CTG – có gì cho 2024?

Lượt xem: 959 | Ngày đăng: 06/02/2024 | Báo cáo phân tích Blog

CTG vừa công bố báo cáo tài chính Q4-2023 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá tốt trong điều kiện kinh doanh còn tương đối nhiều khó khăn. Ngoài ra các chỉ số tài chính quan trọng của công ty cũng có những thay đổi với khá nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể hơn chúng tôi sẽ cập nhật trong bài viết này tới quý nhà đầu tư.

I. Kết quả kinh doanh

Trong Q4-2023 CTG đã ghi nhận tổng lợi nhuận thuần đạt 18,475 tỷ đồng, tăng 7.1% yoy. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 14,572 tỷ đồng, tăng 13.4% yoy. (Hình 1)

Nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm và chi phí hoạt động không tăng lên so với cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7,698 tỷ đồng, tăng 43.9% yoy. Đây là mức tăng khá mạnh trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn của ngành ngân hàng ( giá vốn đầu vào lãi suất cao còn đầu ra hạ lãi suất ).

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng gặp khó khăn về hiệu suất hoạt động do chi phí đầu vào tăng còn lãi suất cho vay liên tục giảm trong năm 2023 thì CTG đã cho thấy khả năng quản lý chi phí cũng như hiệu suất hoạt động rất tốt. CTG là một trong rất ít ngân hàng có thể kiểm soát được NIM duy trì như giai đoạn 2021-2022 và trong suốt năm 2023 NIM của CTG gần như không đổi. NIM Q4-2023 của CTG đạt 2.95%, cao hơn 0.02% so với cùng kỳ. Chiến thuật của CTG để duy trì được NIM ở mức cao là do ngân hàng đã nhanh chóng hạ chi phí vốn bằng cách giảm lãi suất huy động, tăng Casa và đảo sang nguồn huy động chi phí thấp (tăng huy động liên ngân hàng và giảm phát hành giấy tờ có giá)

Về tỉ trọng đóng góp từng mảng thì đóng góp chính vẫn là mảng tín dụng với tỉ lệ 78.9%, tiếp theo là mảng dịch vụ với 8.4% và các mảng còn lại chiếm 12.7% chủ yếu là kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác (các hoạt động xử lý, thu hồi nợ). (Hình 2)

Hoạt động tín dụng của CTG vẫn đang kinh doanh tốt với tổng tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 17.5% với tổng tài sản cho vay đạt khoảng 1.47 triệu tỷ đồng, cao hơn mức trung bình của ngành và cũng cao hơn nhiều so với các năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn của toàn ngành trong năm 2023. (Hình 3)

Trong thuyết minh báo cáo tài chính ngân hàng không có thuyết minh chi tiết khoản cho vay đối với các đối tượng, tổ chức kinh tế khác nhau nhưng tại các báo cáo quý trước thì tỉ lệ tăng trưởng tín dụng lớn ở nhóm ngành FDI và bán lẻ

Về mảng kinh doanh ngoài lãi thì phần lớn tới từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối. Ngoài ra là mảng kinh doanh khác. Cụ thể:

  • Mảng hoạt động dịch vụ: Quý 4 ghi nhận lãi 1,554 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, giảm 13% yoy. Nguyên nhân giảm chủ yếu tới từ việc mảng bảo hiểm, mảng có đóng góp lớn nhất bị xiết chặt từ năm 2023 nên ngân hàng nào cũng bị giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Các mảng kinh doanh số được cải thiện và tăng trưởng khá tốt nhưng cũng không đủ bù đắt cho sự sụt giảm của mảng bảo hiểm.
  • Mảng kinh doanh ngoại hối: Trong Q4 mảng này giảm khá nhiều so với cùng kỳ do cùng kỳ 2022 tỷ giá biến động mạnh dẫn tới nhu cầu ngoại hối cao hơn còn cuối 2023 tỷ giá đã không còn căng thẳng như trước nên doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với Q4-2022. Trong thời gian tới khả năng cao tỷ giá cũng sẽ dần hạ nhiệt khi FED dần ổn định lãi suất và hạ dần.
  • Mảng khác: Đóng góp chủ yếu là hoạt động xử lý và thu hồi nợ của ngân hàng. Mảng này có phần đi xuống trong bối cảnh khó khăn chung khiến hoạt động xử lý gặp nhiều khó khăn hơn. Tính cả năm 2023 lợi nhuận mảng này đạt 5748, giảm 13% yoy.

Như vậy chúng ta thấy rằng cả 3 mảng kinh doanh ngoài lãi năm 2023 của CTG đều có phần giảm nhẹ so với năm 2022 do tình hình kinh doanh khó chung và một phần nền năm 2022 là khá cao. Trong năm 2024 áp lực tăng trưởng các mảng này sẽ bớt áp lực hơn do mức nền 2023 thấp và các động lực tăng trưởng là có dù không quá lớn.

II. Phân tích các chỉ số kinh doanh quan trọng

Dưới đây là những chỉ số kinh doanh quan trọng nhất đối với các ngân hàng trong đó có CTG. Từ đó chúng ta sẽ nhìn ra rõ ràng hơn về bức tranh tài chính của ngân hàng. Nếu chỉ nhìn kết quả kinh doanh thì sẽ là không đủ và cũng rất khó dự đoán được cho các quý tiếp theo. Cụ thể dưới đây là các chỉ số chính:

1. Tín dụng

Đây là chỉ số quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần của ngân hàng. Tín dụng được chia làm 2 phần chính cho dễ hiểu là đầu vào và đầu ra:

  • Về đầu ra chính là liên quan tới nghiệp vụ cho vay. Kết thúc Q4-2023 CTG cho vay tổng cộng khoảng 1.47 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 17.5%. Đây là các số liệu hết sức ấn tượng, nhất là đóng góp trong Q4-2023. Chỉ riêng trong Q4 tăng trưởng tín dụng đã đóng góp 7.7% tăng trưởng cả năm. Trong năm 2023, nhất là từ Q2 trở đi các ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất huy động và cả cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tuy nhiên do đầu vào cuối 2022 huy động lãi suất cao nên chi phí vốn bị tăng lên khiến cho nhiều ngân hàng gặp khó khăn, NIM giảm. Tuy nhiên CTG đã kiểm soát rất tốt để duy trì được NIM ở mức đi ngang thay vì giảm như các ngân hàng khác. Biện pháp chúng tôi đã nhắc ở trên đó là ngân hàng đã linh động sử dụng các kênh huy động có giá vốn thấp hơn như kênh liên ngân hàng, tăng casa hay giảm phát hành các giấy tờ có giá,…

Trong năm 2024 với nền lãi suất vẫn giữ ở nền thấp cùng với việc giá vốn đầu vào cao sẽ đáo hạn vào cuối 2023 thì khả năng cao NIM của CTG sẽ được cải thiện và tăng lên trên mức 3%. Ngoài ra mức tăng trưởng tín dụng dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn nhờ việc nhà nước có thêm nhiều biện pháp để tiếp tục hỗ trợ thị trường.

  • Về đầu vào chính là nghiệp vụ huy động. Đầu tiên tiền gửi khách hàng cả năm 2023 tăng 13% so với đầu năm, trong đó tăng mạnh nhất là vào Q4-2023 tức tiền gửi huy động của CTG ở vùng lãi suất thấp. Ngoài ra casa của CTG cũng liên tục được cải thiện từ đầu năm từ mức 17.5% lên 22%, mức casa cao nhất trong lịch sử ngân hàng. Đây chính là động lực giúp cho chi phí đầu vào của CTG sẽ tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn tới và cũng là tích cực nếu so với các ngân hàng khác. (Hình 4)

2. Nợ xấu

Nợ xấu là câu chuyện lớn nhất trong năm 2023 và cũng là vấn đề đang khiến rất nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong xử lý. Đa phần các ngân hàng đều tăng mạnh nợ nhóm 2 sau khi thông tư về giãn nợ hết hạn và sau đó là nợ xấu cùng tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh thêm. Nhưng với CTG thì lại hoàn toàn khác, ngân hàng đã xử lý và quản lý nợ xấu rất tốt. Trong năm 2023 không những nợ xấu không tăng mà còn giảm so với năm 2022. (Hình 5)

Theo đó đến cuối Q4-2023 nợ xấu của CTG là 16,608 tỷ đồng, giảm đến hơn 2k tỷ đồng so với quý gần nhất là Q3-2023. Tỉ lệ nợ xấu giảm xuống chỉ còn 1.13%, mức thấp hơn nhiều so với tỉ lệ nợ xấu của toàn ngành.

Về các nhóm nợ của ngân hàng, dù nợ nhóm 2 có tăng lên khá nhiều trong năm 2022 và đầu 2023 nhưng đã được xử lý rất tốt giúp cho nợ xấu không tăng trong các quý gần đây. Nợ nhóm 2 sau khi tăng mạnh và tạo đỉnh vào Q1-2023 thì đã giảm khá nhiều trong 3 quý gần đây và nhất là Q4-2023. Sau Q4-2023 nợ nhóm 2 chỉ còn 22,829 tỷ đồng, giảm 12,790 tỷ đồng so với vùng đỉnh. So với 2022 thì các nhóm nợ xấu (Nhóm 3, 4, 5) vẫn được kiểm soát khá tốt trong năm 2023 qua đó giúp cho tỉ lệ nợ xấu không tăng. (Hình 6)

Có 1 đáng chú ý nhỏ là nợ nhóm 3,4 có xu hướng giảm dần qua các quý nhưng nợ nhóm 5, nhóm có khả năng mất vốn của CTG lại đang tăng trở lại trong các quý gần đây sau khi đã giảm mạnh vào đầu năm. Chúng ta cần theo dõi thêm nhóm nợ này trong các quý tới của ngân hàng. (Hình 7)

Tuy nhiên nhờ bộ đệm dự phòng lớn cũng giúp cho CTG thoải mái hơn và dễ dàng hơn trong việc xử lý và quản lý nợ xấu của mình. Theo đó tỉ lệ bao phủ nợ xấu của CTG vẫn đang được duy trì ở mức cao với 167% trong Q4-2023, đứng thứ 2 toàn ngành chỉ sau VCB. Trong Q4 CTG đã giảm dự phòng rủi ro cho vay để hỗ trợ lợi nhuận cho ngân hàng nhưng hiện vẫn ở mức an toàn và phần nào là áp lực nợ nhóm 2 cũng giảm bớt nên ngân hàng có thể thoải mái hơn trong việc trích lập để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Như vậy bức tranh nợ xấu và trích lập của CTG vẫn rất sáng sủa dù tình hình chung của ngành là rất nhiều khó khăn. Đây là điểm cộng lớn cho ngân hàng sớm phục hồi kết quả kinh doanh hơn so với các ngân hàng khác trong ngành ở các năm tới.

III. Tổng kết và định giá

Với những phân tích ở trên về cả kết quả kinh doanh cũng như các chỉ số tài chính của ngân hàng chúng ta đã thấy được bức tranh khá rõ về kết quả kinh doanh cũng như tài chính của CTG. Dưới đây là những ý chính chúng tôi tổng kết lại:

  • Kết quả kinh doanh CTG trong 2023, nhất là Q4-2023 hồi phục tốt nhờ động lực chính tới từ tăng trưởng mảng tín dụng và giảm trích lập dự phòng rủi ro nhờ lợi thế có bộ đệm dự phòng lớn.
  • Tăng trưởng tín dụng 2023 đạt 17.5%, mức cao so với ngành. CTG cũng duy trì rất tốt chỉ số NIM trong bối cảnh toàn ngành đều bị giảm do chi phí đầu vào cao còn đầu ra lãi suất hạ. Ngoài ra đầu vào ngân hàng cũng điều hành rất tốt khi huy động nhiều tại các thời điểm lãi suất thấp cũng như tận dụng các kênh có lãi suất thấp để hạ chi phí đầu vào cho ngân hàng.
  • Nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu cũng được kiểm soát rất tốt. Là một trong ít ngân hàng tỉ lệ nợ xấu còn giảm so với năm 2022 cũng như có bộ đệm dự phòng rủi ro lớn (Tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao thứ 2 toàn ngành).

Như vậy chúng ta có thể thấy bức tranh của CTG là khá tươi sáng trong năm 2024 tới với kỳ vọng các chỉ số sẽ tiếp tục cải thiện.

Hiện tại CTG đang giao dịch vùng giá 31.x sau khi tăng một mạch từ nền giá vùng 27. Với giá 31.x thì P/B của CTG vào khoảng 1.35 lần và đây là mức P/B chưa phải cao so với mức trung bình 3 năm gần đây. Chúng tôi cho rằng mức P/B kỳ vọng phù hợp với CTG trong năm 2024 sẽ vào khoảng 1.5-1.6 lần. Tất nhiên chúng ta cần update các chỉ số tài chính của CTG trong các quý tới để có cập nhật và định giá sát sao hơn.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

– Link room telegram miễn phí: https://t.me/cknuocmam
– Link room zalo miễn phí: https://zalo.me/g/xtdspd746
– Đăng kí dịch vụ tư vấn: https://langtubuonnuocmam.com/dich-vu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN