TỔNG HỢP BÁO CÁO PHÂN TÍCH TỪ CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TỪ 27/02 – 03/03/2023

Lượt xem: 1462 | Ngày đăng: 09/03/2023 | Báo cáo từ CTCK Blog

       Kính gửi các anh chị đầu tư!

      Team buôn nước mắm Cập nhật các báo cáo từ ngày 27/02 – 03/03/2023

  1. VNM [ Tích cực – 80.500đ/cp ]: Chi phí đầu vào thấp dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận – VCSC..
  2. NT2 [ Nắm giữ – 31.200đ/cp ]: Dòng tiền hoạt động kinh doanh ổn định và cổ tức hấp dẫn – KBSV..
  3. HAH [ Nắm giữ – 39.700đ/cp ] Đẩy mạnh mở rộng các tuyến vận tải quốc tế – KBSV..
  4. FRT [ Tích cực – 85,900đ/cp] Chuỗi nhà thuốc tiếp tục là động lực dẫn dắt lợi nhuận chính; EPS dự báo giảm trong năm 2023 – VCSC..
  5. DGW [ MUA – 52.000đ/cp ]: Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đi ngang trong năm 2023 – VCSC..
  6. CTR [ MUA – 81,100đ/cp]: Mảng viễn thông dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023 – VCSC..
  7. VNM [ Nắm giữ – 81,200đ/cp ]: Kỳ vọng hồi phục năm 2023 – KBSV..
  8. C4G [ Tích cực – 16.200đ/cp]: Khẳng định năng lực trong đầu tư công lượng – MAS.
  9. BAF [ Tích cực – 27.200đ/cp] Tiếp tục mở rộng mô hình 3F – VNDS.
  10. VRE [ MUA – 40.000đ/cp ]: Đà phục hồi cho thuê bán lẻ sẽ tiếp tục trong năm 2023 – VCSC..
  11. VIC [ MUA – 94.900đ/cp ]: Các mảng kinh doanh cốt lõi tiếp tục hồi phục sẽ bù đắp cho khoản lỗ của VinFast – VCSC..
  12. REE [ Tích cực – 80.500đ/cp ]: Đối mặt với các thách thức ngắn hạn nhưng kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2024 – VCSC..
  13. HDG [ MUA – 38.800đ/cp ]: Lợi nhuận dự kiến giảm trong năm 2023, nhưng định giá hấp dẫn – VCSC..
  14. PVI [ MUA – 58.200đ/cp ]: Vươn tầm quốc tế – BVSC..
  15. VCBS [ MUA – 45.780đ/cp ]: Sản lượng phục hồi, lợi nhuận cải thiện tích cực – VCBS.
  16. NLG [ Trung lập – 29.200đ/cp ]: Doanh số bán hàng Q4 tiếp tục sụt giảm – SSI
  17. KDH [ Trung lập – 30,500đ/cp]: Nền tảng vững chắc trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức – SSI
  18. DGC [ MUA – 65.000đ/cp ]: Nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn kỳ vọng hồi phục sau khi Trung Quốc mở cửa – MAS.
  19. ACV [ Trung lập – 89.848đ/cp ]: Phục hồi đường bay quốc tế với Trung quốc còn gặp nhiều khó khăn – VCBS.
  20. VPB [ MUA – 23.000đ/cp ]: Rủi ro tiềm ẩn trong năm 2023 – MAS
  21. REE [ MUA – 84.000đ/cp ]: Báo cáo cập nhật – MBS.
  22. HSG [ MUA – 18.500đ/cp ]: Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cải thiện trong quý 2 – BSC..
  23. Ngành Bất động sản nhà ở [ Trung lập ]: Kỳ vọng những quyết sách quyết liệt hơn – VNDS.
  24. Ngành ngân hàng [ Trung lập ]: Hệ quả của chu kỳ tiền rẻ và bùng nổ bất động sản – MAS.
  25. Ngành nông nghiệp [ Trung lập ]: Phục hồi mạnh mẽ – KIS.
  26. Ngành cá tra [ Trung lập ]: Cập nhật ngành – VCBS.
  27. Báo cáo vĩ mô [ Trung lập]– BVSC..

 Quý nhà đầu tư lưu ý:

Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các công tư chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

1.    VNM [ Tích cực – 80.500đ/cp ]: Chi phí đầu vào thấp dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận – VCSC

  • VCSC điều chỉnh giảm 9% giá mục tiêu nhưng duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM).
  • Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu do VCSC điều chỉnh giảm 8% dự báo tổng lợi nhuận từ HĐKD (EBIT) giai đoạn 2023-2027 do VNM ghi nhận doanh số bán hàng trong nước và biên lợi nhuận gộp cải thiện thấp hơn dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2022.
  • VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu trong nước đạt 5% trong giai đoạn 2022-2025 so với mức giảm 2% YoY trong năm 2022. Ngoài ra, VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện 200/90/100 điểm cơ bản trong các năm 2023/2024/2025, hỗ trợ dự báo CAGR EPS của VCSC là 13% trong giai đoạn 2022-2025.
  • Giá mục tiêu điều chỉnh của VCSC tương ứng P/E dự phóng 2023/2024 của VNM lần lượt là 19,0 lần/17,2 lần, thấp hơn P/E trượt trung bình 5 năm là 23 lần.
  • Rủi ro/yếu tố hỗ trợ: Tiêu thụ sữa thấp hơn/cao hơn dự kiến; biên lợi nhuận gộp cải thiện thấp hơn/cao hơn dự kiến; triển khai sản phẩm mới kém tích cực hơn/tốt hơn dự kiến.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677578966399_VNM_VCSC_2023-02-27.pdf

2.    NT2 [ Nắm giữ – 31.200đ/cp ]: Dòng tiền hoạt động kinh doanh ổn định và cổ tức hấp dẫn – KBSV

  • Doanh thu thuần 2022 của NT2 đạt 8,786 tỷ VND (+42.9% Yoy) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 729 tỷ VND, tương đương 156% kế hoạch năm. Luỹ kế 12 tháng 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt 4,065 triệu kWh (+27.2% yoy). Sản lượng Qc cả năm đạt 3473.23 triệu kWh, chiếm khoảng 85% sản lượng điện thương phẩm của NT2. Kết quả tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu điện phục hồi tại khu vực miền Nam.
  • Trong năm 2023 với dự báo tinh hình thời tiết sẽ không còn thuận lợi cho thuỷ điện sẽ mở ra dư địa huy động cho nhiệt điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện khí có phát thải thấp hơn so với điện than. Với lợi thế vị trí, KBSV cho rằng NT2 sẽ được ưu tiên huy động trong thời gian tới. Tuy nhiên, NT2 có kế hoạch đại tu tại mức 100,000 giờ và phải tạm ngưng nhà máy trong khoảng hơn 40 ngày nhưng với nhu cầu cao, sản lượng năm 2023 của NT2 vẫn sẽ đạt 3,859 triệu kWh (-5.1% YoY).
  • Với dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào và việc hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn trong năm 2021, NT2 đang sở hữu một vị thế KQKD không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi biến động từ chênh lệch tỷ giá cũng như lãi suất như các doanh nghiệp điện khác. KBSV kỳ vọng NT2 tiếp tục duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho năm 2023. Công ty mẹ của NT2 là PV Power đang thực hiện cụm dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng mức đầu tư trên 30,000 tỷ VNĐ trong giai đoạn 2022-2024 là một điểm tựa vững chắc cho việc NT2 sẽ gia tăng tỷ lệ trả cổ tức của mình.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677495312165_NT2_KBSV_2023-02-27.pdf

