MSB – Cập nhật báo cáo và triển vọng 2022

Lượt xem: 1697 | Ngày đăng: 30/08/2022 | Báo cáo phân tích Blog

Đây là báo cáo chúng tôi sẽ cập nhật bctc quý 2 của MSB, ngoài ra là triển vọng ngân hàng cũng như bức tranh cả ngành trong thời gian tới.

MSB đã công bố báo cáo tài chính quý 2-2022 với thu nhập lãi thuần đạt 3,122 tỷ đồng, tăng trưởng 23.9% yoy và là quý có tăng trưởng rất tốt so với các quý gần đây tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng âm so với cùng kỳ.(Hình 1)

Bóc tách nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm hơn so với cùng kỳ thì chúng ta sẽ biết là do quý 2-2021 MSB đã ghi nhận một phần phí upfront từ thỏa thuận với Prudential, cụ thể ngân hàng đã ghi nhận 1,698 tỷ đồng từ khoản này. Thuyết minh chi tiết như hình 2 dưới đây:

Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận đột biến tại quý 2 năm 2021 thì lợi nhuận của MSB trong quý 2-2022 cũng có sự tăng trưởng rất tốt so với cùng kỳ. Theo thông tin từ phía ban lãnh đạo ngân hàng thì trong năm 2022 sẽ không ghi nhận khoản còn lại từ thỏa thuận với Prudential mà sẽ ghi nhận vào năm 2023. Như vậy trong năm 2022 MSB sẽ không còn khoản lợi nhuận đột biến nữa mà sẽ được ghi nhận trong năm sau 2023.

Về mảng đóng góp chính là tăng trưởng tín dụng trong quý 2-2022 đã có sự tăng trưởng rất tốt với thu nhập lãi thuần tăng đến 39.5% so với cùng kỳ. Như vậy có thể thấy phần nào mảng kinh doanh chính của ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt trong quý 2-2022. Cụ thể hơn các mảng khác cũng như tình trạng tín dụng của MSB chúng tôi sẽ phân tích trong phần dưới của bài viết.

I. Bóc tách các mảng kinh doanh của MSB

Với các ngân hàng thì mảng tín dụng vẫn luôn là mảng chiếm tỉ trọng lớn nhất và quan trọng nhất, ngoài ra còn các mảng khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối,… Với MSB trong 6 tháng đầu năm 2022 mảng tín dụng đóng góp 78%, mảng hoạt động dịch vụ do không còn khoản đột biến như 2021 nên chỉ còn đóng góp 11% về lợi nhuận và còn 11% là các mảng khác. Cụ thể như hình 3 dưới đây:

1. Mảng tín dụng ngân hàng

Đây là mảng cốt lõi của tất cả các ngân hàng và có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến lợi nhuận từ mảng này là cho vay đầu ra, chi phí huy động đầu vào và trích lập dự phòng.

a. Tăng trưởng tín dụng

Trong thời gian qua khi nền kinh tế bắt đầu vào giai đoạn phục hồi sau dịch nên nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế ở mức rất cao, vì vậy câu chuyện tăng trưởng tín dụng là câu chuyện khá nóng và cũng không của riêng ngân hàng nào. Đa phần các ngân hàng đều đã chạm ngưỡng trần tín dụng được giao từ đầu năm 2022 và hiện tại đang chờ những chính sách tiếp theo.

Với MSB trong 6 tháng đầu năm 2022 cho vay khách hàng đạt 110.5 nghìn tỷ đồng, tăng 8.8% so với đầu năm và cũng gần sát mức trần tín dụng được giao đầu năm là 9.5%.(Hình 4)

Trong năm 2022 ngân hàng nhà nước đã thông tin là sẽ giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 14% và chưa có thông tin chi tiết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng ngân hàng và cho đến hiện tại vẫn sẽ áp chỉ tiêu tạm thời là 9.5% với MSB. Hiện tại tuy nhu cầu tín dụng rất lớn nhưng với nỗi lo về lạm phát sẽ khiến ngân hàng nhà nước phải cân nhắc rất kỹ. Chúng tôi cho rằng trong nửa cuối năm 2022 có khả năng sẽ có thêm một đợt nới room tín dụng nữa cho các ngân hàng nếu lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên mức độ nới kỳ vọng sẽ không được nhiều như 2021 cho MSB. Dự kiến có thể MSB được nới thêm room 3-4% nữa cho 2022. Tổng tín dụng 2022 có thể đạt 13-15%, thấp hơn so với 4 năm gần đây.

Về tỉ trọng cho vay khách hàng, ngân hàng chủ động hướng nguồn tín dụng vào các mảng cho vay cá nhân ít rủi do hơn như cho vay mua nhà (+30.6%), cho vay kinh doanh (+29.7%), thẻ tín dụng (+21.2%) và giảm cho vay tiêu dùng (-11.9%), vay mua ô tô (-4.5%).

Với việc cạn room từ quý 1 nên trong quý 2 ngân hàng chủ yếu xoay vòng các khoản vay đến hạn cũng như cơ cấu lại khách hàng để cho vay. Ngoài ra ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay bình quân 1% kể từ tháng 5 để giúp ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong những quý cuối năm.

b. Huy động đầu vào

Ngoài tín dụng đầu ra thì huy động đầu vào cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của ngân hàng. Trong năm 2020-2021 các ngân hàng được hưởng lợi khá nhiều khi lãi suất huy động đầu vào giảm trong khi cho vay đầu ra không giảm tương ứng giúp cho NIM của các ngân hàng đều tăng lên nhiều. Năm 2022 ngân hàng gặp khó khăn hơn khi lãi suất có xu hướng tăng, tuy nhiên MSB vẫn đang hoạt động rất tốt khi vẫn tăng được NIM trong 2 quý đầu năm.Với việc chủ động tăng lãi suất đầu ra trong xu thế phải tăng lãi suất huy động sẽ giúp ngân hàng duy trì được NIM ở mức cao.

Trong quý 2 tỉ lệ casa của MSB là 36.7%, giảm 1.4% so với quý 1 nhưng vẫn là mức cao so với năm 2021. Trong thời gian tới nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn vẫn là động lực tăng trưởng casa cho ngân hàng thông qua các dự án về nhà máy số với BCJ, dự án hỗ trợ sale, tái cơ cấu IT platform cùng đối tác MCKinsey để giúp khai thác hiệu quả casa cá nhân.(Hình 5)

Hiện tại tốc độ tăng trưởng khoản tiền gửi của khách hàng so với tốc độ tăng trưởng cho vay đang thấp hơn khá nhiều dẫn đến việc khoản tiền gửi của khách hàng thấp hơn so với khoản cho vay khách hàng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì các ngân hàng sẽ gặp áp lực lớn về nguồn vốn huy động để đáp ứng đủ vốn cho vay. Hiện tại vốn cho vay 2 quý cuối năm không quá áp lực khi mà room tín dụng không còn nhiều nhưng đến đầu năm 2023 khi room tín dụng cho năm mới được mở sẽ là bài toán cho MSB và các ngân hàng.(Hình 6)

Hiện tại cùng xu thế FED tăng lãi suất cũng như tỉ lệ tiền gửi/ cho vay khách hàng đang ngày càng giảm sẽ khiến ngành ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để tăng lượng tiền gửi khách hàng. Như vậy có thể thấy xu hướng tăng lãi suất về cuối năm là khá hiện hữu và như vậy chi phí đầu vào của MSB có thể sẽ tăng nhẹ vào cuối năm.

c. Nợ xấu và dự phòng rủi do

Trong các quý gần đây tỉ lệ nợ xấu của MSB có xu hướng giảm từ  hơn 2% 2020 xuống còn 1.5% tại quý 2-2022. Nếu nhìn xa hơn trong 5 năm gần đây qua từng năm tỉ lệ nợ xấu đều có xu hướng giảm dần từ năm 2018 (3%) đến nay (cụ thể như hình 7-8 dưới)

Ngoài tỉ lệ nợ xấu đang có xu hương giảm trong các năm qua thì ngân hàng cũng tăng trích lập hơn so với các năm trước trong giai đoạn 2021 cho đến nay. Kết thúc quý 2-2022 tỉ lệ bao phủ nợ xấu của MSB là 84% trong khi trung bình các năm trước 2021 chỉ ở mức 50-60%. Nếu so với các ngân hàng top đầu khác như VCB, MBB, TCB,… thì tỉ lệ bao phủ nợ xấu của MSB vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều.

Trong quý 2-2022 MSB đã hoàn nhập dự phòng 115 tỷ đồng thay vì tiếp tục trích lập dự phòng như các quý trước đó cho thấy ngân hàng có thể sẽ duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu quanh mức 80-90% thay vì tiếp tục đẩy cao lên tỉ lệ này như nhiều ngân hàng khác hiện nay. Điều này sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của MSB trong ngắn hạn vì không phải trích lập thêm nhiều nữa. Ngoài ra nợ nhóm 2 của MSB cũng k có xu hướng tăng trong những năm gần đây dù dịch bệnh xảy ra, điều này sẽ giảm thiểu rủi do gia tăng nợ xấu trong tương lai. Chúng ta cần thêm báo cáo quý 3-2022 nữa để đánh giá chính xác hơn về tình hình nợ xấu này vì sau ngày 30-6-2022 sẽ không cho gia hạn các khoản nợ xấu nữa và là lúc các ngân hàng hiện rõ hơn về bức tranh nợ xấu này.(Hình 9)

Về trái phiếu đặc biệt VAMC tại MSB đã được xử lý xong từ quý 2-2020 và cho đến nay không còn phát sinh thêm nữa.

2. Các mảng kinh doanh khác

Ngoài mảng tín dụng thì các ngân hàng đều hoạt động và phát triển các mảng khác như bảo hiểm, ngoại tệ, đầu tư tài chính,… Với MSB trong 6 tháng đầu năm thì các mảng này chiếm đến 22% lợi nhuận hoạt động của ngân hàng. Cụ thể các mảng chính như dưới đây:

  • Mảng hoạt động dịch vụ: Trong quý 2-2021 MSB ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến 1,698 tỷ đồng phí upfront từ thỏa thuận với Prudential và phần còn lại sẽ được hạch toán trong năm 2023 còn trong năm 2022 khoản này sẽ không có để đóng góp cho mảng hoạt động dịch vụ. Trong 6 tháng 2022 doanh số mảng bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ với khoảng 60 tỷ đồng/ tháng. MSB đã chuyển đổi mô hình bán bảo hiểm từ hình thức giới thiều sang hình thức bán trực tiếp giúp kỳ vọng doanh thu mảng bảo hiểm sẽ tăng trưởng tốt hơn.
  • Hoạt động kinh doanh ngoại hối: Lãi từ hoạt động ngoại hối trong quý 2-2022 đã tăng rất mạnh khi đạt 315 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ. Trong quý 2 do áp lực tỉ giá nên hoạt động mua bán ngoại hối cũng như bán USD ra của ngân hàng để điều tiết tỉ giá đã khiến cho hoạt động này trở nên nhộn nhịp hơn so với mức bình thường. Và theo chúng tôi trong 6 tháng cuối năm khi mà FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất làm tỉ giá vẫn căng thẳng thì hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao như 6 tháng đầu năm.
  • Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư: Đây là khoản hàng quý vẫn mang lại doanh thu và lợi nhuận khá tốt cho MSB, trong quý 2 mảng này vẫn mang về doanh thu gần 800 tỷ đồng, nhưng nhờ chi phí hạch toán thấp giúp mang lại lợi nhuận trên 500 tỷ đồng trong quý 2. Về chi tiết khoản mục chứng khoán đầu tư như hình dưới đây chúng ta có thể thấy đa phần đều là chứng khoán chính phủ và chứng khoán nợ của các tổ chức tín dụng trong nước (hưởng lãi suất hàng năm 2%-9.4%). Như vậy có thể thấy mảng này sẽ mang lại doanh thu ổn định cho ngân hàng, còn giá vốn sẽ phụ thuộc vào dự phòng của ngân hàng và khá khó lường (Hình10)

Như vậy các mảng kinh doanh khác của MSB chúng ta có thể trông chờ vào tăng trưởng mảng bảo  hiểm cũng như khoản lợi nhuận đột biến trong năm 2023 đến từ việc hạch toán nốt khoản upfront từ thỏa thuận với Prudential để đóng góp lợi nhuận cho ngân hàng.

II. Tổng kết và định giá

Như vậy chúng ta có thể thấy bức tranh của MSB trong nửa đầu năm 2022 và có thể dự đoán được phần nào bức tranh trong 6 tháng cuối năm. Chúng tôi cho rằng câu chuyện đáng chú ý nhất của MSB và ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 đó chính là việc nới room tín dụng và tăng lãi suất huy động. Với việc nới room tín dụng sẽ sớm được công bố chính thức vào những ngày cuối tháng 8 và kỳ vọng MSB sẽ được nới thêm khoảng 3% room tín dụng. Về lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm chúng tôi cho rằng MSB sẽ duy trì tăng trưởng tốt mới mức tăng trưởng có thể đạt 25-30% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Về định giá, hiện tại MSB đang giao dịch vùng giá 18-19 với P/B khoảng 1.2-1.3 lần và chúng tôi cho rằng mức giá này là không đắt với MSB. Và định giá phù hợp với MSB vào cuối năm 2022 vào mức khoảng 22-24K/cp. Tuy nhiên để coi là hấp dẫn thì chúng tôi cho rằng vùng P/b 1-1.1 sẽ là vùng hấp dẫn với MSB tức vùng giá 15-16.5k/cp.

-Link room telegram miễn phí: https://t.me/cknuocmam

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

BÀI VIẾT LIÊN QUAN