Tổng quan báo cáo tài chính là gì?
Lập báo cáo tài chính là nghiệp vụ quan trọng không chỉ với doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến các đơn vị, cá nhân có liên quan như ngân hàng, cổ đông,… Vậy báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính (BCTC) là gì?
Báo cáo tài chính (BCTC) là một hệ thống bao gồm toàn bộ những thông tin kinh tế và tài chính của tổ chức, được trình bày với quy chuẩn, quy định theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán. Thông qua đó cung cấp tất cả dữ liệu như dòng tiền, nợ, vốn, tài sản, thu chi trong kỳ,…
Thuật ngữ báo cáo tài chính dịch ra tiếng anh là Financial Statement. Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp, việc tổ chức lập và công bố báo cáo thực hiện vào những thời điểm khác nhau. Thông thường sẽ tập trung cuối mỗi quý và cuối năm, tổ chức cần nộp báo cáo tài chính trung thực và chính xác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ý nghĩa việc lập báo cáo tài chính
Việc lập báo cáo tài chính căn cứ theo chuẩn mực VAS 21 quy định của Bộ tài chính trong việc trình bày báo cáo tài chính, mục đích lập nhằm:
- Phản ảnh theo trật tự cấu trúc chặt chẽ tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ. Báo cáo cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh, luồng tiền phát sinh của doanh nghiệp, từ đó cổ đông và nhà quản lý có được cái nhìn tổng quan nhất, giúp đưa ra quyết định kinh tế sáng suốt hơn.
- Lập báo cáo tài chính đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan đối với tổ chức. Ví dụ, việc đi vay vốn mở rộng kinh doanh, phía ngân hàng yêu cầu được đánh giá và phân tích báo cáo tài chính của tổ chức một cách chính xác, từ đó mới quyết định chấp nhận hay từ chối cho vay vốn và đưa ra hạn mức cho vay cùng thời gian trả lãi phù hợp. Nếu không có báo cáo, phía ngân hàng không có cơ sở để đưa ra những quyết định này, phía doanh nghiệp cũng không thể chứng minh khả năng trả nợ của bản thân trong tương lai.
- Báo cáo tài chính cần được lập để hỗ trợ quá trình quyết toán thuế của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp có trách nhiệm trả thuế thu nhập cùng nhiều loại thuế khác. Nếu không lập báo cáo, tổ chức chưa thể xác định tổng lợi nhuận chịu thuế và sau thuế của mình. Lập báo cáo giúp quá trình thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với nhà nước diễn ra trơn tru, minh bạch hơn.
- Báo cáo tài chính giúp xác định các dòng tiền phát sinh, dự đoán luồng tiền trong tương lai, biết được thời điểm và mức độ chắc chắn tạo ra tiền hoặc các khoản tương đương tiền của tổ chức.
Với bốn mục đích quan trọng nói trên, một báo cáo tài chính cần cung cấp những nội dung gồm: Tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, doanh thu, chi phí, lãi lỗ và phân phối lợi nhuận,…
Có bao nhiêu loại báo cáo tài chính doanh nghiệp?
Dựa theo cách phân loại báo cáo tài chính, việc lập và trình bày tuân theo cơ sở nội dung phản ánh thì có hai loại:
- Báo cáo tài chính hợp nhất được lập nhằm mục đích tổng hợp toàn bộ tình hình tài chính và kinh doanh của tập đoàn. Bao gồm công ty mẹ quản lý và các công ty con trong hệ sinh thái chung, kể cả công ty liên kết..
- Báo cáo tài chính riêng lẻ chỉ thể hiện tình hình tài chính và kinh doanh của bản thân một doanh nghiệp.
Phân loại theo thời điểm lập báo cáo sẽ có hai loại:
- Báo cáo tài chính hằng năm: Đây là loại báo cáo được lập và tính theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán hằng năm, đảm bảo tròn 12 tháng sau khi có thông báo của cơ quan thuế. Bản thân doanh nghiệp được phép thay đổi kỳ kế toán năm, với điều kiện lập riêng báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa hai kỳ kế toán năm tài chính cũ và mới.
- Báo cáo tài chính giữa niên độ: Là loại báo cáo lập cho bốn quý của năm tài chính cùng với báo cáo tài chính bán niên. Loại báo cáo này được xây dựng dựa theo mẫu cụ thể tại quy định trong pháp luật dưới dạng tóm lược và đầy đủ. Những doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty niêm yết bắt buộc phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Các loại hình doanh nghiệp khác được khuyến khích chứ không bắt buộc.
Nội dung bộ báo cáo tài chính chi tiết?
Báo cáo tài chính gồm những gì? Một bộ báo cáo tài chính chi tiết sẽ có 4 nội dung quan trọng:
Bảng cân đối kế toán:
- Bảng cân đối kế toán tóm tắt và phản ảnh tổng quát tình hình toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn của tổ chức ở thời điểm nhất định. Nó phản ánh nguồn lực tài chính doanh nghiệp thông qua các số liệu về giá trị tài sản, nguồn vốn tính tới thời điểm lập báo cáo. Những số liệu này giúp chứng minh quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp với tài sản, trách nhiệm pháp lý với nhà nước, nhà đầu tư và cổ đông.
- Bảng cân đối kế toán sẽ được lập theo chuẩn mực kế toán số 21 quy định về “trình bày báo cáo tài chính”. Bảng báo cáo này nếu lập bởi các tổ chức tài chính như ngân hàng sẽ có quy chuẩn riêng trong cách trình bày. Người mới tìm hiểu cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn, đặc biệt là khoản tài sản, nợ phải thu, ghi “nợ” và “có”.
Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
- Nội dung trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho phép người đọc biết được doanh thu, chi phí phát sinh, thu nhập ròng, lời hay lỗ trong kỳ. Nó còn phản ánh xu hướng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai ra sao, thông qua phân chia cổ tức. Nếu tỷ lệ lợi nhuận giữ lại cao thay vì chia cho cổ đông có nghĩa tổ chức đang muốn mở rộng, phát triển đầu tư.
Bộ phận kế toán của doanh nghiệp sẽ lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm hai phần quan trọng:
- Thể hiện lãi lỗ trong kỳ: Doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, khoản giảm giá, chiết khấu thương mại, giá vốn hàng bán, chi phí lưu thông, chi phí quản lý, các khoản trích lục dự phòng,…
- Phản ánh tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước: Các khoản thuế đóng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí phát sinh cho hoạt động công đoàn, lệ phí,…
Việc phân tích báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh theo hướng phản ánh biến động tăng giảm từng khoản mục ở thời điểm đầu và cuối năm. Ngoài ra người ta còn phân tích bằng cách so sánh các khoản mục với doanh thu tổng để xác định tỷ lệ kết cấu phù hợp.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
- Đây là báo cáo thể hiện luồng tiền thu chi trong một khoản thời gian cụ thể. Phương pháp kế toán dồn tích được bộ phận kế toán thường xuyên sử dụng để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ vì: Phương pháp này có tính cả phần doanh thu mà doanh nghiệp dự định nhận nhưng chưa thực nhận, phần chi phí đã phát sinh nhưng chưa thực hiện thanh toán. Điều đó giúp thể hiện chính xác hơn tình hình lưu chuyển tiền tệ của tổ chức.
Thuyết minh báo cáo tài chính:
- Đây là mục được đính kèm trong báo cáo tình chính và không thể tách rời. Nó dùng để phân tích chi tiết những thông tin, số liệu đã trình bày ở ba báo cáo trên. Bản thuyết minh mang tính tường thuật các thông tin theo quy chuẩn và chuẩn mực kế toán cần được trình bày một cách trung thực.
- Thuyết minh báo cáo tình chính sẽ thể hiện thông tin và cơ sở lập báo cáo tài chính, các chính sách kế toán được chọn, bổ sung thông tin trọng yếu chưa được nhắc đến,…
Các thông tin quan trọng khác về báo cáo tài chính
Sau đây sẽ là những thông tin quan trọng khác liên quan đến báo cáo tài chính mà mọi người không nên bỏ qua.
Kỳ lập báo cáo tài chính trong năm
Kỳ lập báo cáo tài chính hằng năm và giữa niên độ có sự khác nhau:
- Báo cáo tài chính hằng năm phải lập theo năm tài chính quy định trong Luật kế toán.
- Báo cáo tài chính giữa niên độ thì lập vào mỗi quý trong năm, đi kèm với báo cáo nửa năm tính theo năm tài chính của Luật kế toán.
- Đối với báo cáo tài chính lập theo tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng sẽ lập theo yêu cầu của pháp luật, theo quy định công ty mẹ hay của chủ sở hữu công ty.
- Đối với những doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, thâu tóm, chia tách,… sẽ lập báo cáo tài chính ngay tại thời điểm thực hiện các hoạt động trên.
Thời hạn nộp báo cáo tài chính
Căn cứ theo điều 29 khoản 3 của Luật kế toán 2015, quy định về thời hạn nộp với mỗi loại hình doanh nghiệp không giống nhau:
Doanh nghiệp nhà nước:
- Báo cáo quý được nộp chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Nếu là công ty mẹ lập hoặc tổng công ty nhà nước thì thời gian chậm nhất 45 ngày. Trường hợp báo cáo lập bởi công ty trực thuộc công mẹ, đơn vị kế toán nộp cho công ty mẹ theo thời hạn quy định bởi chính công ty mẹ.
- Báo cáo năm có thời hạn nộp chậm nhất 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Nếu báo cáo lập bởi công ty mẹ thì thời gian sẽ là 90 ngày. Riêng báo cáo lập bởi đơn vị kế toán doanh nghiệp trực thuộc phải nộp về công ty mẹ theo thời hạn công ty chủ quản quy định.
Những loại hình doanh nghiệp còn lại:
- Đơn vị kế toán tư nhân và công ty hợp danh cần lập và nộp báo cáo tài chính chậm nhất 30 ngày nếu là báo cáo năm.
- Đối với đơn vị kế toán khác thì thời gian nộp chậm nhất là 90 ngày.
Ngoài ra, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ quy định nơi nhận báo cáo khác nhau. Có thể kể đến như cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê, doanh nghiệp cấp trên, cơ quan đăng ký kinh doanh.
Việc nắm bắt các nội dung quan trọng, hiểu rõ bộ phận cấu thành nên một báo cáo tài chính không chỉ giúp người đọc có được kiến thức kế toán cần thiết, trau dồi kinh nghiệm nghiệp vụ kế toán. Bản thân nhà đầu tư có thể dựa vào đó để đánh giá và phân tích tình hình một doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất.
Trên đây là toàn bộ thông tin quan trọng giải đáp cho câu hỏi báo cáo tài chính là gì? Nắm rõ thành phần của một bộ báo cáo, ý nghĩa và phân loại chúng giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn, từ đó hoàn toàn có khả năng tự mình phân tích một báo cáo tài chính hoàn chỉnh.
– Link tư vấn room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu
———-Team LTBNM tổng hợp ————-