3.    HAH [ Nắm giữ – 39.700đ/cp ] Đẩy mạnh mở rộng các tuyến vận tải quốc tế – KBSV

  • Doanh thu 4Q2022 đạt 845 tỷ VND, tăng 26% YoY. Biên lợi nhuận quý 4 năm nay giảm xuống còn 32%. LNST 4Q2022 tăng đạt 189.5 tỷ VND, giảm 30% YoY. Doanh thu và LNST của HAH cả năm 2022 đạt 3,205 tỷ VND và 1,051 tỷ VND, lần lượt vượt 34% và 91% doanh thu và lợi nhuận kế hoạch 2022. Sang 2023, HAH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm 18% và 64% so với thực hiện 2022, đạt 2,631 tỷ VND và 300 tỷ VND.
  • Hiện nay Hải An sở hữu 10 tàu với tổng sức chở hơn 14,000 Teu, chiếm 34% tổng sức chở của đội tàu container cả nước. Ngoài ra, HAH cũng đang đặt đóng mới 2 tàu cỡ 1700-1800 Teu, dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu 2024.
  • Trong nửa đầu năm 2022, HAH mở thêm 2 tuyến chạy thẳng tới Trung Quốc: Haiphong – Hongkong – Nansha – Haiphong và Haiphong – Qinzhou. Hiện tại HAH phân bổ tàu chạy tuyến quốc tế với tần suất 3 – 4 chuyến/ tuần. Bên cạnh đó, HAH đã thông qua kế hoạch lập công ty liên doanh Zim – Hải An vốn điều lệ 2 triệu USD hợp tác với hãng tàu Zim, dự kiến sẽ bắt đầu kế hoạch khai thác từ 1Q2023.
  • Giá cước giao ngay vẫn đang tiếp tục đà giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực lên doanh thu hoạt động tàu tự vận hành của HAH. 3 tàu hiện đang cho thuê của HAH sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 3, tháng 9 và tháng 11 năm 2023. HAH sẽ không thể đạt được mức giá cao như trước đây cho các hợp đồng thuê mới, khi mà hiện nay giá cho thuê tàu 1,700 Teu đã giảm xuống mức 14,000 USD/ngày (giảm 65% so với mức 40,000 USD/ngày mà HAIAN Bien đã kí được vào T4/2022).

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677495199169_HAH_KBSV_2023-02-27.pdf

4.    FRT [ Tích cực – 85,900đ/cp] Chuỗi nhà thuốc tiếp tục là động lực dẫn dắt lợi nhuận chính; EPS dự báo giảm trong năm 2023 – VCSC

  • VCSC nâng giá mục tiêu thêm 6% và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT).
  • Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu do VCSC điều chỉnh tăng định giá vốn chủ sở hữu của chuỗi nhà thuốc Long Châu (LC) thêm 8% do VCSC nâng dự báo tổng lợi nhuận từ HĐKD (EBIT) giai đoạn 2028-2032 thêm 15%, bị ảnh hưởng một phần bởi (1) dự phóng của VCSC về chi phí vốn và vốn lưu động cao hơn trong giai đoạn 2023-2032 và (2) nợ ròng của LC cao hơn tính đến cuối năm 2022.
  • LC là chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn nhất Việt Nam về quy mô và có biên EBIT cao nhất (1,5% trong năm 2022). VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp LC sẽ tăng thêm 100-150 điểm cơ bản/năm với việc mở mới 400 cửa hàng trong năm 2023 và mở thêm 200-300 cửa hàng/năm trong 4 năm tới. VCSC nâng dự phóng biên lợi nhuận gộp/ròng năm 2029 thêm 6 điểm%/4 điểm cơ bản, lần lượt đạt 30,6%/4,0%, nhìn chung phù hợp với biên lợi nhuận gộp/ròng của trung vị trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực Châu Á là 30,8%/4,2%. VCSC dự báo LC sẽ đóng góp khoảng 45% vào dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2025 so với 12% trong năm 2022.
  • Trong ngắn hạn, VCSC duy trì quan điểm cho rằng sức tiêu thụ thấp sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của FPT Shop (nguồn đóng góp lợi nhuận ròng chính hiện tại của FRT), cùng với tỷ lệ đòn bẩy cao trong bối cảnh lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của FRT trong năm 2023.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677578743677_FRT_VCSC_2023-02-27.pdf

 

5.    DGW [ MUA – 52.000đ/cp ]: Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đi ngang trong năm 2023 – VCSC

  • VCSC điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu nhưng duy trì khuyến nghị MUA cho CTCP Thế Giới Số (DGW). Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 10% kể từ ngày 01/12/2022.
  • VCSC cho rằng DGW có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2023 là 9,6 lần, thấp hơn 16% so với P/E trượt trung bình 3 năm của trung vị một số công ty cùng ngành là 11,4 lần. Ngoài ra, VCSC dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lợi nhuận giai đoạn 2022-2027 của DGW là 12%.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu do VCSC điều chỉnh giảm 1%/6%/7% dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt cho các năm 2025/26/27 khi VCSC có quan điểm thận trọng hơn đối với đà tăng trưởng doanh số bán hàng trong trung hạn của mảng ĐTDĐ Xiaomi và laptop. Ảnh hưởng kém tích cực này được bù đắp một phần nhờ VCSC tăng 10%/7% dự báo lợi nhuận trong các năm 2023/2024, chủ yếu do VCSC nâng giả định tăng trưởng doanh số bán hàng đối với mảng thiết bị văn phòng (OE) và hàng tiêu dùng.
  • Yếu tố hỗ trợ: Tăng trưởng mảng ĐTDĐ và laptop trong trung hạn mạnh hơn; M&A gia tăng giá trị giúp mở rộng danh mục sản phẩm của DGW; đạt được ít nhất 10% thị phần cho các thương hiệu thiết bị gia dụng mới.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677578655357_DGW_VCSC_2023-02-27.pdf

6.    CTR [ MUA – 81,100đ/cp]: Mảng viễn thông dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023 – VCSC

  • VCSC giảm giá mục tiêu cho CTR thêm 3% nhưng vẫn giữ khuyến nghị MUA. VCSC dự báo EBITDA của CTR sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 17,8% trong giai đoạn 2023-2027, dẫn dắt bởi mảng towerco. Trong triển vọng tích cực, EV/EBITDA năm 2023 với giá mục tiêu của VCSC là 9,9 lần, vẫn khá hấp dẫn do mức chiết khấu 10% và 57% so với trung vị EV/EBITDA trượt trung bình 5 năm giai đoạn 2018-2022 của một số công ty cùng ngành tại thị trường Châu Á mới nổi và tại thị trường phát triển lần lượt là 11,0 lần và 22,8 lần.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu là do mức giảm 8% trong dự báo EBITDA giai đoạn 2023-2027 của VCSC cho mảng towerco của CTR, được bù đắp một phần bởi mức giảm 0,5 điểm phần trăm trong giả định WACC của VCSC.
  • Trong năm 2023, VCSC dự báo CTR ghi nhận doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (+11% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 476 tỷ đồng (+7% YoY). VCSC kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cao hơn sẽ được dẫn dắt bởi các mảng liên quan đến viễn thông (cụ thể, towerco và vận hành) nhưng bị ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng thấp của mảng xây dựng.
  • Rủi ro đối với quan điểm tích cực của VCSC: Tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chững lại; Viettel ưu tiên sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài CTR; không sẵn sàng chia sẻ trạm viễn thông giữa các công ty viễn thông; hoạt động xây dựng thấp hơn dự kiến do triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677579104131_CTR_VCSC_2023-02-27.pdf

7.    VNM [ Nắm giữ – 81,200đ/cp ]: Kỳ vọng hồi phục năm 2023 – KBSV

  • Luỹ kế cả năm 2022, VNM hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận, tương ứng với 59,956 tỷ đồng DTT và 8,577 tỷ đồng LNST. Với kết quả trên công ty cũng hoàn thành lần lượt 96.3% và 90.2% dự phóng năm 2022 của KBSV.
  • KBSV dự đoán thị trường nội địa của VNM sẽ tiếp tục đi ngang do (1) mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, VNM khó để tăng thêm thị phần; (2) nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn chưa cao; (3) trong ngắn hạn sức mua của người tiêu dùng chưa thể hồi phục ngay khi thu nhập bị ảnh hưởng sau làn sóng cắt giảm nhân sự trong quý 4 vừa qua.
  • Do phải sử dụng tồn kho sữa bột giá cao nên BLNG năm 2022 chưa đạt kỳ vọng. KBSV kỳ vọng BLNG của VNM sẽ được cải thiện từ quý 2/2023 hoặc quý 3/2023 khi công ty bắt đầu sử dụng sữa bột giá thấp cho sản xuất. Dự kiến BLNG của VNM năm 2023 đạt 40.84% (tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2022).
  • Mặc dù chỉ hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận, VNM dự kiến vẫn duy trì trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 38% tính trên mệnh giá và 90% tính trên lợi nhuận phân phối cho cổ đông Công ty mẹ.
  • Dự kiến năm 2023, DTT của VNM đạt 62,096 tỷ đồng (+3.5% YoY) và LNST đạt 9,368 tỷ đồng (+9.2% YoY). Khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 81,200 VNĐ/cp, cao hơn 8% so với giá đóng cửa ngày 27/02/2022.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677580340378_VNM_KBSV_2023-02-28.pdf

8.    C4G [ Tích cực – 16.200đ/cp]: Khẳng định năng lực trong đầu tư công lượng – MAS

  • Doanh thu (DT) Q4/22 tăng 79,5% svck lên 928,8 tỷ đồng, do doanh thu mảng Xây dựng của C4G tăng 58,2% svck. Tuy nhiên, biên LN gộp giảm mạnh 8,9 điểm % svck do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh đầu năm 2022 dẫn đến biên LN gộp của mảng Xây dựng giảm 6,9 điểm % svck. Kết quả, LN ròng Q4/22 tăng gấp 5,9 lần svck lên 58,3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, LN ròng của C4G tăng 173,2% svck lên 168,1 tỷ đồng, hoàn thành 101,2% dự phóng của VNDS.
  • Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công năm 2023, thể hiện ở việc: (1) Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm nay với tổng vốn gần 711.700 tỷ đồng, tăng khoảng 22,3% so với kế hoạch 2022; (2) 12/25 gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã khởi công; (3) 13 gói thầu còn lại đã lựa chọn xong nhà thầu vào ngày 10/01/2023 và 2/13 gói thầu đã bắt đầu xây dựng. VNDS kỳ vọng đầu tư công sẽ tạo cú hích lớn cho KQKD năm 2023 của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong đó có C4G.
  • VNDS kỳ vọng C4G tiếp tục ghi nhận LN ròng khoảng 180-190 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2024, nhờ: (1) khối lượng backlog của mảng xây dựng cuối năm 2022 còn đến 4.200 tỷ đồng chủ yếu đến từ các dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, BùngVạn Ninh; (2) với vị thế đầu ngành, C4G kỳ vọng trúng thầu các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 3 năm 2023 để duy trình tăng trưởng 2024.
  • Giá mục tiêu 16.200 đồng/cp của VNDS dựa trên phương pháp định giá tổng giá trị thành phần với 3 mảng kinh doanh chính là xây lắp, thu phí BOT và bất động sản. Sức khỏe tài chính lành mạnh của C4G, khi tỷ lệ đòn bẩy (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) đã giảm mạnh từ 2,9 lần cuối năm 2021 xuống còn 1,3 lần vào cuối năm 2022, giúp công ty có hồ sơ tài chính tốt hơn cho việc đấu thầu thành công nhiều dự án sẽ là động lực tăng giá. Tiến độ xây dựng gặp khó khăn và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng ngoài dự phóng sẽ là rủi ro giảm giá.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677579550702_C4G_VNDS_2023-02-28.pdf

9.    BAF [ Tích cực – 27.200đ/cp] Tiếp tục mở rộng mô hình 3F – VNDS

  • BAF ghi nhận DT năm 2022 giảm 32,5% svck, trong đó DT mảng 3F tăng 72,5% svck đã bù đắp phần nào cho mức sụt giảm 40,7% svck trong mảng kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, DT mảng 3F vẫn thấp hơn dự phóng của VNDS do 1) DT từ kênh truyền thống (chiếm 55% DT mảng 3F) thấp hơn 22,5% so với ước tính của VNDS do nhu cầu tiêu thụ thịt yếu và giá bán thấp, và 2) BAF giảm giá ở kênh phân phối hiện đại để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, biên LN gộp mảng 3F tăng 2,2 điểm % svck trong năm 2022 trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 360,0% svck do mở rộng trang trại và hệ thống phân phối. Do đó, LN ròng của BAF giảm 9,2% svck trong năm 2022, thấp hơn 15% so với kỳ vọng của VNDS.
  • Trong 2023, doanh nghiệp dự kiến xây dựng thêm 3 trang trại mới tại Bình Phước và Nghệ An (với tổng công suất 11.250 lợn giống và 120.000 lợn thịt), tăng tổng đàn lên 65,5% svck. BAF cũng dự kiến mở rộng hệ thống phân phối, nâng số lượng siêu thị Siba Food và Meat shop lên 72/600 cửa hàng (+20%/100% svck) vào 2023. VNDS kỳ vọng sản lượng bán của BAF sẽ tăng 26,0%/13,0% svck trong giai đoạn 2023-24. Giá bán dự kiến sẽ tăng 1,0%/1,0% svck trong 2023-24 do VNDS nhận thấy BAF vẫn đang trong giai đoạn mở rộng thị trường, vì vậy công ty sẽ duy trì chính sách giá ưu đãi để thu hút khách hàng. Tóm lại, VNDS dự phóng DT mảng 3F sẽ tăng 34,1%/19,9% svck trong giai đoạn 2023-24.
  • Trong năm 2023, giá lợn hơi dự phóng tăng 5,0% svck nhờ 1) nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và 2) nguồn cung từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. VNDS cho rằng giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần từ năm 2023. Do đó, VNDS kỳ vọng biên LN gộp mảng 3F tăng 3,3/0,6 điểm % svck trong 2023-24. Do đó, LN ròng của BAF dự kiến sẽ tăng 4,6%/8,2% svck trong giai đoạn 2023-24.
  • VNDS duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 27.200 đ/cp. Giá mục tiêu của VNDS được tính dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp chiết khấu dòng tiền và hệ số EV/EBITDA với tỷ trọng ngang nhau. Động lực tăng giá bao gồm 1) nhu cầu tiêu thụ thịt cao hơn dự kiến và 2) giá lợn hơi cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm 1) tiêu thụ thịt thấp hơn dự kiến, 2) việc mở rộng các cửa hàng Siba Food chậm hơn dự kiến và 3) giá đầu vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn dự kiến.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677579416420_BAF_VNDS_2023-02-28.pdf

10.  VRE [ MUA – 40.000đ/cp ]: Đà phục hồi cho thuê bán lẻ sẽ tiếp tục trong năm 2023 – VCSC

  • VCSC duy trì khuyến nghị MUA đối với CTCP Vincom Retail (VRE) với giá mục tiêu là 40.000 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu cao hơn 7% so với Báo cáo cập nhật gần nhất của VCSC chủ yếu là do biên LN gộp cao hơn trong năm 2023 của VCSC đối với mảng cho thuê bán lẻ, ghi nhận doanh thu và biên LN gộp cao hơn cho mảng bán bất động sản trong năm 2023 và dự phóng cao hơn của VCSC đối với các trung tâm thương mại mới sẽ ra mắt vào giai đoạn các năm 2024- 2027.
  • VCSC nâng 17% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (+39% YoY) chủ yếu nhờ đóng góp cao hơn từ mảng bất động sản. Mức dự phóng tăng trưởng mạnh YoY của LNST sau lợi ích CĐTS 2023 được thúc đẩy bởi (1) đà phục hồi của các doanh nghiệp thuê, (2) không còn gói hỗ trợ dịch COVID-19, (3) đóng góp cả năm từ các trung tâm thương mại mới mở trong nửa đầu năm 2022 – bao gồm VMM Smart City – và (4) doanh số bán bất động sản đạt kết quả cao hơn YoY.
  • Định giá của VRE là hấp dẫn với P/E 2023 là 16,9 lần (dựa theo dự báo của VCSC) so với P/E 2023 chung của các công ty cùng ngành trong khu vực là 25,5 lần, ngoài tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS 2022-2027 dự kiến của VCSC là 22% cho VRE, nhờ kỳ vọng của VCSC về những đóng góp bổ sung từ các trung tâm thương mại mới và cải thiện biên LN gộp nói chung.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677753996089_VRE_VCSC_2023-03-01.pdf

11.  VIC [ MUA  – 94.900đ/cp ]: Các mảng kinh doanh cốt lõi tiếp tục hồi phục sẽ bù đắp cho khoản lỗ của VinFast – VCSC

  • VCSC duy trì khuyến nghị MUA đối với Tập đoàn Vingroup (VIC) và tăng giá mục tiêu thêm 6,2% lên 94.900 đồng/cổ phiếu, chủ yếu nhờ định giá cao hơn lần lượt 18% và 7% đối với mảng Công nghiệp và Cho thuê bán lẻ, cũng như số dư nợ ròng thấp hơn vào cuối năm 2022. VCSC duy trì quan điểm tích cực về việc Vingroup sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ tầng lớp thu nhập trung bình cao vốn đang gia tăng tại Việt Nam thông qua các công ty BĐS như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và Vinpearl.
  • VCSC dự báo LN từ HĐKD (EBIT) năm 2023 của VIC sẽ đạt 10,2 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ EBIT là 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2022 vì VCSC kỳ vọng ghi nhận doanh thu bán bất động sản mạnh và sự phục hồi của mảng Cho thuê bán lẻ sẽ bù đắp cho khoản lỗ EBIT cho mảng Công nghiệp và Khách sạn – nghỉ dưỡng. EBIT dự phóng 2023 và 2024 của VCSC thấp hơn 15% và 4% so với các dự báo tương ứng trước đó do VCSC dự báo khoản lỗ EBIT cao hơn cho cả 2 mảng này.
  • Giá trị định giá tổng của từng phần sử dụng thị giá hiện tại của VIC, VHM và VRE cho thấy các tài sản còn lại của VIC là VinFast, Vinpearl, Vinmec và VinSchool có trị giá khoảng 1,5 tỷ USD so với định giá của VCSC đối với các tài sản này là 2,6 tỷ USD. VCSC cho rằng yếu tố hỗ trợ của VHM và VRE dựa trên định giá của VCSC đối với 2 cổ phiếu này cũng khiến giá cổ phiếu VIC hiện tại trở nên hấp dẫn.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677753405162_VIC_VCSC_2023-03-01.pdf

12.  REE [ Tích cực – 80.500đ/cp ]: Đối mặt với các thách thức ngắn hạn nhưng kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2024  – VCSC

  • VCSC giảm giá mục tiêu cho REE 6% xuống 80.500 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN. VCSC duy trì quan điểm lạc quan về tiềm năng mở rộng công suất của REE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đầy triển vọng của Việt Nam thông qua điện mặt trời áp mái và điện gió trong dài hạn vì công ty có năng lực tài chính mạnh nhất trong danh mục cổ phiếu năng lượng tái tạo mà VCSC theo dõi.
  • Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC đến từ việc VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2026 khoảng 6% tương ứng với giả định lợi nhuận thấp hơn đối với mảng năng lượng mặt trời áp mái và M&E.
  • VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (-15% YoY) chủ yếu do lợi nhuận từ mảng thủy điện giảm 42% YoY, lấn át lợi nhuận từ mảng điện gió tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ lên 352 tỷ đồng với 100 MW công suất điện gió mới và LNST của mảng M&E tăng 26% YoY.
  • VCSC dự báo CAGR EPS đạt 17% trong giai đoạn 2023-2027, được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ khoảng 500 MW công suất điện gió, khoảng 500 MWp công suất điện mặt trời áp mái và tòa nhà Etown 6 đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2023.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677754208236_REE_VCSC_2023-03-01.pdf

13.  HDG [ MUA – 38.800đ/cp ]: Lợi nhuận dự kiến giảm trong năm 2023, nhưng định giá hấp dẫn – VCSC

  • VCSC giảm giá mục tiêu cho HDG 14% nhưng giữ nguyên khuyến nghị MUA. Giá mục tiêu thấp hơn đến từ việc VCSC điều chỉnh giảm định giá mảng bất động sản thêm 30% do VCSC trì hoãn việc mở bán các dự án bất động sản của HDG từ 6 tháng đến 1 năm và định giá thấp hơn cho dự án Charm Villas. Điều này tương ứng mảng bất động sản chỉ đóng góp 30% vào định giá của HDG.
  • VCSC giảm dự báo LNST giai đoạn 2023-2026 thêm 12% khi kéo dài thời gian bàn giao Charm Villas Giai đoạn 3 trong 3 năm (2023-2025) do niềm tin của người mua nhà hiện đang yếu. VCSC cũng trì hoãn mở bán/bàn giao 2 dự án bất động sản phân khúc tầm trung tại TP.HCM và 2 dự án bất động sản tại Hà Nội do thủ tục pháp lý chưa có cải thiện đáng kể.
  • VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ giảm 24% YoY với tỷ lệ đóng góp LNST từ mảng năng lượng thấp hơn (-11% YoY), lấn áp LNST cao hơn từ Charm Villas (+13% YoY) và LNST cao hơn từ mảng khách sạn & văn phòng cho thuê.
  • VCSC nhận thấy mức định giá của HDG hấp dẫn với P/E trượt là 6,7 lần — thấp hơn 30% so với một số công ty ngành điện và bất động sản; P/E dự phóng năm 2023 của HDG cũng thấp hơn khoảng 20% so với PC1 (công ty cùng ngành tương tự nhất với HDG). VCSC dự báo ROE trung bình là 20% và CAGR EPS là 24% trong giai đoạn 2022-2025. HDG có kế hoạch mở rộng công suất điện gió rõ ràng nhất trong phạm vi theo dõi của VCSC với công suất 540 MW, tên/địa điểm các dự án cụ thể ở miền Trung và được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện VII điều chỉnh.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677666498865_HDG_VCSC_2023-03-01.pdf

14.  PVI [ MUA – 58.200đ/cp ]: Vươn tầm quốc tế – BVSC

  • Trở thành doanh nghiệp nội địa đầu tiên được nâng xếp hạng năng lực tài chính lên A-. Với sự công nhận của quốc tế về uy tín và thương hiệu, PVI sẽ có lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp trong ngành để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh do: (1) gia tăng doanh thu nhờ thâm nhập vào thị trường quốc tế, mở rộng tập khách hàng; (2) giảm chi phí bồi thường do có quyền được lựa chọn khách hàng và rủi ro tốt hơn để cung cấp dịch vụ; và (3) giảm chi phí hoạt động do tiết giảm chi phí hoa hồng.
  • Tỉ lệ bồi thường dự kiến cải thiện 100bps do giảm tỉ trọng các nghiệp vụ có rủi ro cao. Theo kế hoạch của doanh nghiệp, PVI sẽ tập trung vào hiệu quả sản xuất khi giảm tổng tỉ trọng hai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe xuống mức 17% (từ mức 33% trong 3Q/2022).
  • Duy trì vị thế đầu ngành nhờ năng lực tài chính tốt. Tính đến hết Q3/2022, lợi nhuận, PVI đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất. Tuy hoạt động khai thác trong nước có thể chậm lại, nhưng với lợi thế là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đầu tiên được xếp hạng A, BVSC cho rằng PVI sẽ thêm được nhiều hợp đồng mới từ nước ngoài với chất lượng rủi ro tốt hơn, qua đó đảm bảo tăng trưởng và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành.
  • Lợi suất đầu tư dự kiến tăng lên 1,5-2% so với năm 2023. Tính đến hết 31/12/2022, PVI đã kịp tái tục khoảng 60% lượng tiền gửi theo mức lãi suất từ 9,5- 12%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất trung bình cả năm 2022 là 6,6%.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677754525966_PVI_BVSC_2023-03-02.pdf

15.  VCBS [ MUA – 45.780đ/cp ]: Sản lượng phục hồi, lợi nhuận cải thiện tích cực – VCBS

  • Sản lượng phục hồi kể từ năm 2023, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng. Nguồn cung nội địa từ hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn sẽ đảm bảo duy trì ổn định 65% – 70% nhu cầu trong nước kể từ năm 2023.
  • Mảng nhiên liệu bay tiếp tục phục hồi tốt khi các đường bay nội địa và quốc tế mở cửa trở lại. Thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Với biên lợi nhuận gộp không bị giới hạn như mảng kinh doanh xăng dầu (giá bán do hai bên mua bán thỏa thuận), mảng nhiên liệu bay có thể đóng góp tỷ trọng lợi nhuận đáng kể nếu có thể phục hồi trở lại mức trước dịch.
  • Chính Phủ điều chỉnh chi phí vận chuyển về cảng và premium khi tính giá bán cơ sở xăng dầu kể từ Q4 2022 sẽ giúp PLX phản ánh kịp thời chi phí thực tế.
  • Kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2022-2023. Năm 2022 PLX phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá dầu biến động mạnh, nguồn cung thiếu hụt, phải nhập khẩu xăng dầu giá cao trong khi giá bán trong nước chưa kịp thời điều chỉnh. Những khó khăn này được dự báo sẽ giảm vào năm 2023.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677752701729_PLX_VCBS_2023-03-02.pdf

16.  NLG [ Trung lập – 29.200đ/cp ]: Doanh số bán hàng Q4 tiếp tục sụt giảm – SSI

  • SSI khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu NLG, với giá mục tiêu 1 năm là 29.200 đồng (tiềm năng tăng giá là 15,6%). SSI điều chỉnh giảm 25% giá mục tiêu so với báo cáo trước do điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu từ 12% lên 14% cũng như giãn tiến độ bán hàng các dự án trọng điểm của NLG như Waterfront, Waterpoint, NLG Cần Thơ, cũng như các dự án khác. Với tỷ lệ cao các dự án bất động sảnở các đô thị cấp 2 trong quỹ đất của công ty nhu cầu của người mua nhà đối với các dự án này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do lãi suất cao, cũng như thanh khoản giao dịch ở mức thấp.
  • Trong năm 2023, hoạt động bán hàng và bàn giao tại nhiều dự án (bao gồm Akari và Mizuki Park, Izumi, Southgate) vẫn sẽ là động lực chính cho kết quả kinh doanh của NLG. Do đó, SSI dự báo doanh thu thuần năm 2023 là 5,5 nghìn tỷ đồng (234 triệu USD, +26% so với cùng kỳ) và LNST của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) là 930 tỷ đồng (39 triệu USD, +7,6% so với cùng kỳ). Với giá trị bán hàng chưa ghi nhận gần 17 nghìn tỷ đồng (723 triệu USD) tại thời điểm cuối năm 2022 (chủ yếu đến từ các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung cấp), lợi nhuận của NLG sẽ được phân bổ dần trong những năm tới (2023-2025).
  • Trong số các doanh nghiệp bất động sản mà SSI nghiên cứu, NLG có thể được coi là một trong những chủ đầu tư hàng đầu khi so sánh sức khỏe tài chính với các doanh nghiệp khác trong nước. Tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của NLG là 31% — thấp nhất trong số các chủ đầu tư bất động sản nhà ở mà SSI nghiên cứu. SSI cho rằng với bảng cân đối kế toán vững mạnh như vậy sẽ giúp công ty vượt qua những thách thức của thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, vẫn cần chờ đợi cơ hội thích hợp hơn để tích lũy các cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677838317482_NLG_SSI_2023-03-02.pdf

17.  KDH [ Trung lập – 30,500đ/cp]: Nền tảng vững chắc trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức  – SSI

  • SSI khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu KDH, với giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 30.500 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là 22,5%). SSI điều chỉnh giảm 26% giá mục tiêu so với báo cáo gần đây nhất khi SSI điều chỉnh dòng tiền từ tiến độ bán hàng của các dự án bất động sản và áp dụng tỷ lệ chiết khấu thận trọng hơn cho các dự án tiềm năng trong tương lai.
  • Trong số các doanh nghiệp bất động sản SSI đang phân tích, SSI vẫn nhận định KDH có một số lợi thế so với các chủ đầu tư bất động sản khác, chẳng hạn như các lô đất của công ty nằm ở khu vực Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức, là những khu vực thường có tỷ lệ hấp thụ cao hơn so với các khu vực đô thị hạng hai khác. Chưa kể, các dự án KDH thực hiện đã được chứng minh trong những năm qua và tạo ra sự tin tưởng mạnh mẽ cho người mua nhà. Ngoài ra, các dự án của KDH có tình trạng pháp lý sạch và sức khỏe tài chính tốt, cũng có thể giúp công ty trụ vững trong thời kỳ khó khăn.
  • SSI dự báo lợi nhuận của KDH trong 2 năm tới sẽ tiếp tục được duy trì, do công ty đang tập trung phát triển các sản phẩm căn hộ chung cư thấp tầng và phân khúc trung cấp, những sản phẩm này thường cần một khoảng thời gian ngắn để thị trường hấp thụ. Tuy nhiên, SSI cho rằng doanh thu bán hàng và tăng trưởng lợi nhuận sẽ chững lại một phần trong năm 2023, điều này phù hợp với diễn biến của ngành trong giai đoạn hiện tại. Trong năm 2023, SSI điều chỉnh giảm 9% ước tính lợi nhuận ròng của KDH xuống còn 987 tỷ đồng (42 triệu USD), trong đó hầu hết việc bàn giao vẫn sẽ đến từ 2 dự án là Privia và Classia.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677837998326_KDH_SSI_2023-03-02.pdf

18.  DGC [ MUA – 65.000đ/cp ]: Nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn kỳ vọng hồi phục sau khi Trung Quốc mở cửa – MAS

  • DGC được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng (P4), axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử – sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin). Trong giai đoạn từ tháng 5/2022 – 01/2023 việc Trung Quốc duy trì chính sách zero-covid đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ P4 của công ty.
  • Kết quả kinh doanh theo quý đang giảm nhanh sau khi tạo đạt đỉnh vào Q2/2022. Trong quý 4/2022, DGC báo lãi quý 1.032 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong 5 quý (từ Q3/2021). So với đỉnh vào Q2/2022, LNST của công ty đã giảm liên tục trong 2 quý và để mất 42,1% so với mức đỉnh. Quý 1/2023, DGC đặt kế hoạch LNST ở mức 700 tỷ đồng, tiếp tục giảm 32,1% so với mức quý trước.
  • DGC là doanh nghiệp có bảng cân đối vững mạnh. Cuối năm 2022, công ty chỉ còn duy nhất 467 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, giảm 45,5% so với mức đầu năm. Trong khi đó lượng tiền và tiền gửi của DGC đã tăng mạnh lên hơn 9.000 tỷ đồng gấp 2,4 lần so với mức đầu năm. Cho thấy DGC là một doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô như: Lãi suất tăng, Thiếu hụt thanh khoản…
  • Liên tục giảm từ đầu tháng 2/2023, DGC đã để mất tổng cộng 18%, so với mức giảm chỉ hơn 6% của VN-Index, theo MAS đây là mức chiết khấu lớn đối với cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt như DGC. DGC hiện đang giao dịch quanh vùng giá tương ứng với VN-Index tại mức 900.
  • Kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện tử sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn hồi phục kéo theo đó là sự hồi phục về sản lượng tiêu thụ P4, M dự báo lợi nhuận của DGC sẽ cân bằng trong nữa đầu năm 2.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677754888582_DGC_MAS_2023-03-02.pdf

19.  ACV [ Trung lập – 89.848đ/cp ]: Phục hồi đường bay quốc tế với Trung quốc còn gặp nhiều khó khăn – VCBS

  • Xét về dài hạn, ACV là một trong những đơn vị được hưởng lợi mạnh mẽ nhất từ xu thế tăng trưởng của ngành hàng không Việt nam và tiềm năng từ dự án sân bay Long Thành đem lại.
  • Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt nam đang chịu sự phụ thuộc tương đối lớn vào tiềm năng hồi phục của các đường bay quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung quốc- hiện còn đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, VCBS cho rằng áp lực gia tăng chi phí lãi vay và doanh thu tài chính sụt giảm nhằm đáp ứng nhu cầu thu xếp nguồn vốn phục vụ cho 2 dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp và gây áp lực lên biên lợi nhuận của ACV trong năm 2023.
  • VCBS dự phóng năm 2023, doanh thu của ACV đạt 17.581,01 tỷ đồng (+27,1% yoy), lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ của ACV đạt 7.254,43 tỷ đồng (+1,99% yoy). Theo đó, VCBS đưa ra khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu ACV với mức định giá hợp lý là 89.848 đồng/ cổ phiếu.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677768580621_ACV_VCBS_2023-03-02.pdf

20.  VPB [ MUA – 23.000đ/cp ]: Rủi ro tiềm ẩn trong năm 2023 – MAS

  • 4Q2022, thu nhập lãi thuần của VPB đạt 10,283 tỷ VND (+20.6% YoY, -1.0% QoQ). Chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh lên mức cao nhất, đạt 7,320 tỷ VND (+35% QoQ, +36.3% YoY) khiến LNTT 4Q2022 chỉ đạt 1,383 tỷ VND (-69.4% QoQ, -51.4% YoY) . Lũy kế cả năm 2022, LNTT đạt 21,220 tỷ VND, tăng 47.7% YoY.
  • Tỷ lệ dư nợ nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cùng nhóm cho vay mua nhà trên tổng dư nợ tín dụng đạt 36.5%, tăng 4.3pp YoY. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của VPB đạt 40,518 tỷ VND, chiếm 8.5% dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay cao ở nhóm này tiểm ẩn những rủi ro tín dụng trong thời gian tới.
  • Trong 4Q2022, CTCP Chứng khoán VPBank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 8,920 tỷ VND lên 15,000 tỷ VND. Với việc tăng vốn thành công, chứng khoán VPBank đã trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
  • Ngày 16/1/2023, tập đoàn SMBC công bố thông tin thoái vốn khỏi ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB). Cùng với đó SMBC tái khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược với VPB. KBSV kì vọng động thái này sẽ có tác động tích cực đến quá trình bán vốn cho cổ đông chiến lược của VPB trong thời gian tới.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677839033334_VPB_KBSV_2023-03-03.pdf

21.  REE [ MUA – 84.000đ/cp ]: Báo cáo cập nhật – MBS

  • Với kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 nhờ vào lĩnh vực thủy điện và điện gió, bước sang năm 2023 hoạt động kinh doanh của REE khả năng sẽ đối diện với những thách thức khi lĩnh vực thủy điện được dự báo sẽ không còn thuận lợi do hình thái thời tiết sẽ chuyển từ trạng thái La nina sang El nino từ giữa năm. Dự báo sản lượng điện năm 2023 có thể đạt 9,880 trkwh, bằng 88% so với 2022.
  • Lĩnh vực M&E vẫn đang trên đà hồi phục, trong ngắn hạn 2023 có thể đối diện với khó khăn do thị trường bất động sản đang gặp khó, tuy nhiên trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, bên cạnh đó các dự án đầu tư công giá trị lớn sẽ đẩy mạnh triển khai từ 2023-2025 là cơ hội lớn để phục hồi và phát triển.
  • Lĩnh vực cho thuê Văn phòng tiếp tục ổn định với các tòa nhà đã cơ bản lấp đầy. Dự án E.Town 6 dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 sẽ đưa diện tích cho thuê lên 200 nghìn m2 từ 2024. Trong khi đó, lĩnh vực nước sạch cũng hoạt động ổn định.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677838701884_REE_MBS_2023-03-03.pdf

22.  HSG [ MUA – 18.500đ/cp ]: Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cải thiện trong quý 2 – BSC

  • Trong năm 2023, BSC dự báo HSG ghi nhận DTT = 36,078 tỷ VND (-27% yoy), NPATMI = 1,134 tỷ VND (+351% yoy), tương đương EPS FWD 2023 = 1,896 VND/CP, P/E FWD 2023 = 7.6, P/B FWD 2023 = 0.7x dựa trên các giả định chính năm 2023 như sau: 1. Sản lượng tôn mạ và ống thép -8% yoy do thị trường bất động sản chững lại, xuất khẩu vẫn gặp khó khăn trong 1H. 2. Giá bán -21% yoy do nhu cầu giảm. 3. Biên lợi nhuận gộp = 13.6%, tăng 3.7 điểm % với kỳ vọng giá thép và giá nguyên vật liệu sẽ ít biến động hơn trong năm 2023.
  • BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của HSG sẽ khả quan hơn trong Q2 (NĐTC 2022-2023) nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện trong bối cảnh (1) giá tôn mạ tăng nhẹ, (2) hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận hết trước đó.
  • Kết thúc NĐTC Q1.2023, HSG ghi nhận DTT = 7.942 tỷ VNĐ (-53% yoy), NPATMI = -680 tỷ VNĐ (-207% yoy) do: 1. Sản lượng tiêu thụ-43% yoy. Trong đó, nội địa – 23% yoy do ngành bất động sản chững lại, xuất khẩu – 60% yoy do các nền kinh tế lớn suy thoái. 2. Giá bán -25% yoy do (1) giá nguyên vật liệu đầu vào (HRC) giảm, (2) HSG tăng tỷ lệ chiết khấu cho khách hàng để đẩy hàng tồn kho. 3. Biên lợi nhuận gộp giảm 11 điểm% do ghi nhận hàng tồn kho HRC giá cao tích trữ từ các quý trước đó.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677837593377_HSG_BSC_2023-03-03.pdf

23.  Ngành Bất động sản nhà ở [ Trung lập ]: Kỳ vọng những quyết sách quyết liệt hơn – VNDS

  • Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, nguồn cung căn hộ mới ở cả TPHCM và Hà Nội trong Q4/22 lần lượt sụt giảm 81% so với cùng kỳ (svck)/38% svck, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm mạnh 80% svck/63% svck, theo CBRE. VNDS quan sát giá căn hộ sơ cấp ở TP.HCM và Hà Nội trong Q4/22 giảm 1-3% so với (sv) quý trước, ngoại trừ phân khúc trung cấp (+2-5% sv quý trước). Giá thứ cấp BĐS liền thổ trong Q4/22 đi ngang ở TP.HCM nhưng giảm 8% sv quý trước ở Hà Nội.
  • Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng chủ trì ngày 17/02, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp cho thị trường BĐS 1) đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp (DN) BĐS khó khăn, 2) tiếp tục cấp tín dụng với dự án BĐS có phương án vay vốn khả thi, khách hàng có tiềm lực tài chính, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, dự thảo mới nhất về sửa đổi Nghị định 65 đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành được đàm phán gia hạn thêm thời gian và nới lỏng một số điều kiện phát hành. VNDS cho rằng những chính sách này nếu được triển khai sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho DN BĐS trong ngắn hạn.
  • Giữa tháng 2/2023, 54 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã thông báo chậm trả lãi, làm dấy lên lo ngại về thanh khoản. VNDS ước tính khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu từ các tổ chức này sẽ đáo hạn trong 2023 (~90% đền từ DN BĐS). Ngoài ra, VNDS ước tính tỷ số thanh toán hiện thời và hệ số thanh toán lãi vay của các DN BĐS niêm yết hiện tại đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất của giai đoạn 2011- 2013, điều này cho thấy rủi ro xảy ra mất khả năng thanh toán nợ cao như năm 2011.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677666906371_VNDS_2023-03-01.pdf

24.  Ngành ngân hàng [ Trung lập ]: Hệ quả của chu kỳ tiền rẻ và bùng nổ bất động sản – MAS

  • Tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào quý 4/2022: Đến hết quý 4/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14.5%, mức cao nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn dự kiến, do hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 16% được cấp vào thời điểm gần kết thúc năm 2022.
  • Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng sơ bộ cho năm 2023 ước đạt 14-15%, tuy nhiên mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định và lành mạnh hóa hoạt động của ngành ngân hàng: Phó Thống đốc NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kiềm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4.5%, điều chỉnh tăng 0.5%p so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản. Trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0.66% lên 5.21% vào tháng 1/2023. Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vu thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát. Nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung. Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các NHTM cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao. Tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ theo MAS vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, MAS dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN.
  • Ưu đãi đặc biệt: Loại trừ các ngân hàng có danh mục tín dụng tương đối nhỏ so với toàn ngành, các ngân hàng lớn (bao gồm HDB, MBB, VPB và VCB) có mức tăng tín dụng vượt trội nhờ tích cực hỗ trợ NHNN trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. MAS kỳ vọng những ngân hàng nói trên sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi từ các cấp điều hành trong phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023..

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677754978006_MAS_2023-03-02.pdf

25.  Ngành nông nghiệp [ Trung lập ]: Phục hồi mạnh mẽ – KIS

  • Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 1.6 tỷ USD (+7% t/t, +39% n/n).
  • Cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất với 393 triệu USD (+12% t/t, +29% n/n) và chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp và theo sau là rau quả (21%) và gạo (14%). Các công ty xuất khẩu cà phê cũng ghi nhận mức tăng trưởng 13% t/t về sản lượng, đạt 180,000 tấn.
  • Giá trị xuất khẩu sắn tăng trưởng ấn tượng đạt 190 triệu USD (+64% t/t, +87% n/n), chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu. Về sản lượng, các công ty xuất khẩu sắn chứng kiến mức sản lượng xuất khẩu đạt đỉnh với 500,000 tấn, tăng 67% t/t và tăng mạnh 92% n/n.
  • Xuất khẩu cao su tiếp tục giảm xuống 212 triệu USD (-22% t/t, +19% n/n). Sản lượng cao su xuất khẩu giảm 25% t/t nhưng tăng 50% n/n lên 150,000 tấn. Giá cao su trung bình tăng trở lại mức 1,411 USD/tấn từ mức 1,350 USD/tấn của tháng trước.
  • Sản lượng gạo xuất khẩu cải thiện nhẹ 8% t/t và 8% n/n lên 430,000 tấn. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu gạo tăng 14% t/t và 20% n/n lên 231 triệu USD trong tháng 2/2023.
  • Trong tháng 2/2023, giá trị nhập khẩu hạt điều là 211 triệu USD (+101% t/t, +124% n/n), trong khi giá trị nhập khẩu ngô là 252 triệu USD (-7% t/t, +13% n/n).

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677667367140_KIS_2023-03-01.pdf

26.  Ngành cá tra [ Trung lập ]: Cập nhật ngành – VCBS

  • Năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 2,44 tỷ USD tăng 51% yoy. Xét theo từng thị trường, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 29%, tiếp theo là thị trường Mỹ 22%, các nước trong Hiệp định thương mại CPTPP chiếm 14%. Tăng trưởng kim ngạch ở các thị trường so với cùng kỳ năm trước hầu như đều tăng trưởng từ 30% trở lên, trong đó thị trường Trung Quốc tăng trưởng 60%, thị trường Mỹ tăng trưởng 45%, EU tăng 94%, các nước CPTPP tăng 57%. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ ở Trung Đông có mức tăng đột phá từ 115%-429%.
  • Bắt đầu từ tháng 11, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam bắt đầu giảm từ 20% – 30% yoy, do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu đã đạt mức cao, cùng lạm phát kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhập khẩu cá tra. Mặc dù, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại, nhưng cũng chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, nên nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn không thể bù đắp cho thiếu hụt nặng nề về cầu ở các nước phương Tây. Sang tháng 1/2023, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh lần lượt là 51% và 60% yoy, do vướng vào dịp Tết nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu bị trì hoãn. Nhu cầu về cá tra được dự báo là sẽ tiếp tục giảm ở hầu hết các thị trường cho đến quý 3/2023, tuy nhiên trong quý IV vẫn còn một số thị trường nhỏ duy trì mức tăng trưởng cao như Hà Lan (tăng 84%), Đức (tăng 171%), Bỉ (tăng 55%), Mexico, Úc và Singapore vẫn duy trì tăng trưởng 5-21%, cho thấy vẫn còn tiềm năng xuất khẩu tới những quốc gia này trong nửa đầu năm.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677837818807_VCBS_2023-03-02.pdf

27.  Báo cáo vĩ mô [ Trung lập]– BVSC

  • Chỉ số SXCN trong tháng 2/2023 tăng trở lại 5,11% so với tháng 1/2023 và 3,61% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số SXCN vẫn đang giảm 6,32% YoY, cho thấy ngành sản xuất vẫn còn nhiều thách thức;
  • Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (TMBL) trong tháng 2/2023 đạt 481.832 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% YoY, nhưng giảm 5,95% so với tháng 1 do yếu tố mùa vụ. BVSC cho rằng doanh thu từ du lịch sẽ là điểm sáng duy nhất đối với Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong năm nay do được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, trong khi doanh thu tiêu dùng sẽ gặp thách thức khi áp lực lạm phát lớn; ❑ Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 2/2023 đạt 29.997 tỷ đồng, tăng 39,88% YoY và 11,39% MoM. Như vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN đạt 56.926 tỷ đồng, hoàn thành 8,3% kế hoạch cả năm. BVSC kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng tiếp theo để hoàn thành kế hoạch giải ngân rất lớn trong năm 2023 – trên 700 nghìn tỷ đồng;
  • Chỉ số CPI tăng 4,31% YoY trong tháng 2. Như vậy, áp lực lạm phát đã có phần hạ nhiệt khi chỉ số CPI tăng ở mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây nhưng vẫn đang ở mức cao. BVSC cho rằng áp lực đối với chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn còn hiện hữu và duy trì dự báo lạm phát cả năm ở mức 4-4,5%;
  • Tính tới ngày 2/3/2023, đồng VND đã giảm giá trở lại 0,47% so với đồng USD. Lo ngại Fed kéo dài thời gian tăng lãi suất cùng lãi suất mục tiêu (ultimate rate) cao hơn dự tính trước đó đã khiến chỉ số DXY tăng trở lại, qua đó khiến đồng VND cùng nhiều đồng tiền khác chịu áp lực mất giá. Do đó, BVSC cho rằng đối với Việt Nam, việc hạ mạnh lãi suất và nới lỏng thêm chính sách tiền tệ sẽ chưa thể xảy ra ngay trong một vài tháng tới.

Link tải full báo cáo:

https://data.wichart.vn/public/cdn_baocaophantich/1677838538237_BVSC_2023-03-03.pdf

Quý nhà đầu tư lưu ý:

  • Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các công ty chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

———-Team LTBNM tổng hợp ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN