCB [ MUA – 71,000đ/cp ]: Tăng tốc trên nền tảng vững chắc – Báo cáo cập nhật – VDSC – 11/10/2021
  3. GMD [ MUA – 67,500đ/cp] Tạo nên con sóng mới – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021
  4. TDA [ Trung lập – 80,000đ/cp ]: Thuộc nhóm 3 công ty sản xuất tôn mạ có kết quả kinh doanh đáng chú ý năm 2021 – Báo cáo ngắn – SSI – 11/10/2021
  5. QNS [ MUA – 60,800đ/cp ]: Kết quả kinh doanh Q3 tốt nhất từ trước đến nay – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021
  6. DGC [ MUA – 182,300đ/cp ]: Bước chuyển để bứt phá – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021
  7. Ngành Than [ Trung lập ] Than ngoại lập đỉnh, than nội đủng đỉnh – Báo cáo cập nhật – SSI – 12/10/2021
  8. SLS [ Trung lập ]: Giá đường cao hơn, thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ hỗ trợ lợi nhuận – VCSC – 11/10/2021
  9. GAS [ Tích cực – 118,500đ/cp ]: Kết quả kinh doanh sơ bộ Q3 – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021
  10. BSR [ MUA – 27,200đ/cp ]: Công suất phục hồi – Báo cáo ngắn – MAS – 12/10/2021
  11. SHB [ MUA – 35,000đ/cp] Chuyển mình – Cập nhật công ty – MAS – 14/10/2021
  12. DTD [ Tích cực – 44,900đ/cp ]: Quỹ đất lớn nhiều tiềm năng; định giá còn hấp dẫn – Báo cáo lần đầu – VCSC – 11/10/2021
  13. Ngành ICT [ Trung lập ]: Quý III/2021 duy trì KQKD vững vàng, quý IV/2021 tiếp tục tăng trưởng khả quan – Báo cáo cập nhật – BVSC – 12/10/2021
  14. HDB [ Tích cực – 32,000đ/cp ]: Kết quả kinh doanh sơ bộ Q3/2021 và kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021
  15. Ngành điện [ Trung lập ] Sản lượng của nhóm thuỷ điện miền Nam tăng trưởng mạnh mẽ – Khuyến nghị SJD, TMP – SSI – 15/10/2021
  16. PVT [ MUA – 29,800đ/cp ]: Đẩy mạnh khai thác quốc tế – Báo cáo ngắn – MAS – 15/10/2021

Quý nhà đầu tư lưu ý:

Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các cty chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

1. BWE [ MUA – 50,200đ/cp]: Nhịp sống bình thường mới – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021

  • Ba mảng hoạt động chính: sản xuất nước, vệ sinh môi trường và thu gom xử lý nước thải. BWE nằm trong top 3 doanh nghiệp cung cấp nước sạch lớn nhất cả nước với tổng công suất đến cuối tháng 9/2021 ở mức 760.000 m3/ngày.
  • 9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu BWE đạt 2.464 tỷ đồng (chưa ghi nhận 140 tỷ đồng từ lĩnh vực rác thải và nước thải do vốn ngân sách chưa giải ngân kịp), giảm 2% cùng kỳ. Lãi ròng đạt 493 tỷ đồng, tăng 27%YoY. Nguyên nhân đến từ: 1) sản lượng tăng 5,8% cùng kỳ; 2) tỷ lệ thất thóat nước được cải thiện từ mức 5,45% xuống còn 5,04%; 3) giá bán nước tháng 8-9 bị ảnh hưởng do giảm giá mùa dịch.
  • Hoạt động BWE thời gian tới dự kiến sẽ hoạt động dần trở lại bình thường khi hầu hết nhân viên công ty đã tiêm được 2 mũi vaccine. Trong tương lai gần, BWE sẽ tăng cường nâng cao công suất ở các nhà máy hiện tại như Nhà máy nước Tân Hiệp thêm 100.000 m3/ngày. Ngoài ra, nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một giai đoạn 2 sắp đưa vào hoạt động nâng công suất xử lý lên 35.000m3/ngày. Điều này là nhân tố đảm bảo sức tăng trưởng ổn định trong những năm tới.
  • Năm 2021, dự báo tổng doanh thu và lãi ròng đạt lần lượt 3.159 tỷ và 725 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,4% và 35,5% so với cùng kỳ nhờ: 1) biên lợi nhuận gộp đạt 42,5%, cải thiện so với mức 40,9% cùng kỳ; 2) MAS cho rằng phần doanh thu rác thải và nước thải sẽ được ghi nhận trở lại vào cuối năm; 3) doanh thu tài chính đạt 59 tỷ đồng, tăng 59% cùng kỳ.
  • EPS forward 2021 ước đạt 3.800 đ/cp, tương ứng P/E forward 2021 ở mức 11,2 lần. MAS đánh giá TÍCH CỰC dành cho BWE: 1) hoạt động kinh doanh thiết yếu có phần khá ổn định, ít bị ảnh hưởng mạnh trong mùa dịch; 2) ktriển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh từ năm 2022 trở đi; 3) ngành nước, xử lý rác thải và chất thải là những ngành có sức tăng trưởng cao so với tăng trưởng GDP.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9154_BWE_MAS_2021-10-11.pdf

2. TCB [ MUA – 71,000đ/cp ]: Tăng tốc trên nền tảng vững chắc – Báo cáo cập nhật – VDSC – 11/10/2021

  • VDSC đánh giá TCB là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam tập trung cung cấp các giải pháp và dịch vụ tài chính tiện lợi, tiên tiến và nhanh chóng cho nhóm khách hàng phân khúc thu nhập khá và cao. TCB có ưu thế cạnh tranh trong các mảng cho vay mua nhà, tiền gửi bán lẻ, thanh toán, dịch vụ thẻ và dịch vụ ngân hàng đầu tư.
  • Với bộ đệm vốn mạnh và lãi suất cho vay cạnh tranh nhờ chi phí huy động thấp, TCB có khả năng tăng trưởng tín dụng cao. Kết hợp với khả năng ổn định biên NIM ở mức hiệu quả và duy trì hiệu suất hoạt động cao, đây là các nền tảng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. Bảng cân đối được kì vọng tăng trưởng bình quân hàng năm 23% trong cùng thời kì, được hỗ trợ bởi xu hướng hồi phục của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ trong kịch bản cơ sở. Trong các kịch bản xấu hơn của đại dịch vốn có thể tác động lên chu kỳ nợ xấu toàn ngành, VDSC vẫn đánh giá TCB có bộ đệm dự phòng tốt nhờ chính sách trích lập thận trọng, mức độ phơi nhiễm rủi ro của danh mục cho vay thuộc nhóm thấp so với ngành, và dư địa tăng chi phí tín dụng nhờ năng lực tài chính cao.
  • Trong ngắn hạn, nguồn thu nhập đa dạng và tập khách hàng cao cấp là động lực duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. TCB đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 2021 là 1,9 lần, thấp hơn 13% so với ngành, dù ROE dự phóng cao hơn 12% chưa tính đến quỹ khen thưởng phúc lợi.
  • VDSC ước tính giá trị hợp lý của TCB ở mức 71.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức P/B dự phóng 2021 là 2,7 lần, và P/B dự phóng 1 năm là 2,4 lần với kỳ vọng lãi suất ổn định mức thấp. Mức giá này tương đương tỷ suất sinh lời kỳ vọng là 40% so với giá đóng cửa ngày 08/10/2021. Do vậy, VDSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TCB.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9152_TCB_VDSC_2021-10-11.pdf

3. GMD [ MUA – 67,500đ/cp] Tạo nên con sóng mới – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021

  • Cảng Gemalink giai đoạn 1 (công suất 1,5 triệu TEUs/năm) đã đi vào từ đầu năm 2021. Sản lượng 8 tháng đầu năm của Gemalink đạt gần 500,000 TEU, kỳ vọng đạt được 65-75% công suất thiết kế trong giai đoạn 1 tương ứng với mức 950,000 – 1,1 triệu TEU cho năm 2021. Cảng Gemalink đã bắt đầu có lợi nhuận từ tháng 5/2021 nhanh hơn so với dự kiến của doanh nghiệp khoảng 1 năm.
  • GMD cũng sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cảng Nam Định Vũ khi tình hình dịch bệnh có phần suy giảm, điều này sẽ giúp cho GMD được bổ sung thêm ít nhất 600,000 TEU tại khu vực Hải Phòng, tương ứng với hơn 50% công suất hiện tại ở khu vực.
  • Bên cạnh đó, mảng logistics GMD cũng đã đưa vào vận hành 2 tàu vận tải container đường sông với công suất 248 TEU, và doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư thêm 8 tàu để gia tăng thêm số lượng vận tải hàng hóa của mảng kinh doanh này.
  • Đối với mảng trồng cây cao su, GMD tiếp tục duy trì chăm sóc và sẽ không đầu tư mới ở mảng này. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm thoái vốn ở mảng này.
  • Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế dự phóng cho năm 2021 lần lượt đạt 3,648 tỷ (+40% YoY) và 820 tỷ đồng (+86% YoY): 1) Giá cước vận tải biển tăng mạnh giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức 43% năm 2021 so với mức 36,4% năm 2020; 2) chi phí tài chính giảm mạnh dừng ở 126 tỷ đồng (-21% YoY), trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đồng loạt giảm; 3) Thu nhập khác giảm mạnh hơn 56% vì không còn được ghi nhận khoản mục hoàn nhập dự phòng.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9153_GMD_MAS_2021-10-11.pdf

4. TDA [ Trung lập – 80,000đ/cp ]: Thuộc nhóm 3 công ty sản xuất tôn mạ có kết quả kinh doanh đáng chú ý năm 2021 – Báo cáo ngắn – SSI – 11/10/2021

  • Lợi nhuận năm 2021 có thể đạt mức cao nhất lịch sử, nhờ giá thép tăng cao và nhu cầu xuất khẩu bùng nổ.
  • Sản lượng tiêu thụ năm 2021 của TDA ước tính tăng 17% đạt 783 nghìn tấn nhờ vào kênh xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu ước tính tăng 152% đạt 526 nghìn tấn, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ giảm hơn -44% đạt 257 nghìn tấn, do tác động của dịch Covid-19 và việc tập trung vào kênh xuất khẩu.
  • Biên lợi nhuận gộp ước tính cải thiện lên 10,3% trong năm 2021 từ mức 7,4% trong năm 2020, nhờ xu hướng tăng của giá thép và công ty tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ – đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021. Kết quả hoạt động tốt hơn cũng đến từ giá bán dự kiến cao hơn từ các khách hàng Châu Âu và Bắc Mỹ. Theo đó, SSI ước tính doanh thu và LNST của TDA trong năm 2021 có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử lần lượt đạt 25,3 nghìn tỷ đồng (+105%) và 1,26 nghìn tỷ đồng (+344%).
  • Năm 2022, SSI ước tính LNST của TDA đạt mức ổn định 1,23 nghìn tỷ đồng (-3%). sản lượng tiêu thụ ước tính tăng 5%, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa ước tính phục hồi +60%, trong khi sản lượng xuất khẩu có thể giảm 22% từ mức cao năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo, sự tăng trưởng của TDA sẽ được hỗ trợ bởi các dây chuyền sản xuất mới bắt đầu hoạt động trong cuối năm 2023, giúp gia tăng công suất thành phẩm của TDA thêm 40% từ mức hiện tại. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đạt 2 nghìn tỷ đồng LNST trong năm 2025, tương đương CAGR giai đoạn 2022-2025 là 18%.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9151_TDA_SSI_2021-10-11.pdf

5. QNS [ MUA – 60,800đ/cp ]: Kết quả kinh doanh Q3 tốt nhất từ trước đến nay – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021

  • QNS công bố KQKD Q3 tích cực với doanh thu thuần và LNTT đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ) và 398 tỷ đồng (+42% so với cùng kỳ, sát với ước tính của SSI). Lũy kế, doanh thu thuần và LNTT đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (+14% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (+24% so với cùng kỳ), tương ứng hoàn thành 72% và 91% kế hoạch năm 2021 và 70% và 65% ước tính của SSI.
  • Sữa đậu nành: Sản lượng tiêu thụ đạt 210 triệu lít (+8% so với cùng kỳ) trong 9T2021, tương ứng tăng 12% so với cùng kỳ trong Q3/2021. Cần lưu ý rằng dù Q3/2020 là mức cơ sở so sánh thấp, sản lượng tiêu thụ Q3/2021 đã vượt mức Q3/2019 (87 triệu lít so với 85 triệu lít). Năm trước, việc giãn cách xã hội tại miền Trung trong tháng 8-9/2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh số sữa đậu nành.
  • Đường: Sản lượng tiêu thụ đạt 84 nghìn tấn (+17% so với cùng kỳ), trong khi giá bán trung bình tăng +38% so với cùng kỳ trong 9T2021. Nhà máy đường RE đã đi vào hoạt động trong tháng 7, nhưng sản lượng trong Q3 vẫn ở mức thấp so với đường RS. QNS đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 20 nghìn tấn đường thô từ Úc để sản xuất đường RE trong tháng 12.
  • Mảng điện sinh khối lỗ 25 tỷ đồng trong 9T2021 (9T2020: lỗ 38 tỷ đồng). Doanh thu các sản phẩm khác (bánh kẹo, bia và nước khoáng) tiếp tục giảm từ 5-10% trong Q3 do ảnh hưởng của đại dịch.
  • Trong báo cáo gần nhất, SSI ước tính QNS đạt 1,33 nghìn tỷ đồng (+26% so với cùng kỳ) lợi nhuận sau thuế trong 2021; và 10,7 nghìn tỷ đồng (+30% so với cùng kỳ) doanh thu thuần và 1,66 nghìn tỷ đồng (+25% so với cùng kỳ) LNST trong 2022.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9166_QNS_SSI_2021-10-14.pdf

6. DGC [ MUA – 182,300đ/cp ]: Bước chuyển để bứt phá – Báo cáo ngắn – MAS – 11/10/2021

  • Doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam về sản xuất, buôn bán các mặt hàng hóa chất phục vụ ngành Công – Nông Nghiệp. DGC cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại VN sản xuất thành công hóa chất khử khuẩn Cloramin B, dùng phun khử khuẩn trong phòng chống dịch Covid-19.
  • Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi khi giảm dần sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng như thép, hóa chất, nhiệt điện than, … để giảm ảnh hưởng tới môi trường. Điều này đã làm thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu toàn thế giới, đẩy giá nguyên liệu gia tăng mạnh. Ngoài ra, nhu cầu chip thế giới tăng mạnh nhưng cung không đủ đáp ứng cầu đã khiến sự thiếu hụt chip diễn ra khắp thế giới. Trong đó, sự khan hiếm phốt pho, nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá phốt pho liên tục tăng cao thời gian qua.
  • Dây chuyền 2 nhà máy sản xuất axit phosphoric điện tử thử nghiệm vào tháng 08 và triển khai mạnh từ tháng 09/2021 sẽ giúp gia tăng nhanh doanh thu và lợi nhuận. Công suất thiết kế của dây chuyền 2 là 30.000 tấn/năm, nhưng công suất tối đa có thể lên đến 50.000 tấn/năm. MAS ước tính sản lượng sản xuất axit phosphoric điện tử đạt khoảng 17.000 tấn tính từ thời điểm thử nghiệm tháng 08 đến hết năm 2021.
  • Dự án bất động sản Đức Giang tại Long Biên, Hà Nội với quy mô 53 căn hộ liền kề và 831 căn hộ chung cư đã có phê duyệt 1/500 sẽ được khởi động khi có giấy phép xây dựng chính thức với thời gian thi công giai đoạn 1 khoảng 4 – 6 tháng cho 53 căn hộ liền kề đầu tiên. Dự án đang có phần chậm tiến độ có thể lùi khởi công về năm 2022.
  • Năm 2021, dự báo doanh thu thuần và lãi ròng đạt 9.064 tỷ và 1.686 tỷ đồng, lần lượt tăng 45,3% và 77,8% cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 25,2% nhờ cải thiện chi phí, cũng như giá bán khả quan; 2) mảng phốt pho vàng dự kiến doanh thu 3.912 tỷ đồng, tăng 33,1%YoY nhờ nhu cầu thế giới khả quan; 3) Axit Phosphoric điện tử đóng góp 812 tỷ đồng doanh thu mới.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9161_DGC_MAS_2021-10-12.pdf

7. Ngành Than [ Trung lập ] Than ngoại lập đỉnh, than nội đủng đỉnh – Báo cáo cập nhật – SSI – 12/10/2021

  • Theo ghi nhận của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng năm 2021 mặc dù chỉ tăng 4,5% YoY sau khi giảm 5% YoY trong năm 2020, nhưng giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
  • Nguyên nhân của cơn sốt than toàn cầu đến từ (1) căng thẳng thương mại Trung Quốc – Úc và các lệnh hạn chế nhập khẩu than của Trung Quốc, (2) nguồn cung than và các nguyên liệu đốt khác phục hồi chậm trong tình hình dịch bệnh phức tạp, (3) Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm ở các ngành công nghiệp nặng. Trong năm 2022, dựa trên dự báo của IEA và Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, sản lượng tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng nhẹ 2% YoY, và giá than thế giới sẽ chỉ cao hơn 7% YoY so với trung bình năm 2021 khi thị trường than dần hạ nhiệt nhờ nguồn cung bắt đầu tăng nhanh từ nhiều mỏ than mới được cấp phép ở các quốc gia.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9157_none_SSI_2021-10-12.pdf

8. SLS [ Trung lập ]: Giá đường cao hơn, thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ hỗ trợ lợi nhuận – VCSC – 11/10/2021

  • CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) – tiền thân là Nhà máy Đường Sơn La – được thành lập vào năm 1995. Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh thành CTCP vào năm 2008 và niêm yết trên sàn HNX vào tháng 10/2012. Công ty tham gia vào lĩnh vực chế biến và kinh doanh đường & các sản phẩm từ đường (mật rỉ). Thị trường chính của SLS là Hà Nội, chiếm 75% sản lượng đầu ra của công ty.
  • SLS ghi nhận LNTT đạt 163,8 tỷ đồng (+37,3% YoY) trong năm tài chính 2021 dù doanh thu giảm đáng kể. Dù sản lượng sản xuất thấp hơn dẫn đến doanh thu và chi phí giảm, biên lợi nhuận của công ty vẫn tăng khi (1) giá đường tăng hỗ trợ doanh thu và (2) SLS đã cố gắng giảm các chi phí không cần thiết.
  • Công ty đang giao dịch với P/E trượt là 10,4 lần – chiết khấu 38% so với mức trung bình của một số công ty cùng ngành là 16,7 lần.
  • Yếu tố hỗ trợ: Thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan sẽ có lợi cho các nhà sản xuất mía đường trong nước.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9156_SLS_VCSC_2021-10-12.pdf

9. GAS [ Tích cực – 118,500đ/cp ]: Kết quả kinh doanh sơ bộ Q3 – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021

  • Theo công ty, doanh thu và LNST sơ bộ trong 9T2021 đạt 58,4 nghìn tỷ đồng (+20% so với cùng kỳ) và 6,2 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ). Riêng trong Q3, doanh thu và LNST đạt 18,1 nghìn tỷ đồng (+13,8% so với cùng kỳ) và 1,86 nghìn tỷ đồng (-10% so với cùng kỳ). Theo GAS, làn sóng Covid-19 thứ 4 trong Q3 đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu khí. Sản lượng khí khô đạt 5,56 tỷ m3 (-18% so với cùng kỳ), trong đó nhu cầu từ các nhà máy điện giảm -28% so với cùng kỳ.
  • Trong khi trong Q3, tiêu thụ tại các khu công nghiệp giảm 35-40% đối với LPG và -30% đối với CNG so với mức trước Covid. Trong 9T2021, sản lượng LPG tăng 4% so với cùng kỳ đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 70% thị phần toàn thị trường. Sản lượng giảm đã được bù đắp một phần bởi giá nhiên liệu và LPG tăng mạnh.
  • KQKD Q3 cao hơn một chút so với kì vọng của SSI (SSI ước tính lợi nhuận giảm 15-20% trong kỳ). SSI giữ nguyên ước tính cho GAS năm 2021. Theo đó, doanh thu và LNST 2021 ước tính đạt 73,7 nghìn tỷ đồng (+19,5% so với cùng kỳ) và 8,8 nghìn tỷ đồng (+8,6% so với cùng kỳ). Năm 2022, SSI ước tính tăng trưởng doanh thu và LNST đạt 23,6% và 25,2% so với cùng kỳ, do sản lượng khí phục hồi mạnh (25% so với cùng kỳ lên 9,6 tỷ m3, thấp hơn -3% so với mức trước Covid-19) nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. SSI duy trì quan điểm Khả quan đối với GAS với giá mục tiêu 1 năm là 118.500 đồng/cp và khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9163_GAS_SSI_2021-10-12.pdf

10. BSR [ MUA – 27,200đ/cp ]: Công suất phục hồi – Báo cáo ngắn – MAS – 12/10/2021

  • Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất dầu mỏ tinh chế, bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng khí với các dòng sản phẩm chủ đạo là xăng, khí hóa lỏng, dầu và hạt nhựa. BSR được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, và vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
  • 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu BSR đạt 60.805 tỷ đồng với sản lượng tiêu thụ đạt 4,13 triệu tấn: 1) đơn giá tiêu thụ trung bình tăng 21% trong 8 tháng 2021 so với đơn giá cả năm 2020 do giá dầu tăng mạnh liên tục thời gian qua; 2) tháng 7 và 8 chỉ đạt doanh thu bình quân chưa đến 6.000 tỷ/tháng do diễn biến dịch phức tạp.
  • Quý 3 sẽ là quý thấp điểm nhất của BSR và kì vọng sẽ phục hồi từ quý 4/2021. Công suất nhà máy Dung Quất đã có sự phục hồi trở lại từ mức 85% tại ngày 22/09/2021 lên mức 100% công suất vào tháng 10/2021. BSR đã duy trì hoạt động khá ổn định, tập trung các sản phẩm hóa dầu để tăng doanh thu trong giai đoạn khó khăn.
  • Năm 2021, dự báo doanh thu đạt 89.278 tỷ, tăng 54% cùng kỳ. Trong khi, lãi ròng phục hồi tích cực đạt 5.617 tỷ đồng so với mức lỗ 2.819 tỷ đồng năm 2020 nhờ các yếu tố: 1) sản lượng tiêu thụ ước đạt 7,04 triệu tấn, tăng 19% cùng kỳ do hoạt động bảo dưỡng kéo dài 2 tháng trong năm 2020; 2) đơn giá tiêu thụ tăng 29,5%YoY do sự phục hồi mạnh của giá dầu; 3) doanh thu tài chính đạt 958 tỷ đồng, tăng 43,8% cùng kỳ.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9164_BSR_MAS_2021-10-12.pdf

11. SHB [ MUA – 35,000đ/cp] Chuyển mình – Cập nhật công ty – MAS – 14/10/2021

  • Năm bùng nổ lợi nhuận Ÿ Trong 9T 2021, SHB công bố kết quả kinh doanh với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng bứt phá; trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5,055 tỷ đồng (+93.9% yoy) – hoàn thành 86% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản cũng tăng 12.5% đạt mức 464 nghìn tỷ đồng. Theo SHB, với kết quả 9T 2021, sau nhiều quý liên tục cải thiện, ROA và ROE hiện đang đạt mức lần lượt là 1.5% và 25.6% – tương đương với các Ngân hàng TMCP hàng đầu hệ thống.
  • MAS dự phóng cả năm 2021, SHB sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (~17%) do có thể có thêm một số thu nhập đột biến trong bối cảnh tăng trích lập dự phòng. Trong tháng 8 vừa qua, SHB đã thoái vốn SHB Finance (Công ty tài chính tiêu dùng) cho Krungsri – thành viên thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), với giá khoảng 3,600 tỷ cho 100% vốn điều lệ, dự kiến ghi nhận khoảng 1,500 tỷ trong năm 2021 (tương đương nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ) và thanh toán phần còn lại sau 3 năm cho 50% còn lại.
  • Vùng định giá tương đối hợp lý – động lực từ câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược. Gần đây, SHB đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để chuẩn bị cho công tác chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài và NĐT chiến lược. Theo thông lệ thị trường các năm gần đây, mức giá phát hành sẽ rơi vào khoảng 2.5 – 3 lần giá trị sổ sách đối với các ngân hàng có ROE > 30%. MAS kì vọng ROE của SHB 2021 đạt 21.6% (17.0% và 14.9% cho 2 năm 2022 và 2023 – không tính phần vốn mới) và do đó mức giá phát hành sẽ không thấp hơn 2.3 lần giá trị sổ sách.
  • MAS khuyến nghị tăng tỉ trọng cổ phiếu SHB với giá mục tiêu 35,000 đồng/ cổ phiếu (+16.67%), được xác định dựa trên phương pháp so sánh theo chỉ số PB. MAS dự phóng dựa trên phần vốn hiện tại của SHB, chưa tính phần tăng vốn do chia cổ tức bằng cổ phiếu đợt 2 (10.5%) và phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (28%).

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9170_SHB_MAS_2021-10-14.pdf

12. DTD [ Tích cực – 44,900đ/cp ]: Quỹ đất lớn nhiều tiềm năng; định giá còn hấp dẫn – Báo cáo lần đầu – VCSC – 11/10/2021

  • Công ty được thành lập vào năm 2001 với ngành nghề ban đầu là xây dựng dân dụng, san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Năm 2006, Thành Đạt chuyển đổi sang hình thức cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ và niêm yết trên HNX vào 2017. Đến hiện tại, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 307 tỷ.
  • Từ năm 2019, DTD mua thêm phần vốn ở công ty Đồng Văn III để tăng sở hữu từ dưới 51% lên 65%, chủ đầu tư KCN Đồng Văn 3, qua đấu giá vốn góp của tỉnh Hà Nam. Bên cạnh khu công nghiệp, công ty còn nhiều hướng phát triển như khu đô thị, dự án BOT, và đảm nhận công trình xây lắp ở tỉnh….
  • Căn cứ trên tiến độ hai dự án KCN Đồng Văn 3 – GD2 và KDT Thành Đạt, BVSC cho rằng lợi nhuận 2021-2024 sẽ được đảm bảo, và có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thuộc về DTD từ 2021-2024 là 921 tỷ. Quy mô lợi nhuận từ hai dự án theo ước tính gấp 8 lần so với kết quả 2020 (LNST – MI là 115 tỷ). Với thời gian ghi nhận giả định 2021-2024, nguồn lợi nhuận này mang đến kết quả tăng trưởng cao cho DTD. Ngoài ra, trong trường hợp tiến độ dự án kéo dài hơn ước tính, DTD vẫn có nguồn thu khác bù đắp như: dự án nhà ở dịch vụ công nhân 3,4ha; dự án Văn Xá-Chợ Lương, dự án mới phát triển khác.
  • Kết quả kinh doanh 2021 tăng trưởng 18% yoy. Với nền lợi nhuận tăng trưởng cao trong 2020 & tình hình dịch Covid-19 trong quý 3, BVSC nghĩ rằng kết quả kinh doanh năm 2021 sẽ chậm lại đôi chút. Đây là điều cần thiết vì công ty muốn tập trung đầu tư hạ tầng chỉnh chu cho quỹ đất ở KCN Đồng Văn 3-GD2 nhằm giúp giá chào thuê tốt hơn.
  • Từ những đánh giá trên, BVSC cho rằng DTD là cơ hội hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư 6 tháng. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của DTD trong 2021/2022/2023 là khá bền vững với 2 dự án là KCN Đồng Văn 3 – GD2 và KDT Thành Đạt.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9168_DTD_BVSC_2021-10-14.pdf

13. Ngành ICT [ Trung lập ]: Quý III/2021 duy trì KQKD vững vàng, quý IV/2021 tiếp tục tăng trưởng khả quan – Báo cáo cập nhật – BVSC – 12/10/2021

  • Gần đây, DGW và PET đã công bố KQKD sơ bộ Quý 3/2021, cho thấy đây là những công ty hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm ICT trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
  • Doanh thu Quý 3/2021 không tránh khỏi bị tác động bởi các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt, thách thức các hoạt động logistics, BVSC dự báo doanh thu sẽ khởi sắc vào Quý 4/ 2021, do việc nới lỏng giãn cách.
  • Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong Quý 3/2021 chủ yếu được hỗ trợ bởi việc tiếp tục mở rộng BLN, sát với kỳ vọng của BVSC. Cụ thể, BLN ròng của DGW và PET tiếp tục tăng đáng kể lên mức cao nhất trong nhiều năm lần lượt là 2,6% và 2,1%.
  • BVSC cho rằng BLN mở rộng được hỗ trợ bởi cả nhu cầu tăng vọt, điều này cho phép các nhà phân phối không chỉ giảm chiết khấu và chi phí khuyến mãi mà còn tối ưu hóa chi phí tài chính (nhờ quản lý vốn lưu động tốt hơn trong môi trường tiêu thụ nhanh). BVSC cho rằng dòng tiền hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán mạnh mẽ từ cả DGW và PET sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9169_none_BVSC_2021-10-14.pdf

14. HDB [ Tích cực – 32,000đ/cp ]: Kết quả kinh doanh sơ bộ Q3/2021 và kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi – Cập nhật công ty – SSI – 12/10/2021

  • HDB công bố KQKD sơ bộ Q3/2021 với LNTT đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng (+28% so với cùng kỳ), tốt hơn so với ước tính của SSI (1,7 nghìn tỷ đồng) nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động OPEX và chi phí tín dụng. SSI duy trì ước tính LNTT 2021 và 2022 là 7,8 nghìn tỷ đồng (+33% so với cùng kỳ) và 9,4 nghìn tỷ đồng (+21% so với cùng kỳ).
  • Ngân hàng cũng công bố kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Thông tin chi tiết (giá chuyển đổi, lãi suất coupon,…) vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, SSI cho rằng thông tin này có thể phần nào tạo ra tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong ngắn hạn. Trong năm 2020, HDB cũng đã phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi với mức giá chuyển đổi cao hơn khoảng 30% so với giá thị trường tại thời điểm công bố thông tin.
  • Khuyến nghị hiện tại của SSI đối với HDB là KHẢ QUAN, với giá mục tiêu 1 năm là 32.000 đồng/cp.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9172_HDB_SSI_2021-10-14.pdf

15. Ngành điện [ Trung lập ] Sản lượng của nhóm thuỷ điện miền Nam tăng trưởng mạnh mẽ – Khuyến nghị SJD, TMP – SSI – 15/10/2021

  • Trong bối cảnh giá than và giá khí tăng mạnh, các công ty thủy điện sẽ có lợi thế do giá huy động thấp hơn hẳn điện than và điện khí. Tuy nhiên, sản lượng của thủy điện không ổn định và phụ thuộc vào tình hình thủy văn ở từng khu vực. SJD và TMP là hai trong những công ty thủy điện ở khu vực phía Nam có điều kiện thủy văn thuận lợi, vì vậy có thể tăng mạnh sản lượng trong nửa cuối 2021 và có triển vọng lợi nhuận tích cực.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9174_none_SSI_2021-10-15.pdf

16. PVT [ MUA – 29,800đ/cp ]: Đẩy mạnh khai thác quốc tế – Báo cáo ngắn – MAS – 15/10/2021

  • Doanh nghiệp giữ vị thế vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam: 100% thị phần vận chuyển dầu thô, khoảng 30% thị phần dầu sản phẩm và 100% thị phần LPG thị trường nội địa. PVTrans sở hữu đội tàu hiện đại gồm 35 chiếc, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời với tổng trọng tải hơn 1 triệu tấn DWT.
  • 9 tháng đầu năm 2021, ban lãnh đạo PVT tạm ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 5.430 tỷ và 651 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 2% và 15% so với cùng kỳ: 1) hoạt động quý 3 bị ảnh hưởng chậm lại so với quý 2 nhưng vẫn duy trì khá ổn định; 2) giá cước vận tải duy trì khả quan; 3) các tàu vừa đầu tư đóng góp doanh thu mới.
  • Chiến lược PVT đang đi theo hướng trẻ hóa đội tàu và phát triển ra thị trường quốc tế. 80% đội tàu PVT đang hoạt động tại thị trường quốc tế. Trong tương lai, PVT có định hướng nâng dần đội tàu vận tải lên gần 50 tàu. Ngày 17/09/2021, PVT tiếp nhận tàu Shamrock Năm 2021, doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 7.766 tỷ và 803 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 20% so với cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,1% lên mức 17,9% nhờ giá cước vận tải khả quan; 2) mảng dịch vụ vận tải kỳ vọng đạt 5.203 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,8% nhờ sự phục hồi nhu cầu vận tải biển trên thế giới, cũng như đóng góp mới từ 3 tàu vừa đầu tư; 3) chi phí tài chính giảm 23%YoY, dừng ở 133 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay giảm 19%YoY.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/baocaophantich/9176_PVT_MAS_2021-10-15.pdf

Quý nhà đầu tư lưu ý:

– Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các cty chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

 

———-Team LTBNM tổng hợp ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN