TỔNG HỢP BÁO CÁO PHÂN TÍCH TỪ CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TỪ 14/9-18/9/2020

Lượt xem: 1659 | Ngày đăng: 19/09/2020 | Báo cáo từ CTCK Blog

Kính gửi các anh chị đầu tư!

Team buôn nước mắm Cập nhật các báo cáo từ ngày 14/09 -18/09:

  1. PLC [KHÔNG ĐÁNH GIÁ] – Lợi nhuận phục hồi nhờ nhu cầu nhựa đường tăng cao – Báo cáo công ty – VCSC – Ngày 16/09/2020
  2. MWG – DMX siêu nhỏ nắm bắt nhu cầu chưa được đáp ứng – Báo cáo thăm DN – VCSC – Ngày 16/09/2020
  3. MWG: Cập nhật chuyến thăm cửa hàng: ĐMX Supermini – một chiến lược nâng cao thị phần, ĐMX Supermini sẽ có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn
  4. HDG (PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG, Giá mục tiêu: 25.000 Đồng/cp): Đặt mục tiêu vào năng lượng tái tạo
  5. VCB (PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG, Giá mục tiêu: 89.200 Đồng/cp): Lợi nhuận nửa cuối năm 2020 ước tính giảm mạnh do dư nợ chịu ảnh hưởng từ Covid-19
  6. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 16.200 đồng/CP- MBS – 19/09/2020
  7. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua HPG với giá mục tiêu 31.300 đồng/CP – KBSV- 15/09/2020
  8. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua NLG với giá mục tiêu khoảng 37.600 đồng/CP –MBS – 15/09/2020)
  9. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 23.100 đồng/CP – MBS -14/09/2020

Quý nhà đầu tư lưu ý:

  • Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các cty chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

1. PLC [KHÔNG ĐÁNH GIÁ] – Lợi nhuận phục hồi nhờ nhu cầu nhựa đường tăng cao – Báo cáo công ty – VCSC – Ngày 16/09/2020

  • Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) là công ty con của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX), nhà phân phối xăng dầu hàng đầu Việt Nam. Tính theo mảng kinh doanh, dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất & chất phụ gia lần lượt đóng góp 52%,27% và 20% lợi nhuận gộp năm 2019.
  • LNST giảm 7% YoY trong 6 tháng đầu năm 2020, chủ yếu đến từ sự sụt giảm trong doanh thu và lợi nhuận của mảng hóa chất do các gián đoạn kinh tế từ dịch COVID-19 – phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng tích cực từ mảng nhựa đường nhờ giải ngân đầu tư công cho cơ sở hạ tầng giao thông tăng cao.
  • Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công cho hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2020-2021 sẽ là động lực hỗ trợ chính cho lợi nhuận của PLC. Vì quá trình trải nhựa đường thường được tiến hành ở giai đoạn sau của các dự án xây dựng, VCSC cho rằng doanh thu của PLC sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2022.
  • Giá cổ phiếu của PLC đã phản ánh vượt mức lợi nhuận trượt của công ty với kỳ vọng về khả năng giành được hợp đồng xây dựng hạ tầng trong tương lai, với P/E trượt tăng đạt 11,7 lần so với mức trung bình 5 năm là 7,0 lần. Tuy nhiên, dự báo của VCSC cho rằng giá cổ phiếu PLC sẽ vẫn tương đối hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2021 đạt 11,5 lần.
  • PLC duy trì tỷ lệ thanh toán cổ tức trung bình ở mức 95% trong vòng 4 năm qua. VCSC dự báo cổ tức tiền mặt/cổ phiếu ở mức 1.200 đồng trong năm 2020 và 1.600 đồng trong năm 2021, tương ứng lợi suất cổ tức lần lượt là 5,7% và 7,6%.
  • Rủi ro chính cho quan điểm của VCSC:

(1) giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến có thể làm giảm doanh thu và biên lợi nhuận gộp mảng nhựa đường, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của PLC;

(2) Khả năng trì hoãn thanh toán và rủi ro nợ xấu, vốn là vấn đề thường gặp trong ngành;

(3) rủi ro biến động tỷ giá.

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1HV-xDcOyakefFttMhRVLGLbZGBXMEe34/view?usp=sharing

2. MWG – DMX siêu nhỏ nắm bắt nhu cầu chưa được đáp ứng – Báo cáo thăm DN – VCSC – Ngày 16/09/2020

  • VCSC đã tham gia chuyến tham quan các cửa hàng DMX siêu nhỏ (điện máy) tổ chức bởi CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tại Tây Ninh (khu vực Đông Nam Bộ) vào ngày 09/09/2020. Các ghi nhận chính củng cố dự báo của VCSC cho rằng mô hình cửa hàng mới này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của DMX trong vòng 2-3 năm tiếp theo. Mô hình DMX siêu nhỏ là một minh chứng khác cho năng lực hàng đầu của MWG trong việc tìm kiếm và thực hiện các ý tưởng mới.
  • Mô hình DMX siêu nhỏ được hỗ trợ bởi hạ tầng logistics hiện hữu của MWG (cụ thế, trung tâm phân phối) giúp tiếp cận các khu vực nông thôn – một điểm mạnh mà các đối thủ nhỏ hơn khó có thể bắt kịp.
  • Mỗi cửa hàng DMX siêu nhỏ (120-150 m2; cách sắp xếp cửa hàng tương đối theo tiêu chuẩn) bao gồm khoảng 60% đơn vị sản phẩm (SKU) của các cửa hàng DMX mini (300-350 m2). Lượng SKU này đáp ứng nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng đối với các nhóm hàng cốt lõi, bao gồm ĐTDĐ và phụ kiện, điện máy, đồ gia dụng và dụng cụ nhà bếp.
  • Theo MWG, mô hình DMX siêu nhỏ ghi nhận biên lợi nhuận gộp cao hơn các mô hình DMX lớn hơn nhờ đóng góp doanh thu cao hơn từ đồ gia dụng. Chi phí hoạt động (cụ thể, giá thuê mặt bằng và lương nhân viên) cũng thuận lợi do các cửa hàng này nằm tại khu vực thưa dân cư.
  • MWG đặt mục tiêu mở tổng cộng 300/1.000/1.200 cửa hàng DMX siêu nhỏ vào cuối năm 2020/2021/2022, nhìn chung phù hợp với dự báo của VCSC.
  • Sau mô hình siêu nhỏ, ban lãnh đạo nhắm đến việc mở rộng sang thị trường quốc tế như một yếu tố dẫn dắt tăng trưởng tiếp theo cho DMX. Bên cạnh thị trường Cambodia hiện hữu, ban lãnh đạo đề cập đến các thị trường tiềm năng mới, có khả năng tiếp cận lớn hơn khác cho DMX như Philippines, Indonesia và Myanmar.
  • Xem thêm các thông tin và hình ảnh của VCSC ghi nhận từ chuyến tham quan doanh nghiệp.

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1hX-slAPvbVpzKvbb-O1MGOehzOX62fA4/view?usp=sharing

3. MWG: Cập nhật chuyến thăm cửa hàng: ĐMX Supermini – một chiến lược nâng cao thị phần, ĐMX Supermini sẽ có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn

  • Tiếp tục giành thêm thị phần để củng cố lợi thế cạnh tranh: Khi cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng ngày càng gay gắt, chiến lược này sẽ giúp MWG giành thêm thị phần bất chấp sự cạnh tranh. Một khi MWG có thể giành thêm được thị phần lớn ở khu vực nông thôn, MWG sẽ có được lợi thế thương lượng tốt hơn với các nhà sản xuất để cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Điều này sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh so với các chuỗi thương mại điện tử và thương mại hiện đại khác, vốn hiện diện chủ yếu ở khu vực thành phố. Theo quan điểm của SSI, bước cải tiến này không phải là điều dễ dàng thực hiện đối với các đối thủ cạnh tranh do nguồn lực logistics và độ bao phủ của các cửa hàng của MWG rộng hơn đối thủ.
  • ĐMX Supermini sẽ có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn do:

(1) doanh thu từ các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao nhiều hơn (đồ dùng nhà bếp và thiết bị gia dụng);

(2) chi phí thuê mặt bằng và nhân viên thấp hơn; và

(3) tận dụng các trung tâm phân phối hiện hữu.

  • Đối thủ cạnh tranh chủ yếu ở các khu vực nông thôn hẻo lánh là các cửa hàng nhỏ lẻ, có quy mô và khả năng tài chính yếu hơn nhiều so với MWG. Các cửa hàng này cũng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán nói chung (nhưng càng trở nên khó khăn hơn trong dịch bệnh), do đó có nhiều khả năng phải rời bỏ thị trường.
  • Trong ngắn hạn, SSI vẫn lo ngại về chi tiêu không thiết yếu ở các khu vực nông thôn, nơi thu nhập hộ gia đình thấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 2-3 năm tới, các khu vực nông thôn hẻo lánh có tiềm năng nhưng chưa được khai thác sẽ giúp MWG có thể gia tăng thị phần điện tử tiêu dùng từ 38% trong năm 2019 lên 60%.
  • Với giả định doanh thu/tháng/cửa hàng là 1,1 tỷ đồng, và công ty sẽ có 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2021, thì các cửa hàng này sẽ mang lại 13.200 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Do đó, SSI ước tính MWG sẽ có thể gia tăng thị phần khoảng ~10%. SSI sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ mở cửa hàng và doanh thu/tháng/cửa hàng của ĐMX Supermini. Lợi nhuận đang được xem xét

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1gSVFFXqzkIbCXskYdp3qlau_7pUNl1-J/view?usp=sharing

4. HDG (PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG, Giá mục tiêu: 25.000 Đồng/cp): Đặt mục tiêu vào năng lượng tái tạo

  • Tham vọng mở rộng hoạt động sang năng lượng tái tạo: Công suất phát điện dự kiến tăng 2,5 lần so với năm 2019 (tổng công suất là 395 MW), phần lớn do sự đóng góp từ các dự án mới như nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, nhà máy thủy điện Đakmi 2, và nhà máy điện gió Ninh Thuận 7A. Trong năm 2021, HDG dự kiến sẽ xây dựng được một danh mục đầu tư bao gồm 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, và 1 trang trại điện gió. Mảng năng lượng tái tạo của HDG có IRR hấp dẫn (13-20%), cùng với tỷ suất lợi nhuận gộp cao lên tới 72%, đây là một lợi thế đáng kể khi so sánh với các công ty cùng mảng điện ở Việt Nam. SSI tin rằng mảng điện của HDG có thể mang lại gần 2 nghìn tỷ đồng doanh thu (chiếm khoảng 35-38% trong tổng doanh thu), và đạt trên 500 tỷ đồng lợi nhuận ròng (chiếm khoảng 30-33% tổng lợi nhuận sau thuế) khi tất cả các nhà máy đi vào hoạt động.
  • Mảng bất động sản tiếp tục là điểm sáng: Kể từ khi thành lập, mảng bất động sản đã là 1 trong những hoạt động kinh doanh cốt lõi của HDG, và công ty đã phát triển trở thành một trong số các chủ đầu tư uy tín trên thị trường. Mặc dù định hướng của công ty là bớt phụ thuộc hơn vào mảng này trong tương lai, đây vẫn sẽ tiếp tục là 1 trọng tâm cốt lõi của HDG. Trong năm 2020, SSI ước tính HDG sẽ thu về 3,3 nghìn tỷ đồng doanh thu nhờ hoàn thành bàn giao dự án Centrosa. Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, HDG sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án có tiềm năng sinh lời cao, bao gồm Charm Villa, Green lane, Dịch Vọng và Kha Vạn Cân. Ngoài ra, HDG sẽ mở rộng hơn nữa mảng cho thuê văn phòng, mảng có nhiều dự án tiềm năng tại 15 địa điểm, và có triển vọng tạo ra doanh thu tiềm năng là 450 tỷ đồng mỗi năm.

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1tYE50fWkEpkFIjSJC-gqpwIG3v7uJdJ_/view?usp=sharing

5. VCB (PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG, Giá mục tiêu: 89.200 Đồng/cp): Lợi nhuận nửa cuối năm 2020 ước tính giảm mạnh do dư nợ chịu ảnh hưởng từ Covid-19

  • VCB công bố tăng trưởng lợi nhuận trước thuế Q2/2020 đạt 6,1% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm lên 10,98 nghìn tỷ đồng (-2,8% so với cùng kỳ), nhờ việc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động trong Q2 (-23,3% so với cùng kỳ).
  • Tăng trưởng tín dụng tiếp tục cao hơn mức bình quân ngành nhờ các khoản cho vay cá nhân mua nhà, trong khi hoạt động kinh doanh liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm mạnh.
  • Thu nhập lãi và NIM bị ảnh hưởng từ các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 26,1% trong tổng dư nợ) cũng như việc tái cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 (chiếm 1,53% tổng dư nợ).
  • Thu nhập từ phí ổn định trong Q2 do chính sách hỗ trợ giảm chi phí giao dịch của NHNN (Thông tư 04), và thu nhập kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhờ điều kiện thị trường tốt.
  • Nợ quá hạn tăng thêm 5,79 nghìn tỷ đồng (+69,3% so với đầu năm), trong đó 87% thuộc nợ nhóm 2. Tuy nhiên, VCB áp dụng chính sách trích lập dự phòng thận trọng hơn. Do đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 255% so với mức 180% trong năm 2019.
  • SSI điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 của VCB lần lượt là 20,06 nghìn tỷ đồng (-13,2% so với cùng kỳ) và 23,47 nghìn tỷ đồng (+17% so với cùng kỳ) tương đương giảm -9,5% và -10,2% so với ước tính trước đó của SSI.
  • SSI ước tính BVPS 2020/2021 ở mức 28.035 đồng/31.398 đồng, với giả định VCB sẽ phát hành thành công 6,5% vốn điều lệ với mức giá là 70.000 đồng/cp trong năm 2020.

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1y1fz_HAYGlhVVLMU11rGlIlfeJvAo3Cw/view?usp=sharing

6. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 16.200 đồng/CP- MBS – 19/09/2020

  • MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 16.200 đồng trên cơ sở (i) nhu cầu về may mặc toàn cầu cải thiện sau dịch bệnh, (ii) hưởng lợi từ EVFTA khi thị trường Châu Âu đóng góp tới trên 40% tổng doanh thu, (iii) sở hữu hệ thống quản trị nhân lực và hoạt động kinh doanh tốt, và (iv) chủ trương mở rộng năng lực sản xuất, đảm bảo đáp ứng sự gia tăng đơn hàng.
  • TNG đã có những bước đi thành công trong việc tái cơ cấu tệp khách hàng, trong đó tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín, như Decathlon (41%), TCP (17%), Haddad (7,4%) – công ty thiết kế và phát triển mẫu, sản xuất và phân phối các sản phẩm của Nike, Adidas, Levi’s…

Tiêu điểm đầu tư

  • KQKD kỳ vọng hồi phục trong 6 tháng cuối năm. MBS nhận thấy đã có dấu hiệu khả quan trong việc kiểm soát dịch bệnh trong thời gian gần đây, kéo theo triển vọng về cải thiện nhu cầu may mặc trên toàn thế giới. Kết quả kinh doanh của TNG vì vậy sẽ chứng kiến hồi phục rõ rệt hơn trong 2 quý cuối năm, đặc biệt trong Q3 – vốn là quý ghi nhận doanh thu lớn nhất trong năm theo yếu tố mùa vụ. MBS ước tính doanh thu Q3 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng ~18% n/n.
  • Đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đảm bảo đáp ứng gia tăng đơn hàng sau EVFTA. TNG hiện đang mở rộng sản xuất qua việc đầu tư vào một số dự án Nhà máy như Nhà máy May Võ Nhai, nhà máy May Đồng Hỷ. Dự kiến năm 2021 tăng thêm 16 chuyền may tại Võ Nhai và 15 chuyền Đồng Hỷ trong năm 2022. Số chuyền may dự kiến tăng mạnh từ 248 chuyền trong năm 2019 lên 295 chuyền đến năm 2022.
  • Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 sẽ tạo nguồn thu đều đặn trong dài hạn trong khi đồ trang phục bảo hộ y tế sẽ đóng góp thêm khoảng 10% doanh thu /năm cho TNG

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1LbG6vSYOTCki21_YQlzIH9SSy6–O0WS/view?usp=sharing

7. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua HPG với giá mục tiêu 31.300 đồng/CP – KBSV- 15/09/2020

  • Doanh thu, lợi nhuận quý 2 tăng trưởng lần lượt 35% yoy và 34% yoy: Doanh thu và lợi nhuận Quý 2 của HPG đạt lần lượt 20,694 tỉ đồng và 2,755 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 35% yoy và 34% yoy. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đạt 39,655 tỉ VND và 5,060 tỉ VND, tăng trưởng lần lượt 32% yoy và 31% yoy. Trong đó, mảng nông nghiệp lợi nhuận tăng đột lên lên mức 841 tỉ, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020 do giá thịt lợn tăng cao
  • Lũy kế 8 tháng 2020, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng HPG tăng trưởng 20% yoy, thị phần vươn lên mức 32%: Lũy kế 8 tháng 2020, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 2.13 triệu tấn, tăng trưởng 20% yoy. Thị phần ước tiêu thụ thép xây dựng 8 tháng 2020 vươn lên mức 32%, tăng 6% so với mức 26% của năm 2019. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm khác của Hòa Phát cũng có mức tăng trưởng tiêu thụ tốt, cụ thể tiêu thụ ống thép đạt 497 nghìn tấn (+3% yoy), phôi thép vuông cũng đạt mức 1.17 triệu tấn.
  • KBSV ước tính lợi nhuận 2H2020 đạt 4511 tỉ đồng: MBS ước tính lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2020 của Hòa Phát đạt hơn 4511 tỉ đồng, thấp hơn so với mức 5060 tỉ đồng của 1H2020 do

(1) có sự đóng góp doanh thu và lợi nhuận của sản phẩm mới HRC,

(2) lợi nhuận đột biến từ mảng nông nghiệp khó được duy trì khi giá thịt lợn đã giảm mạnh,

(3) chi phí giá quặng đầu vào tăng mạnh trong khi giá thép thành phẩm đầu ra chưa có nhiều cải thiện.

  • KBSV nâng mức giá mục tiêu của HPG lên mức 31,300 VND/CP cùng định khuyến nghị MUA, cao hơn 27% so với giá đóng cửa ngày 15/09/2020. Hòa Phát đã chứng minh mình là doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ khi không chịu ảnh hưởng nhiều bởi tác động Covid 19 như các doanh nghiệp sản xuất thép khác.

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1kWKKByBizorLFTt_kqFJbpFnOfRJpXBK/view?usp=sharing

8. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua NLG với giá mục tiêu khoảng 37.600 đồng/CP –MBS – 15/09/2020

  • MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu khoảng 37,600 đồng/CP trên cơ sở (i) sở hữu quỹ đất lớn 681ha tạo tiền đề tăng trưởng mạnh trong kinh doanh bất động sản, (ii) tập trung vào phân khúc căn hộ trung cấp & vừa túi tiền với nhu cầu ổn định, (iii) tự chủ cao về tài chính với đòn bẩy tài chính thấp so với các DN cùng ngành, (iv) LN 2021 đảm bảo và tăng trưởng mạnh nhờ tiến độ bán hàng tích cực sau dịch từ các dự án: Akari GĐ1 và Southgate GĐ1.

Tiêu điểm đầu tư:

  • NLG sở hữu quỹ đất sạch và lớn với tổng diện tích 681 ha tính đến cuối năm 2019, tập trung ở các vị trí như Long An, Đồng Nai, TP.HCM, Hải Phòng…, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh mảng kinh doanh BĐS, trong đó các dự án lớn như Akari, Mizuki, Southgate sẽ đóng góp chính vào KQKD giai đoạn 2020-2021. Các quỹ đất dài hạn tại các dự án Waterpoint (GĐ2), Waterfront, Paragon Đại Phước sẽ đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của NLG trong 5-10 năm tới.
  • Bên cạnh đó, với định hướng tập trung trong phân khúc căn hộ trung cấp và nhà ở “vừa túi tiền”, các sản phẩm của NLG đều được khách hàng đón nhận tích cực, như dự án Southgate Long An ngay khi mở bán trong cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã bán được cho 75 khách hàng.
  • Tiếp tục hợp tác với các đổi tác Nhật Bản phát triển các siêu dự án. Đa số các dự án của NLG đều liên doanh 50% với các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến các dự án của NLG có được sự an toàn về thu hồi vốn, đồng thời chất lượng và tiến độ pháp lý & xây dựng luôn được đảm bảo.
  • NLG sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng/năm để thâu tóm quỹ đất mới, đồng thời duy trì kiểm soát nợ vay ở mức thấp. Tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn chỉ khoảng 13% tính đến cuối Q2 2020

Dự phòng và Định giá:

  • LNST 2020 dự phóng đạt 844 tỷ đồng, chủ yếu đến từ phần lợi nhuận bán vốn cho đối tác, được ghi nhận vào cuối năm nay. MBS ước tính phần LN từ bán vốn 2 dự án tại Đồng Nai (Waterfront, Paragon), ước tính khoảng 700 tỷ đồng.
  • MBS xác định giá mục tiêu của NLG vào khoảng 37,600 đồng dựa trên phương pháp giá trị tài sản ròng RNAV. Giá mục tiêu tương ứng P/E forward 4,9 lần (theo EPS 2021F khoảng 2,212 đồng).

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/11s8cowEerszjt6aNwuPkwnnstNLbcvJZ/view?usp=sharing

9. (KHẢ QUAN) Khuyến nghị mua cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 23.100 đồng/CP – MBS -14/09/2020

  • MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng với giá mục tiêu 12 tháng vào khoảng 23.100 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) nhu cầu sử dụng lốp radial ngày càng tăng trong tương lai, (ii) chi phí nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức thấp, (iii) Nhà máy Radial GĐ1 không còn trích khấu hao từ 2021, và (iv) nhu cầu tiêu thụ xe trong nước tăng trở lại nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước.

Tiêu điểm đầu tư

  • Nhà máy Radial GĐ2 hoạt động 100% công suất từ năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất & tiêu thụ lốp radial. DN cho biết trong điều kiện hoạt động bình thường, hai nhà máy sản xuất lốp radial sẽ hoạt động hết công suất với số lượng lốp radial sản xuất bình quân khoảng 50.000 sp/tháng, trong đó xuất khẩu chiếm 70%, tập trung chủ yếu ở thị trường Mỹ & Brazil. Lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm gia tăng sản lượng bán lốp radial sang thị trường Mỹ – có sức tiêu thụ & hấp thụ khả quan.
  • Nhà mày Radial GĐ1 không còn trích khấu hao từ 2021, làm gia tăng LN DN. Thời gian khấu hao 7 năm của nhà máy Radial GĐ1 sẽ kết thúc vào cuối năm 2020, giúp DN có thể tiết kiệm 70 tỷ đồng/năm (tổng mức đầu tư 1.388 tỷ đồng, trích khấu hao nhanh) từ năm 2021.
  • Nhu cầu tiêu thụ xe trong nước tăng trở lại nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước, tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ lốp xe trong nước, trong khi đó sản lượng xuất khẩu sản phẩm từ cao su đang có dấu hiệu phục hồi từ tháng 7. Lượng xuất khẩu trong tháng 7 chứng kiến mức tăng 9,4%, cao hơn mức tăng 5,1% của tháng 6 so với cùng kỳ.

Thông tin cập nhật

  • Lãi ròng Q2 2020 giảm 39% n/n. Trong Q2 2020, DRC ghi nhận 789 tỷ đồng doanh thu, giảm 28% so với cùng kỳ. Biên LN gộp cải thiện nhẹ từ 14,4% trong Q2 2019 lên khoảng 14,9% trong năm nay nhờ (i) giá than mặc dù có tăng trong 3 tháng trở lại đây nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ, trong khi (ii) giá cao su thiên nhiên duy trì thấp kể từ giữa tháng 4.
  • Đặt kế hoạch kinh doanh Q3. Doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh Q3 với doanh thu giảm 2% nhưng LNTT giảm tới 39% n/n xuống còn khoảng 62 tỷ đồng do lo ngại doanh thu xuất khẩu thấp hơn trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Dự phóng và định giá

  • Năm 2020, MBS doanh thu và LNST giảm tương ứng ~10% và 30% n/n trong bối cảnh hoạt động xuấ khẩu và nhu cầu sử dụng sản phẩm săm lốp giảm mạnh trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Năm 2021 sẽ chứng kiến tăng 4% doanh thu và 20% lãi ròng trên cơ sở kỳ vọng nhu cầu sử dụng lốp tăng nhẹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm sau đai dịch.
  • MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu DRC vào khoảng 23.100 đồng dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/E và EV/EBITA. Giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 12,9 lần (theo EPS 2021F khoảng 1.796 đồng)

Link tải báo cáo full:

https://drive.google.com/file/d/1E-G4v8FZVRBbNoSo24vaGwOX8JWBrDdk/view?usp=sharing

Quý nhà đầu tư lưu ý:

  • Đây là báo cáo tổng hợp quan điểm từ phía các cty chứng khoán, KHÔNG PHẢI QUAN ĐIỂM CỦA TEAM.

———-Team LTBNM tổng hợp ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN