Cập nhật bctc một số công ty đáng chú ý ra trong kỳ bctc Quý IV – 2023

Lượt xem: 824 | Ngày đăng: 23/01/2024 | Báo cáo phân tích Blog

NTP:

NTP đã công bố b ctc Q4-2023 với doanh thu 1,351 tỷ đồng, giảm 13.5% yoy nhưng nhờ giá vốn giảm cùng các chi phí không tăng nên lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng mạnh 137.8% yoy. Qua đó đưa EPS công ty lên 4.3k/cp. Tuy nhiên cần lưu ý nền lợi nhuận cùng kỳ thấp và từ quý tới nền sẽ cao hơn nên mức tăng trưởng mạnh sẽ khó duy trì nhưng vẫn có thể tăng trưởng được ở mức 30-40%  trong 2 quý tới. Đỉnh EPS có thể đạt 4.6-5k/cp. Tuy nhiên cần chú ý biến động giá nhựa PVC để update chính xác hơn.

LHG

LHG ra báo cáo tài chính khá đáng chú ý khi doanh thu tăng trưởng 40.3%, lợi nhuận sau thuế đạt 61.6 tỷ đồng, tăng 102% yoy. Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng doanh thu trong Q4 đến từ mảng cho thuê nhà xưởng xây sẵn. Đây là mảng công ty đã liên tục mở rộng trong năm 2023 để tăng số nhà xưởng có thể cho thuê.

Dự kiến các quý tới mảng này sẽ tiếp tục duy trì mức cao giúp công ty có dòng tiền ổn định. Về mảng cho thuê đất KCN, LHG vẫn còn khoảng 40ha sẵn sàng cho thuê tại KCN Long Hậu 3 – GD1. Các kcn đang triển khai để gối đầu các năm sau ( Cụ thể như trên ảnh ). Ngoài ra trên BCTC khoản người mua trả trước ngắn hạn ( khoản cọc thuê đất ) có dấu hiệu tăng trở lại trong Q4 với gần 20 tỷ đồng.

NTC

NTC cũng ra báo cáo khá ổn đi kèm các thông tin 2024 sẽ cho thuê KCN NTU3. Cụ thể Q4 NTC ghi nhận doanh thu 62.7 tỷ đồng, giảm 21.2% yoy. Biên lợi nhuận gộp 67.5%, tương đương cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 66.1 tỷ đồng (31.5 tỷ đồng tới từ tiền gửi lãi, 34.5 tỷ đồng từ nhận cổ tức trong kỳ) tăng 47.3 tỷ so với cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 67.6 tỷ đồng, tăng 45.9% yoy. Đáng chú ý lợi nhuận sau thuế của công ty còn cao hơn cả doanh thu. Điểm nhấn trên bctc Q4 của NTC nằm ở khoản mục người mua trả trước ngắn hạn khi có thêm khoản 232 tỷ đồng tới từ khoản ứng trước tiền thuê đất:

Đây chính là khoản công ty nhận ứng trước cho diện tích cho thuê tại KCN NTU3. Đây là KCN sẽ bắt đầu cho thuê và bàn giao đất từ Q4-2023 với tổng quỹ đất là 254ha thương phẩm và giá cho thuê khoảng 120-130USD/m . Ngoài ra còn một số KCN ở các công ty liên kết đáng chú ý:

DDV

DDV cũng là công ty đáng chú ý tiếp theo công bố bctc với kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Cụ thể doanh thu thuần tăng 3.5% từ 808 tỷ đồng lên 835 tỷ đồng. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh so với cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận gộp tăng mạnh 4.9 lần yoy từ 24.7 tỷ đồng lên 121.6 tỷ đồng.

Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh so với cùng kỳ nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với mức tăng lợi nhuận gộp nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh hơn 8 lần so với cùng kỳ ( 62.5 tỷ đồng so với 7.1 tỷ đồng).

Với DDV nguyên liệu chính đầu vào là quặng Apatit, Lưu huỳnh, amoniac và than cám và đầu ra là phân bón DAP. Với DAP các chi phí đầu vào đa phần là sản phầm đầu chuỗi nên không có nhiều biến động lớn về giá mà biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc nhiều vào giá bán DAP đầu ra. Trong quý 4 giá DAP tăng tốt giúp cho biên lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên hiện tại giá DAP đang giảm nhẹ trở lại là điều đáng lưu ý với nhà đầu tư và cần theo dõi diễn biến này. Ngoài ra dù đầu vào chi phí không có biến động nhiều nhưng cũng cần chú ý nếu có đầu tư với DDV.

SHS

SHS công bố BCTC với doanh thu thuần -9 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp lại đạt 266 tỷ nhờ giá vốn cũng âm. Lợi nhuận gộp của SHS tăng 13.7% yoy. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 179 tỷ đồng, tăng 26% yoy. Đóng góp lợi nhuận chính cho SHS là 2 mảng tự doanh và cho vay với lần lượt tỉ trọng lợi nhuận gộp là 59.8% và 51.9% (do mảng hoạt động khác âm nên tổng % 2 mảng chính > 100%).

          Mảng tự doanh của SHS chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản công ty với 44%, tương đương 5,032 tỷ đồng. Đa phần các công ty chứng khoán khác thì phần lớn tài sản tự doanh sẽ nằm ở trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi thì với SHS tỉ trọng chính lại nằm ở cổ phiếu với tỉ trọng lên tới 73.4%. Trái phiếu chiếm 26.6% còn lại. Các cổ phiếu chính công ty nắm giữ là EIB, MWG và FRT. Ngoài ra nằm ở mục AFS còn có thêm SHB.

Như vậy có thể thấy mảng tự doanh của SHS sẽ biến động rất lớn theo biến động chung của thị trường và vì thế kết quả kinh doanh cổ phiếu này sẽ rất nhạy với thị trường.

          Mảng cho vay vẫn duy trì mức đi ngang trong 3 quý gần đây với tỉ lệ cho vay/VCSH ở mức thấp quanh 38% cho thấy công ty vẫn đang gặp khó khăn trong khoản thu hút khách hàng và thúc đẩy nhu cầu vay margin tại công ty (đa phần các công ty đều tăng được khoản cho vay của mình).

Như vậy với BCTC Q4-2023 cho thấy SHS vẫn chưa tận dụng được thị trường để đẩy mạnh mảng cho vay của mình và động lực tăng trưởng chính vẫn đang phụ thuộc vào mảng tự doanh với nhiều biến động khó lường.

BSI

BSI công bố bctc Q4 cho thấy sự chững lại trong đà tăng ấn tượng về kết quả kinh doanh và đặc biệt là mảng cho vay trong các quý trước. Cụ thể Q4 doanh thu của BSI đạt 269 tỷ đồng, tăng 8.9% yoy. Lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỷ đồng, tăng 300% yoy. Tuy nhiên so với 3 quý gần nhất thì kết quả này là khá kém ấn tượng. Đóng góp chính vào lợi nhuận công ty vẫn là mảng cho vay với tỉ trọng đóng góp 71.6% nên có thể nói dẫn dắt chính cho hoạt động kinh doanh của BSI vẫn là mảng cho vay .

Trong Q4-2023 mảng cho vay đã có dấu hiệu chững lại sau 4 quý tăng liên tiếp với tổng tài sản cho vay là 4,296 tỷ đồng, cao hơn 45% so với cùng kỳ. Nhưng so với quý liền trước thì đã giảm 6.5% ( Q3 là 4,592 tỷ đồng ). Vì vậy nếu đầu tư mới với BSI mọi người cần chú ý tới mảng cho vay của công ty xem còn trở lại tăng trưởng được trong các quý tới không.

VND

VND báo cáo KQKD Q4-2023 tăng trưởng mạnh về mặt lợi nhuận nhờ động lực đến từ mảng tự doanh. Cụ thể doanh thu công ty đạt 1,933 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, tuy nhiên nhờ giá vốn giảm mạnh ở mảng tự doanh đã giúp cho lợi nhuận sau thuế công ty tăng mạnh lên 820 tỷ đồng. Đóng góp chính vào lợi nhuận của công ty là mảng tự doanh với tỉ trọng đóng góp 55%. Mảng tự doanh của công ty chủ yếu là nguồn mang lại lợi nhuận ổn định như trái phiếu chiếm 49.2%, chứng chỉ tiền gửi chiếm 36.2% và còn lại là cổ phiếu chỉ chiếm 14.6%. Ngoài các mảng trên thì lợi nhuận Q4 của công ty còn được hỗ trợ nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính với 112 tỷ đồng.

TCB

TCB vừa công bố bctc Q4 với khá nhiều dấu hiệu tích cực cũng như điểm đáng chú ý:

          Tổng lợi nhuận thuần đạt 11,017 tỷ đồng, tăng 16.9% yoy. Lợi nhuận trước thuế đạt 5,773 tỷ đồng, tăng 21.6% yoy. Ngoài ra thu nhập lãi thuần cũng tăng trưởng 11.4% yoy.

          Nợ xấu giảm từ 1.36% tại Q3 về 1.16%. Nợ nhóm 2 cũng tiếp tục giảm trong Q4 sau khi giảm khá mạnh vào Q3-2023. Sau Q2 nợ nhóm 2 chỉ còn 4,439 tỷ đồng. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 102%

          Tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 23.2%, cao hơn 2022 với 21.3% và cao hơn rất nhiều mức trung bình ngành. Đáng chú ý tín dụng cho vay tại các tổ chức kinh tế vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm BĐS với 176.8k tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 60%.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

– Link room telegram miễn phí: https://t.me/cknuocmam
– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN