KBC – Giá còn tốt để đầu tư

Lượt xem: 7218 | Ngày đăng: 23/06/2021 | Báo cáo phân tích Blog

Gần đây chúng tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi về định giá cũng như tiềm năng của một mã đó là KBC và team sẽ cố gắng đưa ra quan điểm cũng như định giá cổ phiếu đến quý nhà đầu tư trong bài viết này. Đây là mã có khá nhiều người chú ý và đầu tư trong thời gian gần đây vì kết quả kinh doanh và kế hoạch ấn tượng trong các năm tới. Vậy liệu công ty có thể đạt được những điều như đã đề ra và giá cổ phiếu cũng có thể quay lại đỉnh hay thậm chí vượt được đỉnh với tiềm năng của mình hay không? (Hình 1)

I. Tổng quan doanh nghiệp

1.Thông tin chung
KBC là công ty được thành lập năm 2002 và hoạt động chủ yếu trong ngành cho thuê đất KCN, Với quỹ đất rộng và hiện đang đẩy sang cả các tỉnh khác ngoài Bắc Ninh như trước giúp KBC có quỹ đất lớn hơn và phong phú hơn trong sản phẩm của mình.
Hiện tại KBC đang quản lý 4,713 ha đất cho thuê KCN, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước. Ngoài ra công ty còn có quỹ đất 917,9 ha cho phát triển KĐT, dân cư. Cụ thể tình trạng lấp đầy các KCN và KDC chúng tôi sẽ thông tin chi tiết trong phân tích phía dưới.
Ngoài ra KBC vẫn đang tiếp tục mở rộng quỹ đất của mình cho thấy tham vọng của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn dù sở hữu quỹ đất khổng lồ.
Địa bàn kinh doanh của công ty trải dài trên cả 3 miền như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Huế, HCM, Long An …. Và đóng góp chính cho kết quả kinh doanh của công ty là ngành cho thuê đất KCN, nhà xưởng và chuyển nhượng BĐS. Cụ thể như biểu đồ dưới (Hình 2)

2. Chỉ số tài chính
Trên bản cân đối kế toán của KBC thì khoản tồn kho và phải thu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng tài sản. Tồn kho và phải thu trong 2 quý gần đây có xu hướng tăng hơn về giá trị nhưng về tỉ lệ trên tổng tài sản không có sự thay đổi lớn. Cụ thể như biểu đồ bên dưới (Hình 3)

Về hàng tồn kho, đến hết quý 1-2021 tổng hàng tồn kho là 11,201 tỷ, chiếm 44.3% tổng tài sản. Hàng tồn kho của KBC chính là các KCN đang trong giai đoạn kinh doanh, đây chính là nơi mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho công ty trong tương lai và tồn kho tăng trong 2 quý gần đây là điều đáng mừng. (Hình 4)

Về khoản phải thu hết quý 1 tổng là 8,800 tỷ bao gồm phải thu khách hàng (2,600 tỷ), trả trước người bán (2,700 tỷ) và phải thu khác ( gần 3,500 tỷ ), đây là các khoản liên quan đến trả trước giải phóng mặt bằng, phải thu của khách hàng liên quan và tỉ lệ phải thu trên doanh thu của KBC tại quý 1-2021 là khoảng 4.4 lần ( Doanh thu 2,002 tỷ ). Đây là con số ở mức cao so với các doanh nghiệp trong ngành và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc chiếm dụng vốn của doanh nghiệp, Nhất là khi KBC đang trong giai đoạn thiếu vốn để triển khai các dự án.
Nhìn sang chỉ số nợ vay chúng ta sẽ thấy luôn về nhu cầu vốn của KBC gần đây lớn như thế nào. 2 quý gần nhất nợ vay của KBC tăng lên rất nhiều. Nếu như tại quý 1-2020 tổng nợ vay của KBC là khoảng 2,100 tỷ thì tại quý 1-2021 con số đó là 6,046 tỷ tức gần gấp 3 lần sau 1 năm. Do nhu cầu cho việc triển khai hàng loạt các dự án lớn khiến KBC phải tăng nợ vay để đảm bảo tiến độ đề ra. Tron phần sau chúng tôi sẽ phân tích dự án để xem công ty sử dụng vốn vay lớn có giúp mang lại lợi nhuận lớn về cho công ty hay không. (Hình 5)

3. Tăng vốn trong năm 2021
Trong đại hội cổ đông năm nay KBC đã trình phương án tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành thêm và đã được thông qua. Cụ thể phương án tăng vốn như sau:

⦁ Phát hành cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ 3:1
⦁ Phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu ( chiếm 21.3% cp đang lưu hành ) với giá và thời gian chưa xác định cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (Hạn chế 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp ). Giá chào bán sẽ căn cứ vào tình hình thực tế đàm phán với nhà đầu tư.

Với việc pha loãng từ phát hành thêm với tỉ lệ lớn 21.3% và chưa biết chính xác giá phát hành nên chúng tôi cũng không đánh giá được chính xác mức độ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu hay giá trị sổ sách doanh nghiệp. Đây có thể được coi là 1 rủi do treo trên đầu và nhà đầu tư nên triết khấu trước trường hợp xấu nếu giá bán ở mức thấp.

Mục đích của việc tăng vốn thì chính là để lấy tiền phục vụ cho cá dự án đan triển khai và dòng tiền lưu động của công ty.
⦁ Kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng
⦁ Kết quả kinh doanh Q1-2021
Kết thúc quý 1 KBC ghi nhận doanh thu 2,002 tỷ, tăng mạnh 260% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 599 tỷ, tăng đến hơn 11 lần con số quý 1-2020 (Hình 6)

 

Đáng chú ý đây là quý đầu tiên công ty tăng trưởng lợi nhuận trở lại sau năm 2020 giảm sút mạnh và liệu có bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới hay không? Bóc tách kết quả kinh doanh chúng ta thấy doanh thu và lợi nhuận công ty tăng mạnh là do mảng cho thuê đất KCN và chuyển nhượng BĐS tăng mạnh. Cụ thể doanh thu 2 mảng này đạt 1,904 tỷ tăng gấp 4 lần cùng kỳ. (Hình 7)

Trong quý 1 KBC đã bàn giao 66.6ha diện tích đất KCN, trong đó 33ha đến từ KCN Quang Châu và 22ha đến từ KCN Tân Phú Trung. KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh cũng đã bắt đầu cho doanh thu khi ghi nhận 10.4ha bàn giao trong quý 1 và hứa hẹn tiếp tục cho thuê trong các quý tới. Trong Q1-2020 lợi nhuận đến từ việc cho thuê KCN Tân Phú Trung còn hiện tại nhờ thêm 2 KCN mới có biên lợi nhuận gộp tốt hơn giúp cho biên lợi nhuận gộp năm nay tăng từ 43.9% lên 56.1%
Như vậy kết thúc quý 1 KBC đã hoàn thành 30.3% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2021. Cụ thể các quý tới tiềm năng như thế nào và chi tiết từng mảng chúng tôi sẽ phân tích ở phần dưới.

II. Tiềm năng tăng trưởng 2021
Sau quý 1 với kết quả kinh doanh khả quan thì liệu các quý tới tiềm năng và kết quả sẽ thế nào là câu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này. Từ kết quả kinh doanh chúng ta có thể thấy đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận của công ty chỉ đến từ cho thuê đất KCN ( và dịch vụ, tiện ích đi kèm ) và chuyển nhượng bất động sản nên trong phần phân tích tiềm năng tăng trưởng chúng tôi cũng sẽ chỉ tập trung vào 2 mảng này.

1. Mảng cho thuê KCN
Đây là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Hiện tại KBC quản lý và khai thác trên 4,700 ha KCN, trong đó có 1,013ha đất thuộc 4 KCN đã lấp đầy là Quế Võ, Tràng Duệ 1, Tràng Duệ 2, Đại Đồng – Hoàn Sơn GD1. KBC là doanh nghiệp có phương pháp hạch toán cho thuê KCN dạng 1 lần tức cho thuê tới đâu hạch toán hết tới đó chứ không hạch toán đều như các doanh nghiệp trong ngành như NTC, MH3,… Vì vậy cần theo dõi tiến độ cho thuê và thời gian hạch toán tương tự như các công ty BĐS. Dưới đây chúng tôi sẽ cập nhật các KCN đang còn diện tích cho thuê và sẽ triển khai sắp tới:

  • KCN Tân Phú Trung: Là KCN tại địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM thuộc công ty cp phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD) làm chủ đầu tư. Đây là công ty con của KBC với tỉ lệ sở hữu là 72.44%. KCN có tổng diện tích 542.6ha trong đó diện tích đất thương phẩm là 314ha. Hiện tại KCN đã cho thuê được khoảng 200.7ha và còn dư địa cho thuê khoảng 113.3ha và đất phải đền bù còn khoảng 34ha. Giá cho thuê hiện tại của KCN vào khoảng 170$/m² . Như vậy dư địa cho thuê của KCN còn khoảng 4,500 tỷ và dư địa của KBC (Nắm 72.44%) là khoảng 3,200 tỷ, chúng tôi kỳ vọng KCN sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2021 với phần diện tích còn lại và cho thuê được với tốc độ tốt trong các năm tới vì vị trí địa lý thuận lợi của KCN Tân Phú Trung
  • KCN Quang Châu (hiện tại + mở rộng ): Là KCN thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang và KBC sở hữu 88.06% lợi ích. KCN Quang Châu có tổng diện tích 516ha, diện tích đất thương phẩm khoảng 352.4ha. Hiện tại KCN đã cho thuê được khoảng 279.4ha và diện tích chưa cho thuê còn khoảng 73ha. Giá cho thuê tại KCN Quang Châu đang là khoảng 65$/m² và như vậy dư địa doanh thu của KBC ( Đã tính lợi ích 88% ) là khoảng 950 tỷ
  • KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh: Đây là KCN thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, tỉ lệ sở hữu 100%. KCN có tổng diện tích 300ha với diện tích đất thương phẩm là 204.1ha, hết năm 2020 dự án đã đền bù được 185ha và sẽ tiếp tục đền bù nốt trong 2021. Trong quý 1-2021 KCN đã bắt đầu hạch toán được 10.4 ha cho thuê đầu tiên và dư địa còn khoảng 193.7ha cho thuê trong các năm tới. Với việc vào giai đoạn có thể cho thuê và hạch toán thì dự án sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho KBC trong năm 2021 và các năm sau. Với giá thuê hiện tại vào khoảng 60$/m² thì dư địa doanh thu của KCN là khoảng 2,600 tỷ
  • KCN Tràng Duệ 3: là KCN được triển khai sau khi KCN Tràng Duệ 1 và 2 đều đã được lấp đầy toàn bộ. KCN được triển khai bởi công ty SHP ( Sài Gòn Hải Phòng ) là công ty con của KBC với tỉ lệ sở hữu 86.54%. Vị trí KCN nằm tại tỉnh Hải Phòng với tổng diện tích 678ha và diện tích đất thương phẩm khoảng 456ha. Dự án sẽ được triển khai và cho thuê trong các năm tới để gối đầu cho các KCN hiện tại đang cho thuê. Dự án có lợi thế nằm tại Hải Phòng thuận tiện giao thông và nhiều công ty thuộc KCN Tràng Duệ 1,2 đang có nhu cầu mở rộng nên Tràng Duệ 3 sẽ là lựa chọn tốt nhất. Với diện tích cho thuê lớn cùng vị trí tốt sẽ giúp mang về doanh thu trên 7,000 nghìn tỷ cho KBC trong tương lai
  • KCN Đại Đồng Hoàn Sơn: Là KCN thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh, KBC nắm 21.48% tỉ lệ sở hữu. KCN bao gồm 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 có tổng diện tích 286ha đã được lấp đầy 100%. Giai đoạn 2 có tổng diện tích khoảng 95ha và diện tích đất thương phẩm khoảng 66.8ha . Dự án đã đền bù được khoảng 50ha năm 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021 để có thể cho thuê. Tuy nhiên do tỉ lệ sở hữu và diện tích đất thương phẩm thấp nên khi đi vào cho thuê, đóng góp của KCN cho KBC cũng không được nhiều. Dư địa doanh thu của KBC vào khoảng 200 tỷ khi cho thuê full KCN.
  • Các KCN Khác: Ngoài các KCN đã lấp đầy, các KCN đang và sẽ sớm cho thuê trong thời gian tới đã đề cập ở trên thì KBC còn 1 số KCN đã gần hết dư địa cho thuê như KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, thì còn các dự án công ty mới trúng thầu nhưng phải còn khá lâu mới triển khai đến nên chúng tôi sẽ chưa cập nhật chi tiết trong bài viết này. Các dự án có thể kể đến như các quỹ đất mới mở rộng tại Long An, Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên, …
    Như vậy tổng kết lại chúng ta có thể thấy trong năm 2021 doanh thu mảng cho thuê đất KCN của KBC sẽ đến từ 3 KCN chính là KCN Tân Phú Trung, KCN Quang Châu và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh. Tuy nhiên cả 3 KCN này đều thuộc các địa bàn ( Bắc Giang, Bắc Ninh, tp.HCM ) có làn sóng mắc covid lần 4 lớn nhất cả nước, và các ca mắc lại xảy ra nhiều trong các công ty KCN nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, mở rộng và thuê mới của các doanh nghiệp trong KCN. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ khiến ngắn hạn hoạt động cho thuê đất bị chậm phần nào so với tiến độ ban đầu.

2. Mảng BĐS
Đây là mảng đóng góp lớn thứ 2 cho doanh thu và lợi nhuận sau mảng cho thuê đất KCN. Các dự án BĐS của công ty đa phần cũng là dạng tiện ích đi kèm hoặc bên cạnh các KCN mà công ty đang quản lý. Hiện tại KBC đang có quỹ đất khoảng 917.9ha cho phát triển khu đô thị. Dưới đây chúng tôi sẽ đi phân tích tình trạng các dự án đang và sẽ hạch toán trong thời gian tới

  • Dự án KĐT Phúc Ninh: Dự án có tổng diện tích 120ha trong đó đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 114.55ha, diện tích đất thương phẩm là 44.5ha đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép KBC được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và cho phép người dân tự xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch chi tiết. Trong năm 2020 đã xây dựng 161 căn biệt thự và nhà liền kề, và đã hoàn thiện được 102 căn. Trong năm 2020 dự án đã bắt đầu hạch toán cho các nhà đầu tư đặt chỗ trước (2.57ha ) và phần còn lại sẽ tiếp tục ghi nhận trong năm 2021 ( 7.33ha ). Dự án đã thu 1,666 tỷ và còn phải thu 1,074 tỷ. Trong đó đã hạch toán 338.5 tỷ nên dư địa còn lại doanh thu vào khoảng 2,400 tỷ. Dự án sẽ tiếp tục mở bán trong 2021 và ghi nhận doanh thu cho các năm tiếp theo. Hiện tại giá bán dự án đang ở mức khoảng 40tr/m². (Hình 8)

 

  • Dự án KDT Tràng Duệ: Dự án nằm cạnh KCN Tràng Duệ có diện tích 42.08ha tọa lạc tại An Dương, Hải Phòng với mật độ xây dựng 40%, sản phẩm dự án là khu nhà ở chung cư, nhà liền kề và biệt thự ( cụ thể 1,126 căn nhà ở xh, 176 nền nhà LK, 473 nền biệt thự ) . Dự án KDT Tràng Duệ bắt đầu được ghi nhận doanh thu từ 2019, sang năm 2020 đã bàn giao tiếp 2,35ha và mang về cho KBC doanh thu 182.9 tỷ đồng, Lũy kế dự án đã bàn giao và ghi nhận doanh thu cho 5.95ha. Trong năm 2021 dự án sẽ tiếp tục được ghi nhận doanh thu khi bàn giao sản phẩm của dự án. (Hình 9)

 

  • Dự án KDC Tràng Cát: Đây là dự án lớn nằm tại tp. Hải Phòng đã tạm dừng từ 2012 và mới được khởi động lại trong thời gian gần đây. Dự án có tổng diện tích 584.9ha, đã đền bù được 582ha do công ty TNHH MTV phát triển đô thị Tràng Cát (TCC) làm chủ đầu tư, đây là công ty con của KBC (100% vốn) có vốn điều lệ 5,130 tỷ đổng. Tổng giá trị đầu tư cho dự án trong năm 2020 là 3,502 tỷ, tăng gấp đôi so với số tổng số tiền đã bỏ ra các năm trước đó nâng tổng vốn đầu tư lên 7,011 tỷ đồng. Dự án dự kiến mất khoảng 11,328 tỷ vốn đầu tư và đây sẽ là dự án trọng điểm của KBC trong năm 2021. Và chúng tôi kỳ vọng với quyết tâm và bỏ nhiều vốn ra dự án sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho KBC sau khoảng 2 năm nữa (2023 kỳ vọng có thể bắt đầu hạch toán) (Hình 10)

 

  • Dự án KDT Quang Châu: đây là dự án đi kèm theo KCN Quang Châu có tổng diện tích 120ha trong đó đã giải phóng mặt bằng được 60ha. Dự án bao gồm khu biệt thự cao cấp, chung cư, tòa nhà văn phòng và nhà ở cho công nhân. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và sẽ triển khai trong các năm tiếp theo để mang lại doanh thu cho KBC.
  • Các KDT khác: Hiện còn 1 số dự án khác của KBC đang quản lý và khai thác nhưng hiện tại chưa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà có thể coi là của để dành trong tương lai như KĐT Tây Bắc – Củ Chi 47.7ha, Dragon City Park 78.3ha, Bàu tràm lakeside park 46ha, … hay như gần đây là KĐT Nam Vũng Tàu (69.5ha) mới dược cấp phép.
    Như vậy các dự án BĐS của KBC cũng rất nhiều trong đó doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021 sẽ được hạch toán từ dự án KĐT Tràng Duệ và KĐT Phúc Ninh khi tiếp tục được hạch toán. Kỳ vọng 2021 tổng 2 dự án trên sẽ đưa vào hạch toán khoảng 8.4ha và mang về trên 2,000 tỷ doanh thu và 500-600 tỷ LNG. Trong các năm tiếp theo sẽ có dự án gối đầu như Tràng Cát, KDC Quang Châu,… Như vậy có thể thấy dư địa dài hạn của KBC là rất tốt. Điều quan trọng cần chú ý đó là tốc độ triển khai dự án để đưa vào hạch toán của doanh nghiệp thế nào.

III. Tổng Kết và Định giá
Như vậy chúng tôi đã phân tích 1 lượt về tình hình tài chính doanh nghiệp, triển vọng và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, dưới đây là các ý chính nhà đầu tư nên chú ý khi tìm hiểu và đầu tư vào KBC:

  • KBC Là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cho thuê đất KCN và các dự án BĐS. Chú ý cách hạch toán cho thuê đất KCN của KBC đó là hạch toán 1 lần , tức cho thuê xong sẽ hạch toán hết vào doanh thu thay vì hạch toán đều trong chu kỳ thuê như các công ty NTC, MH3,… trên sàn vì vậy sẽ cần để ý hơn về tốc độ cho thuê và thời điểm bùng nổ để timming cho việc hạch toán giống như 1 doanh nghiệp BĐS.
  • Nợ vay của KBC tăng cao để triển khai nhiều dự án, đây là 1 dạng dùng đòn bẩy tài chính để thực hiện nhanh và nhiều các dự án cùng lúc giúp mang về doanh thu và lợi nhuận lớn. Điều này là tốt trong giai đoạn vĩ mô đang ủng hộ ngành. Tuy nhiên cũng cần chú ý dòng tiền sau khi ghi nhận doanh thu có chảy vào các dự án khác hay bị tuồn đi đâu? Hiện tại mới đầu chu kỳ chúng tôi chưa đánh giá được vấn đề này, cần 1 vài quý sau khi doanh thu tăng mạnh, dòng tiền về mới chính xác được, nhưng lịch sử ban lãnh đạo cũng k phải tốt đẹp cho lắm nên nhà đầu tư cũng nên lường trước điều này.
  • Nguy cơ pha loãng khi phát hành riêng lẻ lên đến hơn 20% mà chưa công bố giá phát hành riêng lẻ là 1 tiềm ẩn rủi do. Nếu giá phát hành thấp hơn nhiều thị giá trên sàn sẽ làm giá trị sổ sách công ty giảm nhiều. Nên điều này nhà đầu tư cũng nên chú ý và chúng tôi sẽ chiết khấu khi định giá để đảm bảo an toàn nếu ra tin không tốt
  • Các KCN, Khu đô thị bắt đầu vào giai đoạn hạch toán nhiều và năm 2021 sẽ kỳ vọng là năm bùng nổ doanh thu. Công ty đặt ra kế hoạch 6,600 tỷ doanh thu và 2,000 tỷ lợi nhuận. Đây là con số tăng trưởng rất mạnh so với các năm trước ( Xem biểu đồ dưới đây). Chúng tôi cho rằng công ty sẽ hoàn thành được kế hoạch này dù quý 2 sẽ có chút khó khăn khi mà dịch bệnh covid diễn biến phức tạp trên các địa bàn chính mà KBC kinh doanh như Bắc Ninh, Bắc Giang, tp.HCM làm chậm tiến độ bàn giao. (Hình 11)

Dư địa 2 mảng KCN và BĐS đủ cho KBC cho thuê và hạch toán liên tục trong 4-5 năm tới với kết quả kinh doanh cao. Vì vậy có thể khẳng định chu kỳ tăng trưởng cao về kết quả kinh doanh của KBC sẽ bắt đầu từ 2021 cho đến ít nhất 2023-2024.

Kết quả kinh doanh thì chúng tôi thấy khá khả quan trong thời gian tới nhưng việc cổ phiếu có hấp dẫn hay không để đầu tư với giá hiện tại thì lại là vấn đề khác vì nó còn phụ thuộc định giá doanh nghiệp, nhất là khi KBC đã vừa tăng 1 đoạn rất nhiều hồi đầu năm 2021 từ vùng giá 15 lên vùng 40-45 tức tăng gần 3 lần trong thời gian ngắn.

Về định giá, hiện tại KBC đang giao dịch vùng 38-40 tức vốn hóa thị trường khoảng 18-18.5 nghìn tỷ đồng. Chiết khấu đi những rủi do về lãnh đạo, sức khỏe tài chính cùng phát hành riêng lẻ chúng tôi cho rằng mức vốn hóa phù hợp với KBC trong năm 2021 vào khoảng 20-22K tỷ tương ứng mức giá 42-46K. Như vậy với giá hiện tại thì dư địa tăng giá không còn nhiều để thấy đây là một cơ hội đầu tư tốt.

Chú ý: định giá có thể thay đổi khi các rủi do dần được làm rõ trong các quý tới. Chúng tôi sẽ cập nhật khi có các thông tin mới nhất cho khách hàng để update định giá mới nhất.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN