TRUY TÌM CÁC CÔNG TY TRẢ CỔ TỨC TIỀN MẶT CAO HƠN LÃI SUẤT TIẾT KIỆM (PHẦN 4.2)

Lượt xem: 3495 | Ngày đăng: 09/12/2019 | Báo cáo phân tích Blog

Sau loạt bài đi tìm những công ty trả cổ tức cao trên sàn,

Phần 1 – Ngành bia: https://langtubuonnuocmam.com/truy-tim-cac-cong-ty-tra-co-tuc-tien-mat-cao-hon-lai-suat-tiet-kiem-phan-1/

Phần 2 – Ngành than: https://langtubuonnuocmam.com/truy-tim-cac-cong-ty-tra-co-tuc-tien-mat-cao-hon-lai-suat-tiet-kiem-phan-2/

Phần 3 – Nhiệt điện: https://langtubuonnuocmam.com/truy-tim-cac-cong-ty-tra-co-tuc-tien-mat-cao-hon-lai-suat-tiet-kiem-phan-3/

Và sau bài viết Phần 4.1 – Đầu tư công: https://langtubuonnuocmam.com/truy-tim-cac-cong-ty-tra-co-tuc-tien-mat-cao-hon-lai-suat-tiet-kiem-phan-4-1/

chúng tôi tiếp tục đi sâu vào 03 mã trên sàn: NNC, DHA, C32 để giúp nhà đầu tư nhận định được câu hỏi: Liệu có phải mã nào trong ngành cũng có thể đạt được lợi tức như kì vọng? Hay phải có điều kiện nào để doanh nghiệp ngành đá tận dụng tốt cơ hội này, cũng như tiếp tục duy trì mức lợi tức cao?

.1.     CTCP Đá Núi Nhỏ (HSX: NNC). Biên động giá: 48.000 – 50.000đồng/cổ phiếu.

CTCP Đá Núi Nhỏ có địa bàn hoạt động tại tỉnh Bình Dương với vốn điều lệ 219,2 tỷ đồng. Hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, đến nay, công ty đã cơ giới hóa toàn bộ năng lực khai thác gần 3 triệu mét khối đá/năm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty diễn ra tại 02 khu vực:

  • Mỏ đá Núi Nhỏ (p. Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương).
  • Mỏ đá Mũi Tàu (ấp 1, xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước).

Tình hình chi trả cổ tức: (Hình 1)

Trong lịch sử, NNC luôn chi trả cổ tức ở mức khủng, có năm lên đến 130%. Chúng tôi tính toán mức chia cổ tức và so sánh với lãi suất huy động và nhận thấy rằng dù tỷ lệ lợi suất có thay đổi nhưng chưa bao giờ thấp hơn lãi huy động.

Đi sâu vào chi tiết, chúng tôi cho rằng những năm vừa qua NNC trả cổ tức cao (Hình 2) là do tình hình kinh doanh có sự tăng trưởng, cùng với đó là cơ cấu tài chính sạch, không có nợ vay. Những năm gần đây, NNC cũng không có kế hoạch mở rộng mỏ đá hoặc đấu thầu mỏ đá khác mà chỉ tập trung khai thác tại mỏ đá Núi Nhỏ và mỏ Mũi Tàu nên dòng tiền sẽ để trả cổ đông

Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của NNC có CTCP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (UPcom: MVC) – 37.73% và MVC cũng đang sở hữu chéo 10% của NNC. Việc chi trả cổ tức cao cũng là điều chuyển lợi nhuận giữa 02 công ty. (Hình 3)

Như vậy, lí do để NNC chi trả cổ tức cao trong những năm vừa rồi đã có. Điều chúng tôi quan tâm hơn cả là NNC có khả năng duy trì tình hình chi trả cổ tức tốt như vậy không.

Xét về BCTC 19Q3, chúng tôi bắt đầu nhận ra những sự suy giảm đến từ chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu giảm 17% trong khi chi phí bán hàng chỉ giảm 8,5% khiến cho BLN gộp chỉ còn 26% và tiếp tục xu hướng giảm. Theo chúng tôi đánh giá, với việc mỏ đá Núi Nhỏ đang dần cạn kiệt trong khi các chi phí thì vẫn còn khiến BLN gộp giảm.

Hình 4: Giải trình của NNC về việc doanh thu giảm

Bằng trực quan, chúng ta có thể thấy BLN của doanh nghiệp đang giảm dần qua các quý. (Hình 5)

Trong quý này, chúng tôi cho rằng việc LNST giảm 61%, tương đương mức 25 tỷ là do Q3/2018 NNC có khoản thu nhận khác trị giá 37,8 tỷ. Nếu loại bỏ khoản này đi thì LNST của doanh nghiệp không giảm mạnh đến vậy.

Như vậy, tình hình kinh doanh của NNC đã cho thấy những dấu hiệu đi xuống. Chúng tôi đi sâu tìm hiểu về các mỏ đá của doanh nghiệp để nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan nhất.

♥       Mỏ đá Núi Nhỏ (p. Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Nhìn từ google map (hình 6), chúng tôi thấy rằng mỏ đá này thuộc huyện Dĩ An – nơi tập trung các mỏ đá như Tân Đông (KSB), mỏ Tân Vạn, CTCP Đá Hóa An 1. Đây cũng là khu vực giáp ranh với tp. HCM, Bình Dương và cách Long Thành chỉ 40km nên thuận tiện di chuyển.

Núi Nhỏ là mỏ đá chủ lực, đóng góp 85 – 90% doanh thu cũng như lợi nhuận cho công ty. Với vị trí giao thông thuận lợi, BLN ròng của mỏ Núi Nhỏ (30%) cũng cao hơn mỏ Tân Lập (18 – 20%). Ước tính, mỗi m3 đá, mỏ Núi Nhỏ tạo ra 85.000 đồng lợi nhuận.

Đóng góp lớn vào cơ cấu, thì việc gia hạn mỏ Núi Nhỏ cũng khiến nhà đầu tư quan tâm. Vào năm 2018, mỏ đá Núi Nhỏ đã được gia hạn khai thác đến hết ngày 31-12-2019. Với diện tích 27ha, mỏ đã được đề xuất gia hạn khai thác sâu cote tới -130m, trước đó là -100m.

Hết hạn vào cuối năm nay, nhưng việc gia hạn tiếp thì chúng tôi không nắm được thông tin cụ thể. Được biết, mỏ Núi Nhỏ và Tân Đông Hiệp đều được gia hạn khai thác thêm và gây những ảnh hưởng nhất định tới đời sống của người dân.


Trên đây là câu trả lời của BLĐ Công ty về việc gia hạn mỏ đá Núi Nhỏ (Hình 7+8). Vì không đủ thông tin nên chúng tôi sẽ không đánh giá sâu, nhưng nếu không gia hạn được thì doanh thu, lợi nhuận của NNC chắc chắn sụt giảm mạnh. Các thông tin, nếu có, chúng tôi sẽ cập nhật sau cho nhà đâu tư.

♥       Mỏ đá Mũi Tàu (ấp 1, xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước).

Mỏ đá này, theo đánh giá của chúng tôi là xa trung tâm, không quá thuận tiện trong việc di chuyển. BLN ròng của mỏ đá này cũng chỉ ở mức 20%. Tuy vậy, thời lượng khai thác lên đến 2030, trữ lượng còn khoảng 10,5 triệu m3 nên trong thời gian tới đây có lẽ là mũi nhọn của NNC trong thời gian tới, khi mà mỏ Núi Nhỏ cần thời gian gia hạn. Theo thông tin của chúng tôi, lợi nhuận tạo ra trên 1m3 đá của mỏ dao động khoảng 25.000 đồng – khá thấp so với mỏ Núi Nhỏ.

Như vậy, điều đáng quan tâm nhất của NNC là việc gia hạn mỏ đá Núi Nhỏ. Tuy vậy, ngay cả khi gia hạn thành công thì trữ lượng còn lại của mỏ này còn khá ít. Chúng tôi đánh giá không quá khả quan về doanh nghiệp.

Về việc chi trả cổ tức 2019, HĐQT quyết định chi trả bằng tiền mặt trên 50% – thấp hơn so với những năm gần đây. (Hình 9)

Chúng tôi cũng chú ý đến quỹ đầu tư phát triển của NNC. Nếu như ngay Q2, quỹ có 76 tỷ, thì sang quý này chỉ còn 17,6 tỷ, ít hơn cùng kì      (-71% QoQ) do đã chuyển sang trả cổ tức cho 2018. (Hình 10)

Mặc dù LNST chưa phân phối còn khá lớn (128,7 tỷ) nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 15% mà thôi. Trong khi đó, lượng tiền mặt thường chỉ chiếm dưới 30% tài sản ngắn hạn. Chúng tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi, liệu NNC với tình hình kinh doanh như vậy, còn có khả năng trả cổ tức đều đặn hay không?

  1. CTCP Hóa An (HSX: DHA). Biên độ giá: 28.000 – 32.000 đồng/cổ phiếu

Được thành lập từ năm 1980, CTCP Hóa An đã có gần 40 năm trong nghề khai thác đá. VĐL của công ty là 151,2 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 nắm giữ 13,52%. Hằng năm, công ty khai thác và chế biến trên 1,5 triệu m3 đá các loại.

Địa bàn hoạt động của DHA bao gồm 3 mỏ đá:

  • Mỏ Thạnh Phú 2: (xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
  • Mỏ Tân Cang 3 (xã Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai)
  • Mỏ đá Núi Gió (xã Tân Lợi, Hớn Quản, Bình Phước)

Sản phẩm đầu ra của DHA đa dạng, bao gồm đá trộn bê tông nhà, làm cầu,.. cho đến đá làm nền móng các công trình, lót nền đường, san lấp.

Tình hình chi trả cổ tức: (Hình 11)

DHA trả cổ tức tiền mặt rất đều đặn. Tương tự NNC, chúng tôi tìm ra lợi tức của DHA qua các năm. Với mức cổ tức 20%/năm thì chúng tôi không kì vọng lợi tức vượt trội so với lãi suất huy động. (Hình 12)

Giống như NNC, tình hình tài chính DHA khá sạch khi không có vay nợ. DHA đã có 03 mỏ đá với trữ lượng lớn thì việc đầu tư thêm mỏ là không cần thiết. Cơ cấu cổ đông thì có 50% là các tổ chức trong và ngoài nước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc trả cổ tức tiền chủ yếu là trả lãi cho các công ty lớn. (Hình 13+14)

Tình hình kinh doanh của DHA thời gian đây khá tốt. doanh thu tăng 8% so với cùng kì (81,3 tỷ) trong khi giá vốn tăng 14% (56,9 tỷ) khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ về mức 24,4 tỷ nhưng BLN gộp vẫn duy trì ở mức 30%. Tăng trưởng doanh thu là do sản lượng bán ra của Q3/2019 tăng trưởng 40.284m3 đá các loại. Tuy vậy, doanh thu sau khi đạt đỉnh tại Q1/2019 thì bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. (Hình 15)

Mặc dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn ổn định ở mức 5% DTT nhưng LNST chỉ đạt 15.6 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kí và BLN ròng cũng giảm về mức 19% (trung bình 22% – 23%). Lí giải điều này, chúng tôi nhận thấy chi phí tài chính (dự phòng giảm giá chứng khoán) tăng 16 lần so với cùng kì (2,5 tỷ). Công ty chủ yếu đầu tư vào CTCP Đầu tư xây dựng 3-2 với 1,7 triệu cổ phiếu nhưng cũng phải trích ra khoảng dự phòng 3,3 tỷ vào Q2. (Hình 16)

Tương tự NNC, chúng tôi quan tâm đến tình hình các mỏ đá của DHA. Tuy rằng thời gian khai thác còn khá dài, nhưng chúng tôi cho rằng cần đánh giá kĩ về các mỏ này.

♥       Mỏ Thạnh Phú 2

Mỏ đá Thạnh Phú 2 nằm ở khu vực khá tập trung các mỏ đá lớn. (Hình 17) Bên cạnh đó, mỏ còn nằm cạnh sông Đồng Nai, thuận tiện cho việc di chuyển bằng thuyền, phà. Cách Long Thành khoảng 40km, mỏ đá này cũng thuận tiện cho việc phân phối đá cho sân bay Long Thành.

Hiện tại, tổng diện tích được cấp phép là 20 ha, công suất được cấp phép là 0,8 triệu m3, thời gian khai thác đến 2026. Với điều kiện thuận lợi về vị trí, điều kiện khai thác, đây là mỏ chủ lực của công ty, đóng góp 60% doanh thu nhưng lại đang gặp nhiều sự cạnh tranh gay gắt

♥       Mỏ đá Tân Cang 3

Cách Long Thành khoảng 22km (Hình 18) cũng như gần sông Đồng Nai, mỏ Tân Cang khá thuận tiện cho việc di chuyển đá đến các tình miền Đông, Nam Bộ – nơi chúng tôi nhận định có nhiều dự án lớn sắp tới.

Công suất khai thác của mỏ Tân Cang 3 đạt 0,5 triệu m3/năm, diện tích được cấp phép là 21,74 ha, thời hạn khai thác dự kiến đến 2037. Mỏ này cũng nằm trong khu vực có nhiều mỏ đá của đơn vị khác, nên chịu sự cạnh tranh cao hơn, và theo DHA thì điều kiện khai thác mỏ cũng khó khăn nên dù diện tích lớn cũng không phải là mũi nhọn của doanh nghiệp.

Tuy khó khăn, nhưng đây cũng là miếng bánh béo bở mà các doanh nghiẹp trong ngành đều nhòm ngó. DHA, BBCC đều muốn mở rộng công trường nhưng không được, hoặc NNC đau đáu tìm kiếm cơ hội đấu thầu nhưng không có. Điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn tại mỏ đá này.

♥       Mỏ đá Núi Gió

Nằm khá cách biệt so với các mỏ đá khác, mỏ đá Núi Gió (hình 19) tập trung khai thác khách hàng có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị tại Bình Phước, Tây Ninh thay vì tp. HCM như các doanh nghiệp khác.

Thời hạn khai thác mỏ dự kiến đến 2038, công suất hiện hành chỉ 0,2 triệu m3/năm và đang xin cấp phép lên 0,3 triệu m3 đá nguyên khai. Theo đánh giá của chúng tôi, với diện tích 18,52ha và nằm ở vị trí khá cách biệt, mỏ Núi Gió sẽ phục vụ tốt lượng khách tại các tỉnh Đông Nam Bộ thay vì tập trung vào khu vực Long Thành, HCM vốn đã có nhiều doanh nghiệp nhòm ngó.

Như vậy, với việc có nhiều mỏ đá với trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài sẽ là chìa khóa cho DHA phát triển.

Về khả năng chi trả cổ tức dài hạn, chúng tôi đánh giá DHA cao hơn NNC. Các khoản tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn thường chiếm tỉ trọng cao (~58%) tài sản ngắn hạn – đảm bảo nguồn chi trả cho doanh nghiệp. (Hình 20)

Bên cạnh đó, “của để dành” của DHA còn nằm ở phần quỹ đầu tư phát triển (98,7 tỷ), LNST chưa phân phối (94,5 tỷ) và thường xuyên giữ ở mức cao. Vốn điều lệ của công ty chỉ có 151,2 tỷ đồng. Giả sử, chúng tôi cộng hết các nguồn chi trả cổ tức và chia cho số lượng cổ phiếu, thì nhà đầu tư chỉ phải trả khoảng 30.000 đồng cho một cổ phiếu có khả năng chi trả cổ tức lên đến 73.800 đồng/cổ phiếu – một con số khá “lời”.

Trong năm 2019, DHA tiếp tục dự kiến tối thiểu 20%/năm. Chúng tôi đánh giá trong tương lai dài hạn, DHA hoàn toàn có khả năng chi trả tốt cổ tức cho nhà đầu tư – nhất là trong bối cảnh ngành đá xây dựng “đón đầu” làn sóng đầu tư công như chúng tôi đã nói phía trên. (Hình 21)

  1. CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (HSX: C32). Biên độ giá: 20.000 – 22.000 đồng/cổ phiếu

CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó bao gồm: Khai thác và kinh doanh đá xây dựng, sản xuất và kinh doanh cầu kiện bê tong và xây dựng các công trình.

Địa bàn hoạt động của C32 trong lĩnh vực khai thác đá là mỏ Tân Đông Hiệp tại Bình Dương. Ngoài ra, C32 đã liên kết kinh doanh với CTCP Miền Đông (MDG) để khai thác mỏ Tân Mỹ với tỷ lệ 33,76% VĐL của MDG (Hình 22)

Hiện tại, công ty có 15,03 triệu cổ phiếu lưu hành, tương đương trên 150 tỷ đồng. Cổ đông lớn của C32 là các quỹ nước ngoài và có DHA. Như chúng tôi đã phân tích ở phần trước, đây là xu hướng sáp nhập của các doanh nghiệp ngành đá. (Hình 23)

Về tình hình chi trả cổ tức, chúng tôi nhận thấy C32 chi trả cổ tức khá đều: 24%/năm và thường cao hơn lãi suất ngân hàng. (Hình 24)

Theo ý kiến của chúng tôi, C32 hoạt động cả trong lĩnh vực xây dựng cơ sở, nên việc vay nợ là dễ hiểu. Doanh nghiệp cũng đầu tư tài sản cố định lớn (47 tỷ tính đến Q3/2019) nên việc chi trả cổ tức đều đặn là một cách “trả lãi” cho các quỹ. (Hình 25)

Về tình hình kinh doanh của C32, mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng, nhưng các biên lợi nhuận và LNST lại sụt giảm đáng kể. (Hình 26)

Vì doanh nghiệp không bóc tách rõ nên chúng tôi không có thông tin cụ thể về doanh thu từ đá xây dựng. Theo BCTN 2018, thì đá xây dựng chiếm khoảng 44% tổng doanh thu. Nhìn vào cơ cấu doanh thu thì doanh thu từ hợp đồng xây dựng đang tăng trưởng theo từng quý. Như vậy, C32 có vẻ đang cơ cấu lại doanh thu của mình. (Hình 27)

Lí do dễ nhận thấy nhất, là mỏ Tân Đông Hiệp của C32 đã gần hết hạn khai thác. Trữ lượng đá không còn nhiều, bên cạnh đó phải xuống cote sâu hơn sẽ khiến các chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Về vị trí, mỏ Tân Đông Hiệp gần mỏ đá Núi Nhỏ, nên thuận lợi cũng như khó khăn đều tương đồng. Theo thông tin từ ĐHĐCĐ, mỏ đá này hết hạn vào 31/12/2019 thì sẽ không thể xin gia hạn thêm được. Như vậy tình hình kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, mỏ Tân Mỹ của MDG cũng gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của MDG, hoạt động sản xuất kinh doanh tại mỏ bị vướng bồi thường mở rộng, diện tích khai thác chật hẹp gây khó khăn cho khai thác xuống sâu, công tác mở rộng mỏ chỉ mới thực hiện giai đoạn bóc tầng phủ, chưa có mặt bằng bàn giao cho khai thác đá, chưa hoàn thành giấy phép khai thác xuống cote -70m,…

Vị trí của mỏ Tân Mỹ cũng không thuận lợi cho việc di chuyển, cách xa trung tâm sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng, giá thành cao, khó cạnh tranh với các mỏ khác. Như vậy, khả năng doanh thu từ đá xây dựng của C32 sẽ không còn đạt đỉnh cao như thời kì trước. (Hình 28)

Đánh giá về khả năng chi trả cổ tức, chúng tôi thấy C32 sẽ dần trả ít cổ tức hơn cho cổ đông của mình. Dự kiến đến năm 2023 sẽ chỉ còn 15%/năm. (Hình 29)

C32 sở hữu Quỹ đầu tư phát triển 155 tỷ vào Q3/2019. LNST chưa phân phối cũng ở mức cao, thường loanh quanh mức 200 tỷ – đủ để đảm bảo trả nợ cho các khoản vay. Tỷ lệ tiền/TTS thường ở mức 18% – 19%, một con số tương đối ổn.

Tuy nhiên, về lâu dài, tình hình các mỏ đá không còn thuận lợi, kèm với đó doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị cũng như các dự án mới nên kế hoạch cổ tức sẽ có sự sụt giảm. Dưới đây là giải trình của BLĐ về việc định hướng giảm cổ tức trong giai đoạn tới: (Hình 30)

  1. Kết luận

Như vậy, team chúng tôi đã phân tích 3 mã cổ phiếu trong ngành đá xây dựng. Qua 3 cases này, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp phải có trữ lượng đá lớn để “đón đầu” làn sóng đầu tư công – điều rất khó trong bối cảnh hiện nay.

  • NNC là doanh nghiệp trả cổ tức rất cao nhưng về khả năng lâu dài thì chúng tôi không đánh giá cao do tình hình mỏ đá đang cạn dần.
  • DHA trả cổ tức thấp hơn nhưng lại có nhiều mỏ đá lớn nên có cơ hội phát triển lâu dài. Rủi ro ở DHA là cơ cấu cổ đông chất lượng khá thấp.
  • C32 cũng tương tự NCC và có cơ cấu dịch chuyển cơ cấu doanh thu. Về lâu dài, C32 cũng có kế hoạch giảm cổ tức tiền mặt cho cổ đông vì phải đầu tư phát triển doanh nghiệp nên chúng tôi đánh giá rằng trong thời gian tới có thể doanh nghiệp sẽ trả cổ tức thấp đi hoặc trả bằng cổ phiếu.

 

—–TEAM LÃNG TỬ BUÔN NƯỚC MẮM TỔNG HỢP VÀ PHÂN TÍCH—–

BÀI VIẾT LIÊN QUAN